<!-- IMAGE -->
Các công nhân di trú Miến Điện tại Thái Lan đang lo ngại rằng những qui định mới liên quan đến giấy phép lao động tại đây sẽ khiến cuộc sống trở nên khó khăn hơn cho bản thân họ và thân nhân tại quê nhà. Theo tường trình của Ron Corben từ Bangkok, chính quyền Thái nói qui định mới sẽ ngăn chặn nạn nhập cư bất hợp pháp, nhưng những nhà tranh đấu cho nhân quyền nói rằng các biện pháp đó sẽ đe dọa an ninh của công nhân di trú.
Nội các Thái Lan mới đây đã ra lệnh rằng các công nhân nhập cư phải chứng thực quốc tịch của họ thì mới được cấp giấy phép làm việc.
Qui định mới được áp dụng với trên 1 triệu công nhân di trú Miến Điện, cũng như trên 200 ngàn công nhân đến từ Lào và Kampuchia tại Thái Lan.
Theo những qui luật mới được loan báo hôm thứ Ba, các công nhân di trú phải khởi sự thủ tục xin giấy phép làm việc vào ngày 28 tháng 2, nếu không muốn bị trục xuất.
Chính phủ Thái nói luật mới có mục đích kiểm soát làn sóng dân nhập cư bất hợp pháp hiện nay ước tính lên tới 3 triệu. Ông Panitan Wattanaygorn, phát ngôn viên chính phủ, nói đợt sóng nhập cư bất hợp pháp đã tới một giai đoạn nghiêm trọng.
Ông Panitan nói: “Theo tôi tình hình sẽ rất nghiêm trọng nếu họ không áp dụng ngay các chính sách ahy thủ tục đó. Cho nên Hội Đồng An Ninh Quốc gia coi đây là một mối quan tâm lớn đối với an ninh của Thái, và họ cần áp dụng luật này. Nhưng luật cũng cần phải được điều chỉnh vì thế họ đã đưa ra đề xuất mới này bởi lẽ chúng ta vẫn cần có công nhân nước ngoài làm việc tại Thái Lan."
Thái Lan từ lâu vẫn phải dựa vào các công nhân nhập cư, là những người thường làm các công việc cực nhọc với đồng lương lậu ít ỏi trong các ngành xây dựng, nông nghiệp và đánh cá.
Chính phủ Thái vẫn đang có những cuộc bàn thảo với các giới chức Miến Điện, Lào và Kampuchia từ năm 2004 để tìm ra đường hướng để có thể minh định qui chế của các công nhân nhập cư. Các chính phủ Lào và Kampuchia đã đồng ý phái các viên chức tới Thái để công dân của họ có thể được chứng thực mà không cần phải rời khỏi nước này.
Nhưng Miến Điện thì không chịu làm như vậy. Cho nên các công nhân Miến Điện sẽ phải tới những văn phòng đăng ký ngay bên kia biên giới để hoàn tất thủ tục.
Bà Thetis Mangahas, một chuyên gia về di dân thuộc Văn phòng Lao Động Quốc Tế, nói rằng trong lúc cần phải có một chính sách di dân toàn bộ, thì các qui luật mới đã gây lo ngại cho công nhân Miến Điện.
Bà Thetis nói: “Có những cá nhân hết sức lo sợ khi cần phải đưa ra những thông tin có thể khiến chính phủ Miến Điện vin vào đấy mà có hành động trả thù gia đình họ. Cho nên đây một tình trạng rất phức tạp và thật sự đó là hậu quả những chính sách đã không được suy nghĩ thấu đáo.”
Có những nguồn tin nói rằng khi một công nhân bắt đầu tiến trình mới, thì các giới chức Miến Điện dùng địa chỉ của công nhân đó để sách nhiễu, bắt gia đình người đó phải đóng thêm thuế.
Ông Joseph Serrani, là viên chức điều phoiố các vấn đề người nucớ ngoài, làm việc với Uûy Ban Hành Động vì Dân chủ Miến Điện tại Thái, một tổ chức cung ứng cho công nhân Miến Điện những khóa huấn luyện. Ông nói rằng những công nhân đó ít tin tưởng vào chính sách chứng nhận quốc tịch của chính quyền Miến Điện.
Ông Serrani cho biết: “Với những kinh nghiệm đã có về chính phủ Miến Điện và cách họ đối xử với dân chúng, phần đông công nhân Miến Điện đều coi vụ việc này như một cơ hôị nữa để chính phủ Miến Điện bóc lột họ thêm. Và các công nhân Miến xem đây là dịp mà chính quyền Miến Điện dặt ra thêm những thể thức hầu kiem soát và đánh thuế họ.”
Bà Na Bamoom Maha làm công việc giữ trẻ tại Bangkok. Bà rất sợ bị trả về Miến Điện.
Bà Maha nói rằng nếu các công nhân nhập cư không vượt qua được tiến trình xác minh, thì các công nhân làm việc bất hợp pháp không đủ giấy tờ sẽ bị đàn áp. Bà cho biết gia đình bà tại Miến Điện nói nếu bà không thể lưu lại với giấy phép lao động thì bà nên về nước.
Việc băng qua biên giới để làm thủ tục giấy tờ cũng có những hiểm họa. Chẳng hạn như các phụ nữ trẻ có thể trở thành nạn nhân của bọn buôn người. Một số công nhân có thể bị buộc phải hối lộ cho xong giấy tờ. Một số khác sợ có thể bị mất việc nếu họ xin nghỉ làm để qua biên giới làm giấy tờ.
Những người tranh đấu cho quyền công nhân nhập cư nói rằng các công nhân có thể thà đi làm chui hoặc sống lén lút chứ không muốn gánh hiểm họa khi băng qua biên giới.
Qui luật mới cũng có nghĩa là các công nhân phải trả thêm những phí tổn mới, có thể lên tới 2 tháng lương. Họ phải trả tiền làm giấy tờ, tiền chuyên chở qua biên giới, và thường còn phải trả phí tổn cho những người môi giới lao động kiếm việc cho họ.
Bà Debbie Stothardt thuộc Mạng Lưới Thay Thế ASEAN tranh đấu cho công cuộc cải tổ chính trị Miến Điện nói:
Bà Stothardt nói: “Thật trớ trêu và cũng thật thê thảm khi thấy những người thu lợi tức ít ỏi nhất, làm những công việc dơ bẩn nguy hiểm nhất, lại bị buộc phải trải qua tiến trình tốn kém và phức tạp này.”
Bất chấp nhữnglời chỉ trích của các nhà hoạt động nhân quyền, chính phủ Thái vẫn cương quyết áp dụng những qui định mới. Nhưng các chuyên gia về lao động nhập cư trong vùng nói rằng chính sách này có thể có tác dụng ngược, khi đẩy các công nhân vào tình cảnh phải lao động bất hợp pháp và tạo cơ hội cho bọn chủ nhân vô lương tâm bóc lột.