TOKYO — Thủ tướng Nhật Bản, đứng bên cạnh Tổng thống Mỹ, hôm thứ Hai mượn một câu nói mà ông Donald Trump hay dùng khi nhắc tới Triều Tiên, nhất trí rằng "mọi lựa chọn đều được cân nhắc" để ứng phó với việc nước này phát triển vũ khí hạt nhân và phi đạn.
Ông Shinzo Abe, trong một cuộc họp báo với ông Trump tại Cung điện Akasaka ở Tokyo, nói rằng "đối thoại chỉ để cho có với Triều Tiên chẳng được gì cả" và đã đến lúc gây áp lực tối đa lên Bình Nhưỡng.
Ông Abe và ông Trump, sau những buổi hội kiến trong ngày thứ hai tổng thống Mỹ công du Nhật Bản, xác nhận Triều Tiên là chủ đề quan trọng bậc nhất trong các cuộc thảo luận của họ.
Tổng thống Mỹ gọi việc Bình Nhưỡng theo đuổi khả năng lắp đặt đầu đạn hạt nhân lên một phi đạn đạn đạo liên lục địa là "một mối đe dọa đối với thế giới văn minh và hòa bình và ổn định quốc tế."
Ông Trump nhắc lại rằng kỷ nguyên của sự kiên nhẫn chiến lược, trong nỗ lực đối phó với Bình Nhưỡng, đã kết thúc.
"Một số người nói rằng luận điệu của tôi mạnh quá, nhưng hãy nhìn chuyện gì đã xảy ra với luận điệu yếu ớt suốt 25 năm qua mà xem," tổng thống nói trong khi chỉ trích phương sách của những chính quyền Mỹ trước đây. Nhưng ông từ chối trả lời câu hỏi của một phóng viên Nhật Bản về việc liệu ông có chuẩn bị gây chiến với Triều Tiên hay không.
Ông Trump cũng nói rằng lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un, người mà ông gán biệt danh "Ông Hỏa tiễn," nên cho hồi hương những bất kỳ người Nhật còn lại nào bị các điệp viên Triều Tiên bắt cóc trong những thập niên qua.
"Nó sẽ là một tín hiệu hết sức to lớn," ông Trump nói. "Sự khởi đầu của một cái gì đó rất đặc biệt."
Ông Abe tiết lộ trong cuộc họp báo chung rằng vào ngày thứ Ba, ông sẽ tuyên bố phong tỏa tất cả tài sản của gần ba chục đoàn thể và cá nhân Triều Tiên.
Các biện pháp đơn phương theo sau các biện pháp chế tài tăng cường nhắm vào Triều Tiên được áp đặt bởi Bộ Tài chính Mỹ và Liên Hiệp Quốc.
Ông Trump, trong hai tuyên bố công khai tại Tokyo hôm thứ Hai, nói rằng ông hy vọng Nhật Bản sẽ mua "số lượng cực lớn" thiết bị quân sự của Mỹ và một số trong số đó sẽ cho phép Nhật Bản bắn hạ phi đạn của Triều Tiên.
Ông Trump sẽ đến Hàn Quốc vào ngày thứ Ba và sẽ phát biểu trước Quốc hội nước này, nơi ông dự kiến sẽ tái khẳng định lại cam kết của Mỹ phòng vệ đồng minh miền Nam chống lại Bình Nhưỡng.
Thẳng thừng về thương mại
Ông Trump hôm thứ Hai cũng đưa ra những lời chỉ trích thẳng thừng nhắm vào các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản, kêu gọi họ sản xuất thêm ở Mỹ và than phiền rằng "Nhật Bản đang thắng" Mỹ trong lĩnh vực thương mại suốt nhiều thập niên qua.
"Ngay bây giờ, thương mại của chúng tôi với Nhật Bản không công bằng hay cởi mở," tổng thống nói trong một bữa sáng với sự tham dự của các nhà lãnh đạo 18 tập đoàn lớn của Nhật Bản và 9 công ty Mỹ. "Nhưng tôi biết nó sẽ công bằng và cởi mở."
Ông Trump dự đoán rằng không có thỏa thuận Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) "chúng tôi sẽ có nhiều thương mại hơn bất cứ ai từng nghĩ."
Ông Trump, trong ngày làm việc trọn vẹn chính thức đầu tiên trên cương vị tổng thống, đã rút Mỹ ra khỏi TPP. Thỏa thuận này được đàm phán bởi chính quyền Obama với 11 nước khác và được coi là một thỏa thuận chiến lược then chốt gắn kết Mỹ với khu vực Đông Á chặt chẽ hơn trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Ông Trump hôm thứ Hai cũng kêu gọi các công ty sản xuất ô tô của Nhật Bản gia tăng sản xuất ở nước ngoài.
"Hãy thử lắp ráp xe của các bạn tại Mỹ thay vì vận chuyển chúng sang đây xem," ông nói.
Honda đã mở nhà máy sản xuất ô tô đầu tiên của họ trên đất Mỹ vào năm 1982 ở bang Ohio. Hai năm sau Toyota mở một nhà máy liên doanh với General Motors ở bang California mà hoạt động đến năm 2010.
Nhật Bản có sự hiện diện to lớn trong lĩnh vực sản xuất ô tô ở Bắc Mỹ. Sản lượng ô tô mà ba nhà sản xuất ô tô lớn nhất của Nhật Bản sản xuất tại Mỹ trong vài năm đã vượt qua sản lượng của ba nhà sản xuất ô tô lớn của Mỹ. Tổng cộng, các công ty Nhật Bản chế tạo khoảng 4 triệu chiếc xe mỗi năm ở Bắc Mỹ - khoảng 75 phần trăm số xe hơi Nhật Bản bán tại Mỹ.