Cảm nghĩ của thanh niên VN về vụ tranh chấp tại Đồng Chiêm

  • VOA

Cây thánh giá bằng tre được dựng tạm ở Đồng Chiêm

'Nhà nước và các cơ quan chức năng có thiếu gì cách giải quyết như hòa giải hoặc đối thoại với nhau chứ làm gì phải đưa lực lượng võ trang hùng hậu đến như thế để đàn áp dân? Các cơ quan chức năng làm như thế là không được.'

Tin tức từ Giáo hội cho biết hàng trăm công an trang bị võ trang đã phá sập cây thánh giá và hành hung một số giáo dân tại giáo xứ Đồng Chiêm, thôn Đồng Chiêm, xã An Phú, huyện Mỹ Đức, Hà Nội sáng sớm ngày 6/1 vừa qua, trong số này có 2 người bị thương nặng phải nhập viện. Hình ảnh các nạn nhân đầm đìa máu được phổ biến trên mạng Internet. Văn phòng Tòa Tổng giám mục Hà Nội lên án vụ việc là một hành động đàn áp tôn giáo, trong khi báo chí nhà nước bác bỏ điều mà họ gọi là xuyên tạc, đồng thời khẳng định không có sự đàn áp. Phía nhà nước giải thích lý do của việc tháo dỡ thánh giá là thực hiện kỷ cương phép nước.

Ghi nhận và cảm nghĩ của người trẻ về vụ việc này như thế nào? Đó là nội dung cuộc trao đổi với 3 thanh niên: một người từ Hà Nội, một người là dân địa phương tận mắt chứng kiến vụ việc, và một người là cư dân ở gần khu vực Đồng Chiêm.

Trung: Em là Trung đến từ Hà Nội.

Tạo: Em là Tạo, ở thôn Ải, Hợp Thanh, Mỹ Đức, Hà Nội, cách Đồng Chiêm khoảng 2 cây số.

Thúy: Em là Thúy, ở cách Đồng Chiêm 3km.

Trà Mi: Các bạn được biết đến vụ việc xảy ra ở Đồng Chiêm hôm 6/1 qua phương tiện nào?

Thúy: Khi em trên đường đi học thì thấy rất nhiều công an đứng chặn. Họ bảo đi lối khác, lối này đang làm đường. Khi lên tới trường thì em đựơc nghe thông tin từ giáo xứ Đồng Chiêm rằng ngừơi ta đã hạ đổ cây thánh giá.

Trà Mi: Tức là ngay khi xảy ra vụ việc, Thúy có đi ngang qua khu vực đó và bị cấm không đựơc vào.

Thúy: Vâng.

Trà Mi: Cảm ơn Thúy. Bây giờ mời Tạo.

Tạo: Em đang ở nhà thì nghe dân bàn tán có lực lựơng võ trang về triệt hạ cây thánh giá ở dứơi giáo xứ Đồng Chiêm. Em đi xuống thấy công an chặn đường không cho ai qua lại khu vực đó. Em xuống tận nơi, trèo lên chân núi. Em thấy khối bê tông giáo xứ Đồng Chiêm cất công dựng lên trong 3 ngày bị công an đập phá tan tành, vứt các khối bê tông xuống khe núi gần đó. Từ đó trở đi, an ninh khu vực đó nghiêm ngặt lắm. Ngày nào công an cũng ngồi chặn các ngã đường đến núi đó. Có hai ngừơi phụ nữ khoảng 50 và 40 tuổi bị lực lựơng công an ra tay đánh vào đầu. Họ bị thương nặng. Lúc đó, dân biểu tình không cho đập phá cây thánh giá. Thế là bọn công an quay lại đập. Ngừơi nhà của hai người bị thương nặng đòi đưa đi bệnh viện nhưng công an ngăn cản không cho ngừơi nhà đưa đi. Họ tự đưa đi và không cho người nhà đi theo. Lúc họ đập phá thánh giá là vào ban đêm. Hai giờ sáng công an về và năm giờ sáng họ bắt đầu đập hạ thánh giá.

Trà Mi: Báo Hà Nội Mới nói rằng lực lựơng chức năng “thuyết phục giáo dân giải tán” chứ không có cảnh đánh đập giáo dân?

Tạo: Không có chuyện đó. Lực lựơng võ trang họ đàn áp dân nhiều lắm. Họ quát mắng, chửi bới, chứ không có thuyết phục gì cả. Giáo dân ở Đồng Chiêm tất cả có bao nhiêu người đều ra hết, khoảng mấy trăm người. Công an dùng lựu đạn cay, hơi cay, và dùi cui đánh để xua đuổi dân về, nhưng dân không về. Dân cứ ngồi đó than khóc thôi.

Trà Mi: Bây giờ xin mời Trung.

Trung: Em đựơc biết thông tin về Đồng Chiêm do em đọc trên Internet, báo trong nước và của nước ngoài.

