Các nhà tài trợ cam kết viện trợ cho Việt Nam 2 tỷ 839 triệu đôla trong năm 2004. - 2003-12-03

Các nước và các tổ chức cấp viện cho Việt Nam hôm thứ Tư cam kết viện trợ phát triển cho nước cộng sản này một ngân khoản là 2 tỷ 839 triệu đôla trong năm 2004, tức là tăng 13, 6% so với ngân khoản viện trợ của năm 2003.

Các Thông Tấn Xã AP, AFP và Reuters cho hay ông Võ Hồng Phúc, Bộ Trưởng Kế Hoạch và Đầu Tư của Việt Nam, đã loan báo lời cam kết vừa kể vào lúc kết thúc phiên họp 2 ngày của nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam.

Theo Ngân Hàng Thế Giới là tổ chức phối hợp hoạt động của các nước tài trợ, 70% ngân khỏan cam kết vừa kể nằm dưới hình thức các khoản tiền cho vay với lãi xuất nhẹ, 30% là tiền trợ cấp. Nhật Bản, nước viện trợ nhiều nhất cho Việt Nam, vẫn duy trì mức tài trợ như trước đây, mặc dầu ngân sách của Nhật dành cho viện trợ phát triển, gọi tắt theo tiếng Anh là ODA, bị cắt giảm trong những năm qua.

Tuy nhiên, đại sứ Nhật tại Việt Nam, ông Norio Hattori, đã đưa ra lời cảnh cáo rằng nếu chính phủ Việt Nam không gia tốc việc giải ngân cho nguồn vốn , chính phủ Nhật có thể cắt giảm ngân khoản tài trợ cho Việt Nam, phần lớn nằm dưới hình thức các khoản tiền cho vay với lãi xuất thấp.

Tin của AP cho hay Bộ Trưởng Võ Hồng Phúc đã cám ơn các nhà tài trợ và hứa hẹn là Việt Nam sẽ tiếp tục công cuộc cải cách và nới lỏng kinh tế. Ông Phúc cho biết Việt Nam cam kết sử dụng sự trợ giúp của các nhà tài trợ một cách hữu hiệu để có thể bắt kịp các nước khác trên thế giới.

Các nhà tài trợ đã ca ngợi việc Việt Nam cam kết theo đuổi công cuộc nới lỏng kinh tế, nhưng tiếp tục kêu gọi Việt Nam gia tốc công cuộc cải cách kinh tế và pháp luật. Đại diện Klaus Rohland của Ngân Hàng Thế Giới cho hay mức viện trợ gia tăng là một dấu hiệu cho thấy có sự tin tưởng của các nhà tài trợ.

Thông Tấn Xã Việt Nam cho biết ông Rohland còn nói rằng mức nợ nước ngoài của Việt Nam hiện chiếm khoảng 5% GDP là rất tốt và phần lớn số nợ được hưởng lãi xuất ưu đãi nên khả năng trả nợ rất khả quan.

Thông Tấn Xã Reuters cho hay dù có mức phát khiển kinh tế nhanh nhất Á Châu, trung bình 7% mỗi năm, chỉ sau có Trung Quốc, Việt Nam vẫn còn phải trông cậy vào sự viện trợ của nước ngoài để xây cất trường học, đường xá, bệnh viện và hệ thống điện.

Khoảng 1/3 trong dân số 80 triệu người của Việt Nam vẫn đang sống trong cảnh nghèo khó. Dù công cuộc viện trợ không chính thức ràng buộc vào với công cuộc cải cách kinh tế và xã hội, song các nhà tài trợ thuộc khoảng 50 quốc gia và cơ quan đã ngày càng tích cực bàn cãi đến tình trạng nhân quyền tại Việt Nam trong những phiên họp được nhiều người theo dõi.