Tối cao pháp viện Bangladesh đã giữ y án tử hình tuyên phạt 5 cựu sĩ quan quân đội về tội sát hại lãnh tụ tranh đấu cho độc lập của đất nước vào năm 1975. Vụ án kéo dài này đã đi đến hồi kết thúc dưới thời của chính phủ do Sheikh Hasina, con gái của lãnh tụ này lãnh đạo. Từ New Delhi, thông tín viên VOA Anjana Pasricha ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây
Rào cản pháp lý cuối cùng đưa đến việc hành quyết 5 người bị cáo buộc đã giết nhà lập quốc Sheikh Mujibur Rahman, đã được dẹp bỏ hôm nay khi tòa án tối cao bác bỏ đơn kháng cáo đề nghị duyệt lại các án tử hình.
Hồi tháng 11 năm ngoái, toà đã giữ nguyên án tử hình mà một tòa dưới đã tuyên cho 5 bị can. Các luật sư nói rằng việc hành quyết những người này có phần chắc sẽ được tiến hành trong vòng từ 3 đến 4 tuần nữa.
Đây là một vụ án gắn liền với lịch sử của quốc gia non trẻ này.
Sheikh Mujibur Rahman đã lãnh đạo một cuộc đấu tranh đòi độc lập đưa đến việc thành lập quốc gia Bangladesh vào năm 1971, sau một cuộc chiến tranh với Pakistan. Bốn năm sau, ông bị bắn chết trong một cuộc đảo chính của quân đội, cùng với vợ và 3 người con trai.
Những người cầm đầu cuộc đảo chính đã thoát lưới công lý trong 25 năm. Giới cầm quyền quân nhân nắm quyền cai trị đất nước sau vụ sát hại ông Mujibur Rahman đã khoan hồng cho họ.
Vụ án xét lại chỉ bắt đầu vào năm 1996 khi con gái của nhà lãnh đạo bị hạ sát, Sheikh Hasina vừa lên nắm quyền. Vụ án lại bị trì hoãn khi đối thủ chính trị của bà đã lật đổ bà 5 năm sau đó.
Vụ xử được mọi người chú ý cuối cùng đã kết thúc, dưới nhiệm kỳ thứ nhì thủ tướng thứ hai của Sheikh Hasina. Bà vừa trở lại nắm quyền hồi năm ngoái.
Tại thủ đô Dhaka, phân tích gia chính trị Ataus Samad nói rằng việc kết thúc vụ án nhậy cảm về chính trị này đánh dấu việc đóng lại một chương quốc sử và gửi đi một tín hiệu là các tội phạm không thể thoát khỏi lưới công lý.
Ông Samad nói: “Vụ này đã trải qua rất nhiều trở ngại, và trong thời gian này đất nước đã trở nên chia rẽ về mặt chính trị. Đây là một sự kiện tối ư quan trọng bởi lẽ nó mở ra một cơ hội để phục hồi pháp trị.”
Tổng thống Bangladesh đã bác bỏ những đơn kháng án xin khoan hồng của 3 trong số 5 bị can. Các luật sư nói rằng có phần chắc 2 người kia cũng sẽ đệ đơn kháng án, nhưng có phần chắc đơn cũng sẽ bị bác.
Cùng với 5 người sắp bị hành quyết, 10 người khác cũng bị xét là có tội và bị kết án tử hình khi vụ án bắt đầu vào năm 1996. 6 người đã bỏ trốn ra khỏi nước, trong khi 3 người được tha bổng sau khi kháng án.
Một người được cho là đã chết. Chính phủ của bà Sheikh Hasina đang tiến hành các nỗ lực dẫn độ những người đang sống ở nước ngoài.
<!-- IMAGE -->