Trung Quốc - 15 Năm sau Biến Cố Thiên An Môn. - 2004-06-03

Lời Dẫn: Thưa quý thính giả, gần 15 năm đã trôi qua, kể từ khi thế giới chứng kiến những chiếc xe tăng của Quân Đội Nhân Dân Trung Quốc tiến vào quảng trường Thiên An Môn ở thủ đô Bắc Kinh, để đập tan các cuộc biểu tình đòi dân chủ của giới sinh viên Trung Quốc. Cảnh một thanh niên đơn độc, hiên ngang cản đường tiến của một chiếc xe tăng đang lăn bánh về phía anh, là một hình ảnh lịch sử khó quên về biến cố này. Trong tiết mục Nhìn Về Á Châu tuần này, mời quý thính giả nhìn lại biến cố Thiên An Môn, qua cái nhìn của giới truyền thông quốc tế.

Hàng năm, cứ vào đầu tháng Sáu là giới truyền thông quốc tế lại hướng nhìn về Trung Quốc để theo dõi những diễn biến tại nước này, xem Bắc Kinh đề ra những biện pháp nghiêm ngặt nào, để ngăn chận người dân tưởng niệm cuộc thảm sát đã diễn ra tại quảng trường Thiên An Môn cách đây 15 năm về trước, một biến cố đã góp một trang sử đẫm máu trong lịch sử cận đại Trung Quốc.

Năm nay, giới truyền thông đặc biệt chú ý đến lời kêu gọi của một bác sĩ đã từng chữa trị cho những người bị thương trong cuộc đàn áp đẫm máu ở Thiên An Môn, yêu cầu Đảng Cộng Sản Trung Quốc hãy thú nhận lỗi lầm trong đường lối giải quyết các cuộc biểu tình đòi dân chủ năm 1989.

Trong một bức thư ngỏ gửi đến Quốc Hội Trung Quốc, bác sĩ Jiang Yan-yong nói rằng lỗi lầm mà Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã phạm, phải do đảng tự giải quyết. Cách đây 15 năm, ông Jiang là một bác sĩ giải phẫu tại bệnh viện 301 ở Bắc Kinh. Trong bức thư, bác sĩ Jiang tả lại những cảnh tượng đầy thương tâm của các bệnh nhân, người đầy những vết đạn, được đưa đến bệnh viện trong tình trạng cực kỳ nguy kịch, và ông cùng các đồng nghiệp đã chạy đua với thời gian như thế nào để cố cứu sống được ngươì nào, hay người ấy.

Hành động của Bác sĩ Jiang được coi là can đảm, bởi vì biến cố Thiên An Môn vẫn còn là một đề tài hết sức tế nhị và nguy hiểm tại Trung Quốc. Người ta tin rằng sự kiện lịch sử này cũng là nguyên nhân đưa đến những bất đồng nghiêm trọng trong nội bộ Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Nhưng giới phân tích tin rằng, Bắc Kinh sẽ lại làm ngơ trước lời kêu gọi của bác sĩ Jiang.

Nhưng dù vậy, bức thư, được phổ biến trên nhiều cơ quan truyền thông, cũng khiến Đảng Cộng Sản Trung Quốc phải bối rối, đặc biệt vào lúc này, khi Quốc Hội Trung Quốc đang triệu tập tại Bắc Kinh để tham dự đại hội thường niên.

Trong bức thư của bác sĩ Jiang có đoạn viết:

“Giới lãnh đạo mới của Đảng và nhà nước nên xét lại biến cố ngày 4 tháng Sáu. Đảng Cộng Sản phải tự mình giải quyết lấy những lỗi lầm mà đảng đã phạm. Và nên làm càng sớm và càng triệt để chừng nào, tốt chừng ấy.”

Bác sĩ Jiang cũng trích lời của cựu Chủ Tịch Yang Shangkun với ông, nói rằng “ biến cố ngày 4 tháng Sáu là lỗi lầm nghiêm trọng nhất mà Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã phạm phải trong lịch sử đất nước.”

Hồi năm ngoái, tên tuổi của Bác sĩ Jiang đã được cả nước biết đến, sau khi ông lên tiếng phản bác những số liệu do chính phủ Trung Quốc đưa ra về tình trạng lây lan bệnh Sars trong nước, và cáo buộc nhà nước đã cố tình che giấu mức độ nghiêm trọng của cơn bộc phát bệnh Sars.

