Miễn dịch bệnh đậu mùa. - 2003-08-22

Một công trình nghiên cứu mới tại Hoa Kỳ cho thấy rằng những người đã được tiêm chủng bệnh đậu mùa mấy thập niên trước đây đến nay vẫn còn được miễn dịch một phần nào đối với vi-rút của bệnh này. Điều này có thể giúp bảo vệ họ trong trường hợp các phần tử khủng bố sinh học mở một cuộc tấn công bằng bệnh đậu mùa. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng tính miễn dịch còn sót lại này sẽ không hữu ích bao nhiêu vì không còn đủ mạnh. Những ý kiến khác nhau xoay quanh vấn đề này sẽ được Nguyễn Lê trình bày với quý thính giả trong câu chuyện “Khoa học và Đời sống” hôm nay, dựa trên tường trình của BTV khoa học đài Tiếng nói Hoa Kỳ David McAlary.

Hệ thống miễn dịch trong cơ thể con người có trí nhớ riêng của nó. Khi một vi sinh vật xâm nhập cơ thể của chúng ta, các bạch huyết cầu sẽ được huy động để tấn công nó, và sau đó các bạch huyết cầu sẽ tiếp tục cảnh giác trong nhiều năm liền, ghi nhớ hình dạng và phương thức hoạt động của vi sinh vật đó.

Đứng trước mối đe dọa của nạn khủng bố sinh học, các nhà miễn dịch học tại Đại học Y tế và Khoa học Oregon ở Hoa Kỳ muốn tìm hiểu xem hệ miễn dịch của con người có thể ghi nhớ được bệnh đậu mùa trong thời hạn bao lâu. Họ muốn biết con người còn được miễn dịch nhiều ít ra sao, 25 năm sau khi bệnh đậu mùa bị hoàn toàn diệt trừ và việc chủng ngừa chứng bệnh này chấm dứt.

Ông Mark Slifka, một chuyên viên nghiên cứu của trường đại học vừa nêu, cùng các đồng nghiệp của ông đã lấy mẫu máu của 332 người và quan sát cách phản ứng của các huyết cầu chống bệnh tật khi chúng phải đối phó với một chứng bệnh rất gần gũi với bệnh đậu mùa, đó là bệnh đậu bò, tức là chứng bệnh có vi-rút được dùng làm cơ sở cho việc bào chế thuốc chủng bệnh đậu mùa. Ông Slifka cho biết như sau:

Điều chúng tôi phát hiện được là một số lớn những người này có mức miễn dịch đáng kể. Điều đó chứng tỏ rằng trong một số trường hợp, người ta có thể được miễn dịch suốt đời, sau khi được tiêm chủng bệnh đậu mùa một lần duy nhất.

Các cuộc thử nghiệm cho thấy rằng có 90% những người tham gia trong cuộc thử nghiệm tiếp tục được miễn dịch ít nhất là một phần, tuy rằng một số những người này đã được tiêm chủng cách đây đến 75 năm.

Các nhà khoa học đo lường 2 thành phần của hệ miễn dịch, đó là các kháng thể và tế bào T. Các kháng thể có chức năng tìm cách trung hòa một vi sinh vật sau khi nó xâm nhập cơ thể. Các tế bào T là tuyến phòng thủ thứ nhì có chức năng kháng cự nếu vi sinh vật này tiến vào các tế bào.

Như toán nghiên cứu của ông Slifka tường trình trong số tháng 9 của tập san “Nature Medicine”, Y học Tự nhiên, họ tìm thấy rằng các kháng thể tiếp tục chiến đấu hữu hiệu chống các vi sinh vật trong một thời gian dài, nhưng sức kháng cự của các tế bào T đối với bệnh đậu mùa thì suy yếu dần theo thời gian.

Không ai biết được hệ miễn dịch cần có mức hữu hiệu tối thiểu là bao nhiêu mới bảo vệ được cơ thể chống bệnh đậu mùa. Nhưng Ông Slifka nói rằng bất cứ mức độ miễn dịch nào cũng đều có ích, đặc biệt là mức độ miễn dịch cao của 38 ngàn nhân viên y tế và cấp cứu Hoa Kỳ vừa được tiêm chủng bệnh đậu mùa trong khuôn khổ một chương trình tiêm chủng tự nguyện của chính phủ. Sau đây vẫn là ý kiến của ông Slifka:

Điều người ta trông đợi là tất cả các nhân viên này sẽ tiếp tục được miễn dịch hoàn toàn. Những người khác có mức miễn dịch thấp hơn dễ thấy được và có lẽ sẽ được xem là có mức miễn dịch một phần. Miễn dịch một phần thì có ích lợi gì hay không? Trong trường hợp bệnh đậu mùa, đây có thể là sự khác biệt giữa sống và chết.

