Một viên chức cao cấp về tỵ nạn của Hoa Kỳ đến thăm vùng Tây Nguyên. - 2003-08-19

Một viên chức cao cấp về tỵ nạn của Hoa Kỳ đã đi thăm vùng Tây Nguyên có nhiều biến động tại Việt Nam trong khi một số dự luật đề nghị liên kết viện trợ với thành tích nhân quyền của Hà Nội đang gây ra nhiều mối quan ngại tại Việt Nam.

Từ Hà Nội, ký giả Ben Rowse của hãng AFP ghi nhận nguồn tin từ các nhà ngoại giao hôm thứ Ba cho biết phụ tá thứ trưởng ngoại giao đặc trách về Dân Số, Tỵ Nạn và Di Trú, ông Arthur Dewey đã đến vùng tây nguyên hồi cuối tuần.

Ông Dewey là viên chức chính phủ cao cấp nhất trong những năm gần đây đi thăm vùng này. Đây là nơi mà người dân tộc thiểu số đã chạy qua Kampuchia để tránh tình trạng bị ngược đãi sau khi xảy ra vụ đàn áp các cuộc biểu tình chống chính phủ hồi năm 2001.

Sứ quán Hoa Kỳ từ chối không tiết lộ chi tiết về chuyến đi của ông Dewey mà chỉ cho biết ông đã gặp các giới chức bộ ngoại giao ở thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh kể từ lúc ông đến Việt Nam vào ngày 13 tháng này trong chuyến viếng thăm 7 ngày.

Các nhà ngoại giao tin rằng chính phủ Việt Nam đã cho phép ông Dewey thực hiện chuyến tham quan chớp nhoáng này với hậu ý xoa dịu làn sóng ác cảm đối với Việt Nam đang dâng cao trong Quốc Hội Hoa Kỳ.

Hôm 15 tháng trước, Hạ Viện Mỹ đã thông qua một điều khoản tu chính dự luật ngân sách năm 2004/2005 đề nghị hạn chế viện trợ nhân đạo cho Việt Nam nếu nước này không hội đủ một số điều kiện về nhân quyền.

Dự luật gây nhiều tranh cãi này vẫn còn chờ được Thượng Viện phê chuẩn, nhưng sự kiện Hạ Viện thông qua đã khiến Hà Nội có phản ứng giận dữ và cảnh báo là việc chấp thuận dự luật sẽ đưa đến các hậu quả tiêu cực. Một nhà ngoại giao tây phương nhận định rằng chính quyền Việt Nam đã khôn khéo hơn và nhận ra rằng tây nguyên là một vấn đề quan trọng đối với Hoa Kỳ vì nhiều lý do. Nhà ngoại giao này cho rằng nếu như ông Dewey không đem những tin vui về Washington thì khó lòng mà giảm bớt được áp lực đòi có biện pháp đối với Việt Nam. Giới lập pháp Hoa Kỳ hồi gần đây đã bầy tỏ phản ứng phẫn nộ không những vì các vụ vi phạm nhân quyền tại vùng tây nguyên, mà còn vì việc kết án bác sĩ Phạm Hồng Sơn hồi tháng 6 về tội làm gián điệp.

Các vị nghị sĩ trước đây thường ủng hộ Việt Nam và ngăn chặn việc thông qua các dự luật tương tự ngày càng chán ngán vì bị coi như những người bênh vực cho chế độ.

Theo những người thông hiểu vấn đề thì dường như nay có nhiều phần chắc là dự luật sẽ được Thượng Viện thông qua.

Ông Dewey rời Việt Nam vào xế ngày thứ Ba.