Nhà văn Dương Thu Hương vẫn giữ vững lập trường tranh đấu cho dân chủ

Nhà văn nữ Việt Nam được nhiều người ái mộ và cũng gây rất nhiều tranh cãi, bà Dương Thu Hương, đã thực hiện cuộc hành trình đầu tiên đến Hoa Kỳ. Vừa qua, tại thành phố New York, nhà văn Dương Thu Hương đã được giới thiệu cùng với một số tác giả nổi tiếng thế giới tham dự Liên Hoan Văn Học do Hội Văn Bút Quốc Tế tổ chức. Ngoài việc trích dẫn một số câu thơ trong Truyện Kiều, phần lớn nhà văn Dương Thu Hương đã giữ im lặng, và lắng nghe những phát biểu của nhà văn Toni Morrisson, khôi nguyên Giải Nobel, và nhà văn Salman Rushdie.

Nhưng hôm Chủ Nhật, nhà văn bất đồng chính kiến nổi tiếng về những lời đả kích sắc bén của bà đối với chế độ Cộng sản Việt Nam trong các tác phẩm Thiên Đường Mù và Bên Kia Bờ Ảo Vọng, những tác phẩm đã bị cấm lưu hành tại Việt Nam, đã gây sôi động tại hội trường Thư Viện thành phố New York với những phát biểu nẩy lửa của bà về lý do vì sao bà vẫn là một cái gai trước mắt nhà cầm quyền Việt Nam.

Theo tường trình của trưởng ban Việt Ngữ Đài VOA Michael Mathes, có mặt tại New York hôm Chủ Nhật vừa rồi, thì mặc dù nhà văn Dương Thu Hương có hơi choáng vì sự chú ý của cử tọa, bà vẫn duy trì thái độ cương quyết và không hề nao núng trong việc theo đuổi những thay đổi mà bà muốn thấy tại Việt Nam.

Nhà văn Dương Thu Hương tỏ ra thoải mái, tuy có hơi ngập ngừng khi bà cùng với nhà văn Robert Stone, một nhà văn Mỹ cũng được nhiều người ái mộ, bước lên sân khấu để tham gia một cuộc thảo luận trước một cử tọa trên dưới 200 người.

Nhưng nét mặt của nhân vật tự coi mình là một chiến sĩ đấu tranh cho dân chủ đã trở nên nghiêm nghị một cách nhanh chóng khi bà được hỏi về những điều kiện phải đối phó trong tư cách là một nhân vật bất đồng chính kiến ở quê nhà. Bà Dương Thu Hương nói:

“Tôi chấp nhận cuộc sống như là một người tội phạm, luôn luôn bị săn đuổi và sẵn sàng chết bất cứ lúc nào, chỉ có điều là tôi không phải là một tội phạm chính thức theo cái nghĩa thông thường mà là tôi là kẻ làm giặc, và vì thế tôi phải chấp nhận một cái thân phận như vậy, và khi chấp nhận như vậy thì sự sợ hãi không còn tồn tại nữa. và người ta sống với khoảnh khắc hôm nay và ở đây, còn ngày mai thì mặc kệ, và vì lý do đó tôi tìm thấy sự tự do trong cuộc sống của tôi và tôi cảm thấy tự do ngay cả trong nhà tù.”

Năm nay 59 tuổi, nhà văn Dương Thu Hương đã từng bị tống giam vì những điều bà đã viết. Bà đã bị khai trừ ra khỏi Đảng Cộng Sản. Những tác phẩm của bà, từng bán rất chạy tại Việt Nam, nay đã bị cấm lưu hành. Mặc dù vậy, bà vẫn tiếp tục sáng tác, và đã cho xuất bản 3 quyển sách mới nhất ở nước ngoài.

Như nhiều nhà văn cùng thế hệ, bà Dương Thu Hương trưởng thành trong chiến Tranh Việt Nam. Bà tham gia chiến tranh vì ý thức trách nhiệm và lòng yêu nước, nhưng bà đã nhanh chóng bị vỡ mộng. Bà nói:

“Nhưng đến năm 69 khi tôi gặp những toán tù binh đầu tiên hoàn toàn là người Việt Nam thì tôi hiểu là tôi bị lừa. Tôi hình dung là tất cả kẻ thù phải là mắt xanh mũi lõ và da trắng. Nhưng mà năm 69 khi tôi gặp ở những binh trạm ở Quảng Bình người ta chuyển ra những tù bình thì hoàn toàn là những người mũi tẹt da vàng và tóc đen.”

