Bốn trong số những nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới hôm thứ Ba đã quyết định giữ cố định sản lượng để tìm cách ngăn chặn sự sụt giảm 70% giá dầu vì thặng dư trên thị trường thế giới.
Thỏa thuận đạt được giữa các bộ trưởng dầu mỏ của Nga và ba thành viên của Tổ chức Các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ, Ả-rập Saudi, Venezuela và Qatar, trong một cuộc họp kín tại Doha, thủ đô Qatar. Bốn nước này nói rằng họ sẽ giữ sản lượng ở mức tháng 1, mức mà bộ trưởng dầu mỏ của Saudi Ali al-Naimi gọi là "vừa đủ."
Nhưng ông Naimi cho biết thỏa thuận dựa trên điều kiện là những nước sản xuất lớn khác cũng đồng ý giữ cố định sản lượng của mình.
Những cuộc đàm phán thêm nữa với sự tham gia của Iran và Iraq sẽ diễn ra ở Tehran vào ngày thứ Tư. Iran có thể sẽ không đồng ý hạn chế sản lượng trong khi nước này đang trông đợi xuất khẩu dầu mỏ, sau khi Liên Hiệp Quốc và phương Tây dỡ bỏ những chế tài về kinh tế nhằm hạn chế việc Iran phát triển các loại vũ khí hạt nhân của Tehran.
Thỏa thuận giữ cố định sản lượng đánh dấu một sự thay đổi trong chính sách dầu của Saudi. Suốt nhiều tháng, khi giá dầu lao dốc, Riyadh đã từ chối hạn chế sản lượng của mình trong một nỗ lực nhằm buộc những nhà sản xuất dầu khác, đặc biệt là những nhà sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ, rời khỏi thị trường.
Giá dầu thô tiêu chuẩn ở Mỹ giảm đi 51 xu một thùng hôm thứ Ba xuống còn 28,93 đôla, trong khi giá dầu thô Brent khoan ở Biển Bắc giảm xuống còn 32,61 đôla một thùng.
Các nhà phân tích cho biết dầu giảm hôm thứ Ba là bởi vì các nhà đầu tư đã hy vọng rằng cuộc họp giữa các nước ở Doha sẽ cắt giảm sản lượng, chứ không chỉ giữ cố định.
Một số nhà phân tích dự đoán rằng giá dầu cuối cùng sẽ giảm xuống ít nhất là 20 đôla một thùng trước khi bắt đầu phục hồi.