Phỏng vấn hai chuyên viên trong ngành sản xuất mặt hàng làm bằng gỗ của Hoa Kỳ về đồ gỗ của Việt Nam. - 2004-10-04

Tại một cuộc hội thảo vừa qua ở thành phố Hồ Chí Minh, 2 chuyên viên trong ngành sản xuất các mặt hàng làm bằng gỗ của Hoa Kỳ nói rằng đồ gỗ của Việt Nam có rất nhiều hứa hẹn tại Hoa Kỳ; tuy nhiên nếu muốn “đánh thắng”, các nhà sản xuất Việt Nam cần nắm vững một số quy luật.

Ông Jeffrey Dilley, diễn giả chính của cuộc hội thảo nói rằng, trước đây, các nhà nhập khẩu đồ gỗ của Mỹ chỉ mua của các nước Ấn Độ, Trung Quốc hoặc Thái Lan; nhưng trong vài năm trở lại đây, họ đến tìm mua của Việt Nam. Điều đó chứng tỏ đồ gỗ Việt Nam có nhiều tiềm năng “thắng lớn” tại Hoa Kỳ, và rồi đây tốc độ phát triển xuất khẩu của đồ gỗ Việt Nam sẽ không kém tốc độ phát triển xuất khẩu hàng dệt may.

Ông Dilley cho biết các công ty lớn của Mỹ thường có người đi khắp thế giới để săn lùng nhưng mặt hàng độc đáo, đa dạng. Nếu các công ty Việt Nam đáp ứng được nhu cầu này thì có nhiều phần chắc là sẽ thành công. Ông cho biết cách đây 2 năm, một công ty đến Việt Nam tìm sản phẩm đa dạng nhưng không thoả mãn. Bây giờ Việt Nam đã nổi lên nhiều sản phẩm đồ gỗ mới cho nên công ty đó đã quay lại.

Khi nói đến sự đa dạng, ông Dilley nói rằng Việt Nam cần phải thoát khỏi cái thành kiến: khi nói đến đồ gỗ là chỉ nghĩ đến bàn ghế hoặc giường tủ làm cho phòng ngủ.

Ông Dilley nói rằng loại đồ gỗ dùng cho phòng ngủ không còn nhiều lợi nhuận như trước. Các công ty Mỹ trước đây đi tìm mua đồ gỗ dùng cho phòng ngủ, bây giờ đi tìm những món có nhiều gía trị hơn, ví dụ như hàng mỹ nghệ, hàng thủ công nghệ, hoặc đồ gốm sứ đắt tiền. Nếu đồ gốm sứ Việt Nam có giá trị thì các công ty Mỹ sẵng sàng bỏ hàng gốm sứ Trung Quốc để chạy theo hàng gốm sứ Việt Nam.

Các nhà nhập khẩu đồ gỗ của Mỹ không gặp nhiều thủ tục phức tạp giống như nhập khẩu hàng thực phẩm. Một khi các nhà nhập khẩu đồ gỗ của Mỹ chịu mua hàng của các nhà sản xuất đồ gỗ của Việt Nam thì họ sẽ lo chuyện thủ tục.

Cần hiểu sự đa dạng và quy mô của thị trường Mỹ với 50 tiểu bang. Tiểu bang này có thể khác với tiểu bang nọ. Ví dụ luật của California buộc đồ gỗ phải bảo đảm an toàn khi sử dụng , một cái ghế mà người tiêu dùng mới mua về chưa bao lâu mà đã gãy, người ngồi ghế bị té ngã, thì người bán sẽ bị kiện ra toà.

Một ví dụ khác nữa là một số tiểu bang buộc một số loại đồ gỗ phải được làm bằng loại gỗ bắt cháy chậm, hoặc cho phủ thêm loại hóa chất giúp, cho đồ gỗ khó bốc cháy khi gặp mồi lửa. Những chuyện như vầy thì các nhà sản xuất đồ gỗ Việt Nam cần quan tâm và bàn bạc với người nhập hàng bên Mỹ.

Ông Dilley khuyên các nhà xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam Nên có trang Web bằng tiếng Anh để người Mỹ tìm hiểu và đặt hàng nhanh chóng, và cho tới giờ này thì không có bao nhiêu nhà sản xuất đồ gỗ Việt Nam đã có trang web.

Các nhà xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam đừng e ngại công ty mình nhỏ, bởi vì nếu nhỏ mà có sản phẩm độc đáo mà các công ty khác không cạnh tranh được thì vẫn có chỗ đứng trên thị trường.

Sau phần trình bày của ông Jeffrey Dilley, các nhà sản xuất đồ gỗ đã đặt ra một số câu hỏi.

Bà Suzan Andrews, diễn giả thứ nhì trong cuộc hội thảo đã trả lời:

Bà nói rằng hàng mây, tre, lá có tiềm năng rất tốt, tuy còn rất nhỏ nhưng nó rất quan trọng. Đây là những sản phẩm có dáng vẻ tự nhiên, được làm từ những chất liệu bình thường, và mặt hàng này đang phát triển .

Kết thúc cuộc hội thảo, hai diễn giả trong ngành đồ gỗ của Hoa Kỳ khuyên các nhà sản xuất Việt Nam phải tận dụng thời cơ ngay và phải làm thật nhanh chóng. Họ cho biết với việc ký kết Hiệp định thương mại song phương Việt Mỹ, những món hàng trước đây phải chịu thuế 40%, nay sẽ được giảm thuế rất nhiều, nhiều loại hàng coi như không có phần trăm thuế nào. Các nhà sản xuất đồ gỗ Việt Nam cần cố gắng tìm hiểu và theo dõi chặt chẽ thị trường Mỹ. Luôn nắm vững thị trường đồ gỗ của Mỹ và định ra chiến lược kinh doanh cho chính mình.

Huy Phương tường trình từ thành phố Hồ Chí Minh.