Trà Mi: Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tranh chấp đất đai giữa chính quyền với công giáo. Riêng vụ việc này, các bạn nhận xét như thế nào về tính chất của nó?

Trung: Chính quyền Việt Nam muốn dùng vụ việc này để dằn mặt Giáo hội công giáo.

Thúy: Em thấy vụ này còn to hơn cả vụ ở Thái Hà và Tòa Khâm Sứ. Họ đã đánh người như thế còn lấy dùi cui điện dí vào đầu ngừơi ta.

Tạo: Theo em, vụ việc ở 42 Phố Nhà Chung và ở Thái Hà là những vụ tranh chấp đất đai nó khác. Còn vụ việc ở giáo xứ Đồng Chiêm, họ dùng bạo lực để đàn áp cộng đoàn dân chúa nhiều quá. Đập phá triệt hạ cây thánh giá như thế là một sự xúc phạm.

Trà Mi: Theo chỗ các bạn ghi nhận, nguyên nhân nào dẫn đến vụ xô xát này?

Tạo: Cái Núi Thờ đó là của giáo xứ Đồng Chiêm từ trước. Thế nhưng tranh chấp thì cũng phải đối thọai, chứ họ dùng đến hàng trăm công an đến dỡ cây thánh giá như thế thì không đáng.

Trà Mi: Phía công giáo lên án việc làm của chính quyền là đàn áp, trong khi chính quyền nói rằng hành động của họ là xử lý việc xây dựng trái phép. Quan điểm của các bạn ra sao?

Trung: Chính quyền làm như vậy là sai. Họ đã huy động rất nhiều công an, chó nghiệp vụ, lựu đạn, hơi cay đến để đàn áp người dân khi mà chưa nói chuyện, chưa đối thoại với dân, lại còn làm việc lén lút lúc giữa đêm nữa. Em cho là không minh bạch.

Trà Mi: Phía chính quyền giải thích rằng khởi điểm từ việc linh mục Nguyễn Văn Hữu tự ý vận động giáo dân xây dựng thánh giá không xin phép, chính quyền đã yêu cầu tự tháo dỡ mà phía công giáo lại không chấp hành, và rằng vi phạm, coi thường pháp luật như thế thì nhà nứơc phải cưỡng chế tháo dỡ là điều dĩ nhiên. Ý kiến của các bạn ra sao?

Tạo: Trước kia chừng chục năm nay đã có cây thánh giá trên Núi Thờ rồi, nhưng nó ở quy mô nhỏ, bằng bương với luồng. Bây giờ cha và giáo xứ Đồng Chiêm muốn dựng lên một cây thánh giá to hơn, đẹp hơn, bằng bê tông cốt thép thôi. Trước kia cũng có sao người ta không tháo dỡ, không phản đối?

Trà Mi: Vì hồi xưa chắc có lẽ do tượng thánh giá đó nhỏ bé, chưa là vấn đề. Sau khi được xây dựng quy mô lên, xét về luật, nó có thể vi phạm luật pháp?

Trung: Nói vậy bé và to đều là dựng lên trái phép cả, thế sao bé họ không phạt mà to người ta lại phạt ạ?

Trà Mi: Thế nhưng nếu không có biện pháp chế tài với những việc làm không xin phép thì liệu chăng ai muốn dựng lên cái gì thì dựng, xây nên cái gì thì xây, mọi chuyện sẽ như thế nào, quản lý sẽ ra sao?

Thúy: Em nghe ông ngoại em cũng là người Đồng Chiêm nói là kể từ khi xây dựng nhà thờ Đồng Chiêm, cái núi ấy thuộc quyền sở hữu của nhà xứ. Vậy thì nhà xứ có quyền được dựng thánh giá chứ ạ?

Trà Mi: Thế nhưng ở Việt Nam, chắc các bạn cũng biết luật quy định rằng đất đai do nhà nước quản lý. Cho nên muốn xây dựng cái gì cũng phải xin phép, muốn sử dụng cái gì cũng phải đựơc cấp phép.

Tạo: Cái Núi Thờ thuộc quyền quản lý sao giấy tờ không minh bạch, không có một công văn, văn bản nào về giáo xứ Đồng Chiêm rằng địa chính thuộc nhà nước quản lý hoặc thuộc một cơ quan nào đấy quản lý? Sao khi cây thánh giá được dựng nên họ lại đập phá?

Trung:
Theo em, luật đất đai Việt Nam chưa hoàn chỉnh, nên nhà nước vụ việc nào cũng đưa câu nói đất đai thuộc nhà nước quản lý, nên rất khó làm việc.

Tạo: Nhà nước và các cơ quan chức năng có thiếu gì cách giải quyết như hòa giải hoặc đối thoại với nhau chứ làm gì phải đưa lực lượng võ trang hùng hậu đến như thế để đàn áp dân? Các cơ quan chức năng làm như thế là không được.