Theo lời bà, thì bên cạnh cảm giác tan vỡ ảo tưởng, còn có nỗi lo sợ rằng chiến tranh là một trò hề lịch sử ác độc, và trong cuộc chiến ấy, các lực lượng dã man hơn đã thắng thế. Bà cho biết:

“Tôi nghĩ đấy nó gieo vào tôi một cái trạng thái vô cùng hoang mang và cay đắng và cũng lần đầu tiên tôi hiểu là không phải lúc nào cái đẹp cũng chiến thắng, mà nhiều khi cái đẹp phải tan nát, và nền văn minh phải qui hàng.”

Những năm chiến đấu đã để lại một vết thương nơi nhà văn mà thời còn là một người trẻ tuổi đầy lý tưởng đã tham gia chiến dịch “Tiếng Hát Át Tiếng Bom” của Cộng Sản Việt Nam để giúp vui cho bộ đội và dân làng. Bà Dương Thu Hương là một trong số 3 người còn sống sót trong đoàn công tác 40 người này. Giọng nói của bà trở nên xúc động khi hồi tưởng lại những ngày gian khổ ấy.

“Thật sự là thời gian đấy là người ta sống như súc vật. Tôi nhớ là có một sự tuyên truyền của những người ở phương nam là 3 thằng cộng sản đu không gãy một cộng đu đủ thì nó cũng gần đúng như vậy, bởi vì là hoàn toàn là tất cả cái chế độ dinh dưỡng của một người bình thường ngay cả những người Châu Phi thì cũng không thể so sánh được với những người dân Việt Nam trong chiến tranh. Khi bom Mỹ dập xuống thì tất cả những bát đĩa của chúng tôi là vỡ hết cho nên là người ta ăn bằng những cái lon và những cái gáo dừa và đương nhiên là thực phẩm thì. ... Chúng tôi ăn những thứ mà những người bình thường không tưởng tượng được ví dụ như là ruột cây đu đủ nạo ra.”

Nhà văn người Pháp Antoine Audouard nói rằng những tác phẩm của bà Dương Thu Hương đã mở ra một cánh cửa để độc giả am hiểu Việt Nam một cách sâu sắc hơn, về lịch sử và những truyền thống của Việt Nam, về nội tâm và nỗi đau thương của Việt Nam, nhưng tiếng nói của bà không chỉ là một tiếng nói có âm hưởng toàn cầu:

“Một tiếng nói có thể nói với mỗi người trong chúng ta. Tôi biết rằng Dương Thu Hương đã trải nghiệm rất nhiều, bởi vì những quyển sách của bà, vì lòng can đảm của bà, và bởi vì lập trường của bà cho người dân Việt Nam. Nhà văn này đã từng bị tù đầy, các tác phẩm của bà bị cấm đoán, hộ chiếu của bà bị tịch thu. Nhà văn Dương Thu Hương đã phải trả một cái giá cho bản chất trung thực của bà.”

Hiếm có người ở tại Việt Nam dám công khai đả kích chế độ cai trị của Cộng Sản như bà Dương Thu Hương đã từng làm. Bà than phiền về khả năng của Đảng Cộng Sản Việt Nam gây sợ hãi nơi người dân, bên cạnh nỗi tự hào vô tận của họ về việc đã đánh bại người Mỹ. Bà nhận xét:

“Người Việt Nam đầy đủ can đảm để chết, nhưng mà chưa bao giờ đủ khôn để mà sống, đủ khát vọng để mà sống một cách tử tế. Và đấy là lý do để mà tôi phải làm giặc, lý do duy nhất mà tôi làm giặc có nghĩa là tôi muốn bảo với dân tộc của tôi là phải biết mở mắt ra để nhìn vào cuộc sống.”

Trong khi bà Dương Thu Hương nhấn mạnh phải hướng nhìn về phía trước, và phải thử thách những giới hạn của sự chấp nhận tại Việt Nam để vạch ra một cuộc sống mới, đáng sống hơn cho đồng bào Việt Nam của bà, nhà văn sẵn sàng chấp nhận rằng cũng như rất nhiều người cùng thế hệ, bà đang bị vây hãm bởi quá khứ và các truyền thống Việt Nam.

Nhà văn Dương Thu Hương là một người sống sót từ một quá khứ xa xưa, như nhà văn Pháp Audouard ghi nhận, một người sống sót chơn chất một mực bám víu lấy đất nước như một ngọn cỏ đã trải qua tất cả các bão tố và những bi kịch. Bà Dương Thu Hương đồng ý với đánh giá này:

“Điều đó là chính xác bởi vì ...nếu mà trong tôi không có một người đàn bà răng đen mắt toét thì tôi không thể nào tồn tại được.”