Phỏng vấn Ðặng Hiền về Hợp Lưu

Ðặng Hiền, Chủ biên Tạp chí Hợp Lưu

<!-- IMAGE -->

Trong khi tất cả các tạp chí văn học nổi tiếng ở hải ngoại đều lần lượt bị đình bản, riêng Hợp Lưu vẫn còn hoạt động. Chắc chắn đó là một điểm son rất đáng biểu dương và một nỗ lực rất đáng khen ngợi và khuyến khích của Ban chủ biên. Đó cũng là lý do dẫn đến bài nói chuyện ngắn này với nhà thơ Đặng Hiền, người hiện đang điều hành tờ tạp-chí-duy-nhất-còn-sống-sót ở hải ngoại hiện nay.

Nguyễn Hưng Quốc (NHQ): Tôi biết tạp chí Hợp Lưu rất nổi tiếng và được rất nhiều người biết. Tuy nhiên vì độc giả của blog này rất đa dạng, nhiều người sống trong nước hoặc ở những quốc gia rất xa xôi, chưa chắc đã có điều kiện để đọc hoặc nghe nói đến Hợp Lưu. Bởi vậy, câu đầu tiên tôi muốn hỏi anh là nhờ anh tóm tắt một ít nét về quá trình hình thành và hoạt động của Hợp Lưu.

Đặng Hiền (ĐH): Hợp Lưu là một tạp chí văn học nghệ thuật biên khảo, được sáng lập bởi một nhóm văn nghệ sĩ vào năm 1990, phát hành hai tháng một lần. Người chủ nhiệm sáng lập là nhà văn Nhật Tiến, chủ biên sáng lập là hoạ sĩ Khánh Trường. Vào tháng Tám 2002, tôi được họa sĩ Khánh Trường mời vào Hợp Lưu với tư cách Tổng Thư Ký, và sau đó đến đầu năm 2005 trở thành Chủ Biên. Tôi vẫn giữ công việc nầy cho đến hôm nay. Những văn thi hữu chủ lực của Hợp Lưu là Sử gia Tiến sĩ Vũ Ngự Chiêu, Nhà phê bình văn học Thụy Khuê, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Phạm Hùng, các nhà văn Phan Nhật Nam, Trần Vũ, Trần Thiện Ðạo, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Xuân Tường Vy, Lữ Thị Mai... cùng một số các thi văn hữu trong và ngoài nước. Tạp chí Hợp Lưu là một diễn đàn văn chương, cho tất cả mọi người, mọi lứa tuổi, giới tính, không kỳ thị Bắc Nam, Trong Ngoài, ý thức hệ hay quan điểm chính trị. Nó sẽ tiếp tục đường đi đã vạch sẵn bấy lâu: đó là thủ diễn vị thế một diễn đàn phục vụ nghệ thuật, văn chương. Tạp chí Hợp Lưu không có tham vọng chính trị, không tự khoác những nhiệm vụ to lớn và hoang tưởng. Tham vọng duy nhất của chúng tôi là duy trì TCHL như một diễn đàn hoàn toàn độc lập, vượt ngoài sự chi phối hay khuynh đảo của bất cứ thế lực nào.

NHQ: Hợp Lưu, kể từ lúc anh làm chủ biên đến nay, có gì khác trước, ví dụ, dưới thời Khánh Trường?

ĐH: Về chủ trương thì hầu như không thay đổi, nhưng phương cách điều hành, kỹ thuật và bài vở thì dĩ nhiên phải cập nhật hơn theo sự thay đổi chung của xã hội con người. Hơn nữa, mỗi chủ biên đều có cá tính riêng biệt, nên tờ báo sẽ mang dấu ấn của mỗi chủ biên trong thời gian họ điều hành. Trước kia sự phổ biến của internet không được như hiện nay nên sự quảng bá của tờ báo chỉ tuỳ thuộc vào số báo in từng kỳ. Hiện nay, song song với báo in phát hành mỗi hai tháng, Hợp Lưu đang cải thiện trang Hợp Lưu điện tử nhằm phổ cập bài vở tiếp cận với yếu tố thời điểm và với vòng tay mở rộng hơn.Tuy nhiên, Hợp Lưu báo in vẫn là tài liệu được lưu trữ tại thư viện Quốc Hội, trường đại học và một số thành phố lớn tại Hoa Kỳ, Canada, Úc...

NHQ: Anh có thể giải thích tại sao Hợp Lưu vẫn còn tiếp tục hoạt động trong khi tất cả các tạp chí văn học khác đều lần lượt bị đình bản?

