Việt Nam công bố một pháp lệnh về hoạt động của các tôn giáo. - 2004-07-13

Việt Nam vừa công bố một pháp lệnh về các hoạt động của các tôn giáo được nhà nước bảo trợ, lập lại chủ trương lâu nay là cấm chỉ các tổ chức không được nhà nước thừa nhận.

Theo pháp lệnh mà hãng tin AP có được một văn bản vào ngày thứ ba, công dân không được lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước, kích động bạo lực hoặc gây chia rẽ các dân tộc. Pháp lệnh cũng nói rằng các hoạt động tôn giáo đe dọa đến an ninh quốc gia, trật tự công cộng hay đoàn kết nhân dân sẽ bị cấm chỉ.

Việt Nam hiện chỉ thừa nhận 6 tôn giáo được nhà nước bảo trợ. Tuy nhiên, nhiều giáo hội bị cấm vẫn tiếp tục hoạt động mà không có sự chấp thuận của chính phủ tại Hà Nội.

Các tổ chức nhân quyền, Liên Hiệp Âu châu và Hoa Kỳ đã gay gắt chỉ trích Việt Nam về việc bỏ tù nhiều Phật tử hay tín đồ công giáo thuộc các giáo hội không được nhà nước thừa nhận.

Nhiều người bất đồng bị bỏ tù hay bị quản thúc tại gia vẫn lên tiếng chống đối các thành tích nhân quyền của chính phủ, nhất là về tự do tôn giáo. Chính phủ Việt Nam thì nhất mực cho rằng không có người nào bị bỏ tù vì lý do tôn giáo.

Pháp lệnh gồm 6 chương và 41 điều quy định đã được ký chủ tịch quốc hội ký thành luật hôm 18 tháng 6 và được văn phòng chủ tịch nước công bố hôm thứ hai. Pháp lệnh sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15 tháng 11 năm nay.

Pháp lệnh cũng đòi hỏi các chức sắc tôn giáo thuộc các giáo hội được nhà nước thừa nhận phải xin phép chính quyền địa phương trước khi tổ chức các buổi lễ hay thuyết pháp bên ngoài chùa hay nhà thờ không thuộc địa phận giáo hội. Tất cả các hoạt động tôn giáo đều phải đăng ký với các giới chức xã và bất cứ chương trình phụ trội nào đều phải được phép của nhà nước.

Nhiều điều quy định chỉ lập lại các chính sách hiện hữu, chẳng hạn như cần phải xin phép nhà nước để thành lập, phân chia hay sát nhập các tổ chức tôn giáo. Việc bổ nhiệm các chức sắc từ một quyền lực nước ngoài, kể cả giáo hoàng cũng phải được phép trước của nhà nước Việt Nam.