Vào đầu năm nay hàng chục phần tử chủ chiến tự xưng là al-Qaida for the Verandah of Mecca đã xuất hiện tại những khu rừng rậm của tỉnh Aceh. Người chỉ huy nhóm này là một kẻ tại đào tên Dulmatin, một tòng phạm trong cuộc đánh bom vào một hộp đêm ở Bali hồi năm 2002, khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Nhóm chủ chiến do Dulmatin cầm đầu thành lập một trại huấn luyện với ý đồ dùng nơi này làm căn cứ để phát động một cuộc thánh chiến tại Indonesia.
Trong một băng video nhằm tuyển mộ thành viên, một số người đàn ông dấu tung tích kêu gọi các phần tử cực đoan trên toàn cõi Indonesia hãy nhập vào tổ chức để chống lại những kẻ thù của Hồi Giáo.
Tuy nhiên hôm 22 tháng Hai vừa qua, cảnh sát đã xông vào vùng này và trong vòng vài tuần lễ, đã hạ sát và bắt giữ hàng chục phần tử chủ chiến.
Khai thác những tin tình báo thu được từ cuộc bố ráp này, cảnh sát đã tìm ra dấu vết của Dulmatin tại một vùng ngoại ô thủ đô Jakarta và bắn chết đương sự hôm 9 tháng 3 vừa qua.
Dù nổi tiếng là một trong những khu vực theo Hồi Giáo cứng rắn nhất Indonesia, Aceh đã xua đuổi các phần tử chủ chiến.
Các giới chức Indonesia cho biết là những thông tin đều đặn do công chúng cung cấp là yếu tố chủ yếu giúp giới thẩm quyền phát hiện ra căn cứ này và bao vây các nghi can là phần tử chủ chiến đang tìm đường trốn chạy. Hầu hết không phải là cư dân tỉnh Aceh.
Bà Sidney Jones, một nhà phân tích thuộc nhóm nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế nói những gì xảy ra tại Aceh cho thấy các tín đồ Hồi Giáo bảo thủ có thể trở thành kẻ thù của các nhóm võ trang cực đoan. Bà nói:
“Tôi nghĩ là có một thành kiến sai lầm về căn bản là lòng nhiệt thành mộ đạo được coi như đồng nghĩa với cực đoan. Thành kiến này chưa bao giờ được chứng minh là đúng trong trường hợp Aceh. Vùng này là một trong những vùng nơi cư dân được coi là giới mộ đạo và tuân thủ nghiêm ngặt nhất các giáo lý Hồi Giáo, trong cộng đồng Hồi giáo ở Indonesia, tuy nhiên Aceh cũng là một nơi mà ngay từ đầu đã mở rộng vòng tay chào đón người ngoài, và có thái độ bao dung đối với các tôn giáo khác“
Tại Aceh, một trong những yếu tố đóng góp chủ yếu vào công tác phát hiện ra tổ chủ chiến là sự hợp tác giữa cảnh sát và các cựu phiến quân.
Phong trào đấu tranh đòi Tự do cho Aceh, gọi tắt là GAM, đã đấu tranh trong suốt 3 thập niên để dành độc lập từ tay Indonesia. Sau trận sóng thần năm 2004, làm thiệt mạng gần 170.000 người, Phong trào đấu tranh cho Tự Do của Aceh đã đạt được một thỏa thuận với Jakarta, để đổi lấy quyền lực chính trị ở địa phương.
Ông Irwandi Yusuf, Tỉnh trưởng Aceh và là một cựu phiến quân cho biết là một mạng lưới quy tụ các cựu chiến binh GAM, từ lâu đã theo dõi sát những hoạt động và đi lại của các phần tử cực đoan tại Aceh.
Ông Yusuf nói: “Họ đã lộ bộ mặt ra rõ ràng, thế nhưng chúng tôi đợi cho tới khi họ vi phạm pháp luật. Nếu bắt giữ họ quá sớm thì chúng tôi sẽ không bắt được những tay đầu sỏ.”
Ông Dhiahuddin, một cựu chỉ huy trưởng của GAM ở gần căn cứ này cho biết là người của ông chỉ hay biết về địa điểm này sau một cuộc bố ráp sơ khởi hôm 22 tháng 2.
Cuộc bố ráp được phát động sau khi cảnh sát được tin do một dân làng cung cấp khi đi thu hoạch cây mây trong rừng. Ông Dhiahuddin tiết lộ rằng chính các cựu chiến binh Gam dưới quyền ông đã cung cấp tin tình báo đưa đến 2 vụ bắt giữ hàng loạt.
Vừa cười mỉm, ông Dhiahuddin cho biết chính ông đã thuyết phục một phần tử chủ chiến Aceh về quy hàng, bằng cách dọa giết cả gia đình đương sự.
Ông Dhiahuddin nói người dân Aceh đã chán ngán chiến tranh và không dễ chấp nhận những phần tử ngoại nhập đến khu vực để gây thêm chiến tranh, dù là nhân danh Hồi Giáo.
Indonesia có đông tín đồ Hồi Giáo nhất thế giới nhưng cũng có nhiều sắc tộc theo các tôn giáo khác. Trong thập niên qua, Indonesia thỉnh thoảng cũng chứng kiến các cuộc bạo động do những phần tử cực đoan gây ra, kể cả vụ đánh bom tấn công các du khách tại Bali, các khách sạn của người nước ngoài và các đại sứ quán một số nước ở thủ đô Jakarta.
Chính phủ Indonesia đã hoạt động tích cực để bắt giữ và mang ra xét xử các phần tử chủ chiến. Hàng chục phần tử chủ chiến đã bị tống giam.
Indonesia cũng phát động một chương trình trong nhà tù và các khu vực khác nhằm chống lại các nỗ lực tuyển người của phe chủ chiến.
Giới phân tích chính trị nói rằng sự xuất hiện của một tổ khủng bố mới đây tại Aceh là một dấu hiệu đáng quan tâm cho thấy phe chủ chiến Hồi Giáo vẫn là một lực lượng có thực tại Indonesia.
Tuy nhiên tại Aceh và một số khu vực khác của Indonesia, các phần tử chủ chiến ít được sự ủng hộ của quần chúng.