<!-- IMAGE -->
Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch nói rằng các trung tâm ở Kampuchea được thành lập để điều trị những người nghiện ma túy trên thực tế đang giam giữ bất hợp pháp, đánh đập, tra tấn và cưỡng hiếp những người này. Từ Bangkok, thông tín viên VOA Daniel Schearf gửi về bài tường thuật sau đây.
Hôm nay, tổ chức Human Rights Watch công bố một bản phúc trình nói rằng các trung tâm cai nghiện ở Kampuchea đầy rẫy những vụ ngược đãi và không dành sự hỗ trợ nào cho những người nghiền ma túy.
Tổ chức tranh đấu cho nhân quyền này nói rằng nhiều người trong số các con nghiện đang bị giam giữ một cách bất hợp pháp, thường là qua các chiến dịch làm sạch đường phố hoặc sau khi thân nhân của họ đã trả tiền cho nhà chức trách để nhận họ vào các trung tâm lẽ ra là để cai nghiện.
Nhưng tổ chức Human Rights Watch nói rằng thay vì được trị liệu để cai nghiền ma túy, thì họ bị đặt dưới sự ngược đãi thô bạo của cảnh sát và quân đội Kampuchea, là giới điều hành các trung tâm này.
Ông Joseph Amone là giám đốc đơn vị đặc trách y tế và nhân quyền của tổ chức Human Rights Watch. Ông Amone nói rằng trong số những người bị giam giữ có cả trẻ em và những người bị bệnh tâm thần.
Ông Amone nói: “Những người bị giam giữ bị đánh đập, bị quất bằng dây điện. Họ bị cho điện giật bằng những cây gậy điện. Chúng tôi còn thấy nhiều người nói rằng họ bị cưỡng hiếp và chứng kiến những vụ cưỡng hiếp trong các trung tâm.”
Những người bị giam giữ bị buộc phải làm lao động, trong một số trường hợp, làm công tác xây dựng ở nhà của các nhân viên trung tâm.
Để thực hiện bản phúc trình, tổ chức Human Rights Watch đã phỏng vấn hơn 50 người từng bị giam giữ.
Ông Amone nói những người bị giữ tại các trung tâm cai nghiện nói họ bị giữ trái với ý muốn của họ, họ không hề bị truy tố và cũng không hề được tiếp xúc với luật sư.
Ông Amone nói tiếp: “Và đó là lý do vì sao chúng tôi đề nghị nên đóng cửa các trung tâm đó ngay. Bởi vì, chúng tôi nghĩ rằng một hệ thống được thành lập mà không có sự giám sát của các cơ quan tư pháp, được điều hành không phải bởi những người chuyên môn về y tế mà bởi cảnh sát và quân đội, thì không thể nào thực hiện được công tác điều trị có hiệu quả hay cung cấp sự bảo vệ đầy đủ trước những hành động vi phạm nhân quyền được.”
Tổ chức Human Rights Watch báo cáo rằng chính phủ nói có khoảng 2,400 người Kampuchea bị giam giữ trong 11 trung tâm vào năm 2008.
Tổ chức Y tế Thế giới ở Kampuchea cho biết sau khi rời các trung tâm, thì gần như tất cả các con nghiện lại trở lại sử dụng ma tuý.