Trước phiên phúc thẩm sắp diễn ra, gia đình nhà dân chủ Lê Thăng Long dành cho Trà Mi của VOA Việt Ngữ cuộc trao đổi đầu tiên với báo giới kể từ khi ông Long bị bắt. Bà Hương, thân mẫu của ông Long, cho biết:
Bà Hương: Tôi đã xin vào thăm Thăng Long hôm 29/4, và luật sư của Long ngày mai sẽ vô gặp Long.
VOA: Kể từ khi anh Long bị bắt tới nay, đây là lần thăm gặp lần thứ mấy, thưa bà?
Bà Hương: Tôi gặp rất nhiều lần. Ngày 20/1 xử sơ thẩm thì ngày 19/1 tôi đã gặp Long, và sau đó, Long từ chối luật sư. Sau phiên sơ thẩm, ngày 22/1, tôi vào thăm Long lần nữa. Rồi hằng tháng, cứ đến mùng 10, tôi vào thăm gặp Long. Hôm nay, trước khi xử phúc thẩm, tôi lại gặp Long vào ngày 29/4. Tôi phải làm đơn gửi tòa phúc thẩm và Viện Kiểm Sát, được người ta chấp nhận và cấp giấy mới được vào gặp.
Lê Thăng Long không chấp nhận bản án tuyên hồi sơ thẩm. Cậu đã làm 11 tờ kháng cáo gửi lên các cơ quan nhà nước. Lần này, Long tuyên bố tuyệt thực 10 ngày. Tôi không chấp nhận ý kiến này. Lần trước, Long tuyệt thực 12 ngày, tương đương với 12 tờ kháng cáo không đồng ý với quan điểm của tòa kết tội cậu ta. Tôi không ủng hộ việc tuyệt thực, vì nó không giải quyết một vấn đề gì cả. Và lần đầu, khi cậu ta đã tuyệt thực được 5 ngày, huyết áp bị tụt hẳn. Bác sĩ khuyên không nên tiếp tục tuyệt thực, nếu không sức khỏe sẽ tồi tệ.
Ngày phúc thẩm sắp tới là 11, mà cậu định tuyệt thực lần nữa bắt đầu từ ngày 1/5, thì không thể còn sức trước khi ra tòa. Vì vậy, tôi khuyên con tôi không nên tuyệt thực, vì nó là con trai duy nhất của tôi. Phiên sơ thẩm tôi có trực tiếp tham dự và phúc thẩm lần này, tôi cũng có xin tòa được trực tiếp tham dự. Nhưng nếu Long tuyệt thực thì tôi không tham gia gì cả.
VOA: Gia đình có thể cho biết luật sư trong phiên phúc thẩm lần này là ai?
Bà Hương: Luật sư Nguyễn Minh Tâm, Phó Đoàn Luật sư của thành phố, đã từng tham gia nhiều vụ án, trong đó có các vụ án kinh tế lớn trước đây như vụ Epco hay Minh Phụng.
VOA: Trong lần gặp gỡ mới nhất đây ngày 29/4, bà nhận xét về tình hình sức khỏe và tinh thần của con trai mình thế nào?
Bà Hương: Nói chung là tốt, không có vấn đề. Nói gì thì nói, tôi cũng động viên con tôi nên cứng rắn trước tòa. Long làm thì Long chịu chứ không đổ lỗi cho bất cứ ai. Chính luật sư cũng nói với tôi hôm qua rằng tâm phục, khẩu phục cậu ấy, nhưng cậu ấy cứng nhắc quá, không mềm dẻo, không khéo léo. Cậu Định rất khéo léo, còn con tôi tính thẳng, không luồn cúi ai, không lắc lẻo, chỉ đi thẳng một đường.
VOA: Kể từ sự việc xảy ra tới nay, gia đình không tiếp xúc với báo chí, cũng không trả lời phỏng vấn…
Bà Hương: Không, có lẽ lần đầu tiên tôi được cô phỏng vấn, mà tôi cũng không muốn phỏng vấn.
VOA: Bà có thể cho biết lý do vì sao gia đình tránh tiếp xúc với báo chí?
Bà Hương: Vì chuyện con tôi làm, nó chịu trách nhiệm. Nó lớn rồi, nó có kiến thức, chứ nó không mụ mẫm. Nó không theo một sự hướng dẫn của một tổ chức nào cả.
VOA: Một vài người tham dự phiên sơ thẩm vừa rồi có ý kiến nhận xét là tại tòa, anh Long đưa ra các phản biện không thuyết phục lắm, và anh ta nói đến những vấn đề khiến người ta có thể hiểu là anh có vấn đề về tâm lý, về tinh thần. Là một người tham dự phiên tòa đó, bà phản hồi như thế nào về nhận xét đó?
Bà Hương: Bữa đó, tôi thấy con tôi thiếu bình tĩnh, vì trong 4 người, nó là người sau cùng. Đói và phải đứng đến mấy tiếng đồng hồ, nó không còn sức để chịu đựng, và nó thiếu bình tĩnh. Đến ngày 22/1, tôi vào thăm, tôi có nói lên điều này và Long công nhận điều đó.
VOA: Tại phiên sơ thẩm, anh Long là một trong hai người không nhận tội…
Bà Hương: Không, con tôi không nhận tội. Đến giờ phút này nó vẫn bảo là nó vô tội.
VOA: Mức độ kỳ vọng của chính anh Long và gia đình về phiên phúc thẩm này như thế nào?
Bà Hương: Tôi cũng khó nói, mà tôi tin là mức án sẽ giảm. Tôi tin như vậy. Còn thực tế như thế nào, phải chờ đến 12 giờ trưa ngày 11/5 thì sẽ rõ. Đó là quyền của tòa phúc thẩm.
VOA: Hôm gặp gần đây nhất với gia đình trước phiên phúc thẩm, anh Long có nhắn gửi gì với gia đình không?
Bà Hương: Không, bữa đó, nó bị tôi la rầy về vụ tuyệt thực quá nên nó không quan tâm đến việc đó lắm.
VOA: Cảm ơn bà đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này.
Bà Hương: Dạ vâng.
Việt Nam sẽ mở phiên phúc thẩm xét kháng cáo của 3 nhà dân chủ trẻ Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, và Lê Thăng Long vào ngày 11/5 tới đây tại TPHCM. Trong phiên sơ thẩm xử 4 nhà dân chủ bị cáo buộc tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” hôm 20 tháng Giêng vừa qua, Trần Huỳnh Duy Thức bị kêu án nặng nhất, 16 năm tù. Hai nhà hoạt động họ Lê mỗi người lãnh án 5 năm. Nguyễn Tiến Trung bị tuyên phạt 7 năm, và không kháng án. Tại tòa sơ thẩm, Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung nhận là có vi phạm pháp luật Việt Nam, trong khi Lê Thăng Long và Trần Huỳnh Duy Thức vẫn khẳng định họ vô tội.