Một nhân vật khác mà tên tuổi và số phận gắn liền với biến cố Thiên An Môn là ông Triệu Tử Dương, từng nắm chức Thủ Tướng và Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Ông Triệu Tử Dương được xem là một nhà lãnh đạo ủng hộ cải cách đã từng thực hiện một số thí nghiệm dân chủ và cởi trói kinh tế, đồng thời cổ vũ cho một đường lối chủ nghĩa xã hội ít giáo điều hơn. Trong những giờ phút gây cấn nhất dẫn đến biến cố Thiên An Môn, ông Triệu Tử Dương đã đích thân kêu gọi giới sinh viên tham gia biểu tình hãy giải tán, trước khi mọi sự trở nên quá muộn màng. Hình ảnh ông Triệu Tử Dương ứa nước mắt khi đưa ra lời kêu gọi đó vào ngày 19 tháng 5 năm 1989, lần cuối cùng ông xuất hiện trước công chúng, đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp về ông. Sự kiện ông Triệu Tử Dương bị tước hết mọi chức vụ trong Đảng Cộng Sản và chính phủ Trung Quốc, và bị quản thúc tại gia từ sau biến cố Thiên An Môn, lại càng củng cố chỗ đứng hết sức đặc biệt của ông trong lòng người dân, như một biểu tượng của nguyên tắc dân chủ và pháp trị ở Trung Quốc, một điều khiến cho giới lãnh đạo ở Bắc Kinh lo lắng.

Năm nay 84 tuổi, ông Triệu Tử Dương vẫn bị giam, tình trạng sức khỏe ngày càng suy yếu, nhà nước Trung Quốc e ngại rằng cái chết của ông có thể khơi dậy những cuộc biểu tình của những thành phần không hài lòng với về cái hố cách biệt giàu nghèo ngày càng sâu rộng hơn trong xã hội Trung Quốc ngày nay.

Hãng thông tấn Reuters nói rằng mãi tới hồi gần đây, những chi tiết quanh vụ ông Triệu Tử Dương bị thanh trừng mới được tiết lộ. Tin nói rằng sau khi bị lật đổ, ông Triệu Tử Dương bị cáo buộc đã nhận tiền của CIA, qua trung gian nhà tài phiệt Mỹ gốc Hungary, George Soros. Các nhân viên điều tra không phát hiện được bất cứ bằng cớ nào và vì vậy nhiều người cho rằng cáo buộc này chỉ nhằm mục đích vu khống ông Triệu mà thôi. Mặc dù vậy, ông Triệu Tử Dương vẫn bị cáo buộc đã hậu thuẫn tình trạng hỗn loạn, và gây chia rẽ trong Đảng. Chức Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc sau đó lọt vào tay ông Giang Trạch Dân, mãi đến khi ông từ chức vào năm 1997, để nhường chỗ cho ông Hồ Cẩm Đào, đương kim Tổng Bí Thư và Chủ Tịch Nước.

Mặc dù ông Triệu Tử Dương đã nhiều lần viết thư phản đối chuyện ông bị quản thúc tại gia, và kêu gọi giới lãnh đạo không nên xem ông là một yếu tố gây bất ổn, nhưng giới lãnh đạo ở Bắc Kinh vẫn tuyệt đối giữ im lặng, như thể ông không hề hiện hữu. Bắc Kinh còn tìm cách xóa sạch những thành tích đáng nể mà ông đã đạt được trong sự nghiệp phục vụ Đảng và nhà nước, những mong hình ảnh của ông trong tâm tưởng những người vẫn còn nhớ tới ông sẽ mờ nhạt với thời gian.

Sự nghiệp chính trị của ông đã kết thúc với biến cố Thiên An Môn. Và không biết đến bao giờ, sự kiện lịch sử này mới được tái xét để danh dự của ông Triệu Tử Dương được phục hồi.

Trong khi chờ đợi, công an Trung Quốc đã đặt nhiều nhân vật bất đồng chính kiến trong tình trạng bị quản thúc tại gia, để ngăn chận họ không được công khai làm lễ kỷ niệm 15 năm biến cố Thiên An Môn. Trong tuần qua, nhà cửa của những nhân vật này đã bị phong tỏa, họ bị cấm liên lạc với các ký giả. Anh Hu Jia, một người hoạt động tích cực tranh đấu bảo vệ môi sinh và những người mắc bệnh Aids, đã bị quản chế tại gia sau khi tìm cách đặt vòng hoa tại quảng trường Thiên An Môn để tưởng niệm hàng trăm người bị thảm sát nơi đây.