Ukraina và những lý tưởng của cuộc Cách Mạng Cam

<!-- IMAGE -->

Tổng thống Ukraina Viktor Yushenko gặp thảm bại trong cuộc bầu cử hôm Chủ nhật khi cử tri không dồn phiếu cho ông vì cho rằng ông đã phản bội các lý tưởng của cuộc Cách Mạng Cam năm 2004, đưa ông lên nắm quyền lực. Từ Moscow Thông tín viên đài VOA Peter Fedynsky gửi về bài tường thuật sau đây:

Tên của Tổng thống Yushchenko đã từng có lúc vang lên trên Quảng trường Độc lập, hay còn gọi Maidan, của thủ đô Kyiv. Từ ngữ Maidan không chỉ có nghĩa là một địa điểm mà là một biến cố lịch sử biểu trưng cho những niềm hy vọng vào chính phủ chính trực và một nền kinh tế vững mạnh.

Ông Petro, một người Ukraina đã từng tham gia Cách Mang Cam nói rằng sự kiện lịch sử này được xem như thần thánh.

Ông Petro nói rằng cả thế giới biết cuộc Cách Mạng Cam, nhưng bây giờ mọi việc lại trở lại như cũ. Ông nói thêm rằng mọi người đã phân tán, tất cả “những người trẻ nhiệt tâm của ngày nào” đã chiếm lĩnh được mọi thứ, thế là xong.

Nhiều cử tri cho rằng trong các người trẻ đó có cả ông Yushchenko và các thành viên trong chính quyền của ông.

Cử tri nghi ngờ rằng đồng minh của Tổng thống trong cuộc Cách Mạng Cam, mà giờ đây đã trở thành một đối thủ quyết liệt của ông, là Thủ tướng Yulia Tymoshenko, cũng tham nhũng.

Cựu Thủ tướng Victor Yanukovych, người mà bà Tymoshenko sẽ đối đầu trong cuộc bầu cử vòng nhì vào ngày 7 tháng 2, cũng bị cáo buộc không trong sạch. Một phán quyết của Tối cao Pháp viện Ukraina đưa ra cho thấy cuộc tranh cử tổng thống năm 2004 có gian lận.

Năm 2004, dân chúng đánh trống, khiêu vũ trên đường phố, đặt hy vọng vào các nhà lãnh đạo lương hảo và một nền kinh tế vững mạnh. Còn cuộc bầu cử năm 2010 diễn ra trong tâm trạng hồ nghi về cả 2 vấn đề này.

Ông Bohdan Markevych, một nhà vật lý học, hiện đã trở thành một nhà kinh doanh nhỏ nói rằng các nhà lãnh đạo cuộc Cách Mạng Cam nên suy nghĩ về lý do khiến dân chúng bị vỡ mộng và nhân dân Ukraina vẫn tin tưởng rằng quốc gia của họ là một quốc gia có phẩm giá.

Theo ông cuộc Cách Mạng Cam sẽ hướng dẫn cho giới trẻ suốt cuộc đời họ, cuộc cách mạng này vẫn là niềm ước ao của những người người có tinh thần dân chủ ở Nga và các nước hậu Xô viết khác.

Một nhà khoa học chính trị Ukraina, ông Olexiy nhận định rằng cuộc cách mạng đó đem lại nhiều điều: dân chủ, tự do ngôn luận và bầu cử dân chủ. Kết quả là chính phủ và phe đối lập thay nhau nắm quyền.

Sự kiện lịch sử này chưa mang lại đầy đủ những lời hứa chính trị và kinh tế. Tuy nhiên dân chúng Ukraina dường như tin rằng cuộc Cách Mạng Cam đặt ra các chuẩn mực cao mà dựa vào đó các chính trị gia sẽ được phán đoán trong năm 2010 và về sau này.