ĐH: Theo tốc độ của truyền hình và internet, thói quen của con người cũng dần dần thay đổi. Với mức độ tự do gần như tuyệt đối, internet chuyển tải mau chóng những thông tin, phục vụ con người hữu hiệu hơn, đại chúng hơn. Nhưng, internet cũng đang đưa đến sự phá sản của một số nhật báo, tạp chí và nhà xuất bản trên thế giới. Những tạp chí chuyên về nghệ thuật văn chương Việt Nam ở hải ngoại cũng không ngoại lệ, lần lượt đình bản. Tạp chí Hợp Lưu trong thời gian qua tồn tại được không do một tình cờ may mắn, mà là kết quả của bao hy sinh, đóng góp tích cực của văn thi hữu trong và ngoài nước, cùng sự hỗ trợ không ngừng của quí độc giả tiếp hơi cho Hợp Lưu sống còn để tiếp tục công việc truyền thông mà chỉ những người ở hải ngoại mới có cơ hội thực hiện.

NHQ: Còn hoạt động, nhưng tôi đoán Hợp Lưu gặp khó khăn không ít. Anh có thể cho biết đó là những khó khăn gì?

ĐH: Như anh biết, những người Việt ở hải ngoại làm báo văn chương, vẽ tranh, hay làm thơ viết văn, thì hầu như người nào cũng có một công việc chính để nuôi gia đình và bản thân. Rất hiếm người sống bằng “văn học nghệ thuật”. Nhưng không phải vì thế mà giảm đi tính chuyên nghiệp. Bởi công việc “ngoài giờ” đó, chúng tôi luôn cần thêm người cộng tác cùng với những tác phẩm hay và giá trị.Vì khi tờ báo hay và giá trị thì số người đọc sẽ tăng theo tỉ lệ thuận. Với báo in, điều khó khăn và quyết định vẫn là độc giả, nếu làm báo mà không người mua đọc thì lấy đâu ra tiền để trang trải cho in ấn và cước phí?! Đó chính là sự khó khăn.

NHQ: Trong mấy năm làm chủ biên Hợp Lưu vừa qua, anh nhận thấy có gì thay đổi trong lực lượng cộng tác viên cũng như độc giả của tờ báo?

ĐH: Tre già măng mọc, sóng sau dồn sóng trước. Tuy nhiên, số cộng tác viên của tạp chí mở rộng hơn, từ các học giả đến những người sáng tác trẻ. Độc giả báo in giảm đi một ít, nhưng chúng tôi lại có một lượng độc giả khá lớn trên trang Hợp Lưu điện tử.

NHQ: Theo anh thì Hợp Lưu có thể...sống được bao lâu nữa?

ĐH: Đời người có giới hạn 100 năm, tờ báo cũng có thời gian của nó. Thật ra tờ Hợp Lưu mặc dầu không nuôi được ai, nhưng nó tự nuôi nó về mặt tài chánh, và mọi người làm việc cho Hợp Lưu hầu như là tự nguyện từ khi thành lập cho đến nay đã hai mươi năm. Theo sự mong mỏi của tôi: tờ Hợp Lưu sẽ sống lâu... vì Hợp Lưu không cần một ngân khoản lớn cho việc điều hành và in ấn. Tuy nhiên, như trước đây có dịp tôi đã tâm sự cùng anh: Tôi muốn duy trì tờ báo IN của Hợp Lưu song song với tờ báo WEB của Hợp Lưu, dạng báo in và web sẽ bổ sung và hỗ trợ cho nhau, và nếu tờ báo WEB có một lượng độc giả nhiều đến một mức nào đó thì Hợp Lưu sẽ có được những bảo trợ đủ để nuôi tờ báo và trả nổi tiền tác quyền cho người viết. Nói thì dễ, gồng mình lên... nói càng dễ hơn, nhưng làm thì thậm khó anh ạ.

NHQ: Anh có muốn nói gì thêm với độc giả của blog này không?

ĐH: Xin cảm ơn quí độc giả của blog đã theo dõi buổi nói chuyện này, nếu được xin quí vị ghé thăm trang nhà của Hợp Lưu: http://www.hopluu.net và hy vọng được phục vụ quí vị bằng Hợp Lưu in trên giấy trong một tương lai gần .

NHQ: Xin cám ơn nhà thơ Đặng Hiền thật nhiều và chúc Hợp Lưu được... sống lâu.

Để mua tạp chí Hợp Lưu, quý độc giả có thể liên lạc với toà soạn theo địa chỉ:
P.O.Box 9809,
Fountain Valley, CA 92728-9809, USA.
Điện thoại: (714) 965 4651.
Email: tapchihopluu@aol.com