Tuy nhiên, các giới chức y tế của chính phủ Hoa Kỳ nói rằng công trình nghiên cứu vừa kể không làm thay đổi được quan điểm của họ cho rằng việc tiêm chủng thêm là cần thiết để có được mức bảo vệ tối đa trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công khủng bố sinh học.

Một chuyên gia về tiêm chủng bệnh đậu mùa đồng ý với quan điểm này. Ông Thomas Monath thuộc công ty công nghệ sinh học Acambis tại thành phố Cambridge, bang Massachussetts, nói rằng các cuộc kiểm tra trong phòng thí nghiệm của ông Slifka có thể không áp dụng được trong đời sống thực tế. Ông Monatn nhận định:

Việc đo lường mức độ miễn dịch bằng các phương pháp xét nghiệm hiện có cần phải được đặt trong bối cảnh của kinh nghiệm lâu dài trên 2 thế kỷ về việc tiêm chủng bệnh đậu mùa. Kinh nghiệm này cho thất một cách rõ ràng rằng khoảng cách giữa tiêm chủng và việc nhiễm bệnh càng xa thì quý vị càng dễ bị tử vong vì bệnh đậu mùa, nếu bị nhiễm bệnh hay bị ốm nặng.

Ông Monath nói rằng các nhà nghiên cứu tại trường đại học Y tế và Khoa học Oregon đã đánh giá quá cao mức miễn dịch do các lần tiêm chủng bệnh đầu mùa đã lâu năm cung cấp.

Vấn đề hiệu quả miễn dịch còn sót lại của những lần tiêm chủng cũ là một vấn đề quan trọng, vì các chuyên gia y học Hoa Kỳ mới đây có khuyên không nên thực hiện việc tiêm chủng bệnh đậu mùa đồng loạt, mặc dù chính quyền của Tổng thống Bush đã cố gắng cung cấp việc tiêm chủng cho bất cứ ai muốn được chủng ngừa. Trở ngại ở đây là thuốc chủng bệnh đậu mùa có chứa những mảnh nhỏ của các vi-rút còn sống có thể gây bệnh cho một số người và lây lan sang những người lân cận. Các chuyên gia dưới sự lãnh đạo của ông Brian Strom, giáo sư y khoa thuộc Trường đại học Pennsylvania, nói rằng những rủi ro về sức khỏe do thuốc chủng gây ra đáng sợ hơn nhiều, so với mối đe dọa của một cuộc tấn công khủng bố sinh học. Sau đây là ý kiến của Gíao sư Strom:

Chúng tôi nghĩ rằng, nói chung, thì các vấn đề về đạo đức ở đây có tính cách quan trọng, và rằng, nói một cách tổng quát, không có lý do chính đáng để quần chúng bình thường phải được tiêm chủng. Tại Cambridge, bang Massachussetts, chuyên gia về tiêm chủng bệnh đậu mùa Thomas Monath nói rằng đang có một cuộc tranh luận về việc có nên tiêm chủng hay không, khi không có một mối đe dọa rõ ràng trước mắt về một cuộc tấn công khủng bố sinh học. Ông nói tiếp:

Phương trình rủi ro-lợi ích là một phương trình đòi hỏi sự cân nhắc giữa mối đe dọa và nhu cầu phải chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với khả năng xảy ra một biến cố nghiêm trọng nào đó. Đây không phải là một điều dễ dàng; nó là một vấn đề gây tranh cải, và nhiều nhóm có nhiều ý kiến khác nhau.

Ngoài số 38 ngàn nhân viên y tế và cứu cấp của Hoa Kỳ tự nguyện tiêm chủng, chính quyền Tổng thống Bush cũng đang yêu cầu một nửa triệu quân nhân trong các lực lượng vũ trang của Hoa Kỳ phải được tiêm chủng bệnh đậu mùa.