Giáo hội Tin Lành hoạt động tại gia ở Việt Nam xin được tự do sinh hoạt tôn giáo. - 2004-10-01

Tin của hãng thông tấn Reuters đánh đi từ Hà nội hôm thứ sáu cho biết các nhà lãnh đạo của những giáo hội Tin Lành hoạt động tại gia ở Việt Nam đã mở một cuộc thảo luận chưa từng có từ trước đến nay để kêu gọi giới hữu trách chấm dứt tình trạng phân biệt đối xử và để cho họ được tự do sinh hoạt tôn giáo.

Theo ghi nhận của phái viên Reuters, 6 vị mục sư Tin Lành đã đưa ra lời kêu gọi vừa kể trong một thỉnh nguyện thư giao cho các giới chức thuộc Bộ Công an, Văn phòng chính phủ và Mặt trận Tổ quốc tại các cuộc thảo luận diễn ra hồi đầu tuần này ở Hà nội.

Các vị mục sư cũng đang vận động để chống lại một pháp lệnh về tôn giáo mà họ e là sẽ được dùng để đàn áp họ. Theo các vị lãnh đạo tôn giáo này thì pháp lệnh dự trù bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15 tháng 11 có những qui định đi ngược với nguyên tắc tôn trọng tự do tín ngưỡng ghi trong hiến pháp.

Trong thỉnh nguyện thư có mang chữ ký của 50 người cầm đầu các giáo hội tại gia, các vị mục sư yêu cầu chính phủ để cho những giáo hội này được tiến hành những sinh hoạt thờ phượng ở những địa điểm và thời giờ thuận tiện cho họ và chấm dứt tình trạng phân biệt đối xử đối với các giáo hội tại gia.

Mục sư Phạm Đình Nhân, Chủ tịch Hiệp hội Thông công Tin Lành Việt Nam, cho phái viên Reuters biết rằng từ nay trở đi các giáo hội Tin Lành tại gia ở Việt Nam sẽ có một tiếng nói thống nhất.

Theo ước tính, có khoảng 1 triệu người tham gia sinh hoạt của các giáo hội Tin Lành tại gia và những người này nói rằng họ thường xuyên bị công an cảnh sát sách nhiễu, phạt vạ, đánh đập, và giam cầm.

Tưởng cũng nên nhắc lại là chính quyền Cộng sản Việt Nam chỉ để cho 6 giáo hội có đăng ký, kể cả giáo hội Công Giáo và Tin Lành, được phép hoạt động, nhưng mọi hoạt động liên quan đến việc bổ nhiệm các chức sắc, công tác đào tạo tu sĩ và in ấn kinh sách của các tổ chức tôn giáo đều phải có sự chấp thuận của nhà cầm quyền.

Chính phủ ở Hà nội chưa bình luận gì về thỉnh nguyện thư của các vị Mục sư Tin lành.