Việt Nam áp dụng lệnh quản chế hành chánh đối với 3 vị tu sĩ của giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. - 2003-10-17

Theo tin của hãng thông tấn Reuters, chính phủ Việt Nam tuyên bố hôm thứ Năm rằng giới hữu trách đã quyết định áp dụng lệnh quản chế hành chánh đối với 3 vị tu sĩ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, nhưng nói thêm rằng đây chỉ là một biện pháp để xử lý những hành vi phạm pháp chứ không phải là đàn áp tôn giáo.

Phái viên Reuters trích thuật một tuyên bố của phát ngôn viên Lê Dũng của bộ ngoại giao Việt Nam nói rằng hôm 11 tháng 10, chính quyền thành phố Hồ chí Minh đã đưa ra quyết định đặt 3 vị Thượng tọa Thích Tuệ Sĩ, Thích Thanh Huyền và Thích Nguyên Lý dưới qui chế quản chế hành chánh trong vòng 2 năm vì điều mà giới hữu trách ở Hà Nội gọi là phá hoại tình đoàn kết giữa nhân dân và Phật giáo. Ông Lê Dũng nói thêm rằng tuyệt đối không có chuyện đàn áp tôn giáo ở Việt Nam mà chỉ là giải quyết vấn đề vi phạm pháp luật.

Tuyên bố vừa kể của bộ ngoại giao Việt Nam không đề cập gì đến hai nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, là Hòa Thượng Thích Huyền Quang và Hòa Thượng Thích Quảng Độ.

Ðược biết, sau vụ đoàn xe của các vị tu sĩ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị công an chận bắt hôm thứ Năm vừa qua trong lúc đang trên đường từ Tu viện Nguyên Thiều ở Bình Định đi thành phố Hồ chí Minh; Hoà Thượng Huyền Quang, 86 tuổi, đã được đưa về Bình Ðịnh; và Hòa Thượng Quảng Độ, 74 tuổi, được đưa về thành phố Hồ Chí Minh.

Theo nhận xét của phái viên Reuters, giới hữu trách Hà Nội sở dĩ không chính thức loan báo biện pháp trừng phạt nào đối với Hòa Thượng Huyền Quang và Hòa Thượng Quảng Độ có lẽ vì họ muốn tìm cách giảm bớt những mối quan tâm trong giới ngoại giao về vấn đề tự do tín ngưỡng.

Theo lịch trình đã được ấn định, đặc sứ của chính phủ Hoa Kỳ về vấn đề tự do tôn giáo quốc tế, ông John Hanford sẽ viếng thăm Việt Nam từ ngày 18 đến ngày 24 tháng này.

Chính phủ ở Washington lâu nay vẫn thường nêu lên những mối quan tâm về vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam, và một số nhà lập pháp ở đây muốn liên kết các khoản viện trợ dành cho Việt Nam với những sự cải thiện trong lãnh vực nhân quyền.