Trà Mi:
Sự đàn áp chỉ xảy ra sau khi có sự phản đối, kháng cự của người dân địa phương, của những giáo dân…

Thúy: Làm gì giáo dân người ta phản kháng mấy, người ta chỉ có đứng ra đấy để cầu nguyện thôi chứ người ta có đánh lại đâu.

Tạo: Khi thấy các cơ quan chức năng đụng chạm đến cây thánh giá, điểm dựa tinh thần, niềm tin, ánh sáng bị phạm thượng thì giáo dân giáo xứ Đồng Chiêm kia phản kháng là điều đương nhiên rồi.

Trà Mi: Những ý kiến ngược lại có thể cho rằng nếu như không làm sai, không phản kháng thì đã không xảy ra những hậu quả đáng tiếc như thế, các bạn thấy sao?

Trung: Em muốn làm rõ từ xử lý và từ đàn áp khác nhau như thế nào. Xử lý nghĩa là làm đúng theo trình tự pháp luật. Còn đàn áp là sử dụng lực lượng công an, chó nghiệp vụ, hơi cay, lựu đạn đến. Như vậy họ đã chuẩn bị trước rất kỹ lưỡng cho việc phá hoại ở đấy rồi.

Trà Mi: Nhìn chung các bạn không đồng tình với cách giải quyết của nhà nước. Vậy theo các bạn, ngoài biện pháp mà nhà nước đã áp dụng như thế, có cách giải quyết nào ổn thỏa hơn để tránh những điều đáng tiếc như thế không?

Thúy: Theo em, nếu nhà nước có đầy đủ cơ sở, có bằng chứng và hồ sơ lý lịch của cái núi đó thì họ cần gọi tất cả giáo dân ra trình bày rồi hẳn phá. Lúc đó thì giáo dân phải nhất trí với văn bản của nhà nước thôi. Đằng này họ lại đi phá vào ban đêm, phá như thế chẳng khác nào là phá trộm, đi ăn trộm.

Trà Mi: Mời các bạn khác, các bạn có ý kiến nào khác không?

Trung: Theo em, phương pháp duy nhất là đối thoại. Chính quyền phải đối thoại với giáo dân để tìm ra phương cách hợp lý nhất vì luật pháp đất đai của Việt Nam chưa minh bạch, chưa hoàn thiện. Cho nên việc xử lý bất kỳ vụ đất đai nào chỉ dựa trên ý kiến chủ quan của một bên mà không đưa ra được những bằng chứng lịch sử của khu đất đấy, hoặc những giấy tờ hợp pháp để làm bằng chứng cụ thể.

Trà Mi: Ý Trung cho rằng ý kiến của bên giáo hội chưa được lắng nghe. Trong thời gian gần đây, đây là lần thứ ba trên địa bàn Hà Nội nổi lên những vụ tranh chấp giữa chính quyền với giáo hội công giáo liên quan tới đất đai. Theo các bạn, làm thế nào để vụ này không đẩy tình hình lên mức căng thẳng nóng hơn?

Trung: Cái đó phải phụ thuộc vào chính quyền thôi. Nếu họ cứ ra tay đàn áp giáo dân như trong thời gian vừa qua thì chắc chắn vụ này sẽ còn nóng hơn nữa.

Tạo: Theo em thì hình như vụ việc này không có lối thoát. Phía công giáo ở Việt Nam bị thiệt thòi nhiều vấn đề lắm. Chính quyền ở Việt Nam họ có quyền có thế trong tay nên họ muốn làm gì thì làm. Em nghĩ là phải có cơ quan nước ngoài nào đó can thiệp vào thật mạnh mẽ thì mới được chứ còn ở trong nước giáo dân công giáo Việt Nam chịu thiệt thòi nhiều nhưng không có cách nào để giải quyết được. Bởi lẽ chính quyền Việt Nam thường dùng võ lực để đàn áp giáo dân.

Trà Mi: Bạn nói công giáo chịu nhiều thiệt thòi, bạn có thể nói rõ hơn những thiệt thòi đó là gì trong khi phía nhà nước vẫn khẳng định rằng đã tạo mọi điều kiện tốt nhất?

Tạo: Một số vụ việc em biết như ở trong Trầm Cháy, cách giáo xứ Nghĩa Ải 15 cây số. Khi họ hành lễ thì bị chính quyền ở địa phương đó hạch sách, tìm đủ mọi cách ngăn cản không cho cha xứ vào làm lễ đâu ạ.

Trung: Chính quyền phải xem xét lại luật đất đai của nhà nước đi đã. Luật pháp mà không hoàn thiện thì hai bên rất khó làm việc. Chính quyền lại không hành xử theo đúng luật pháp nữa.

Trà Mi: Có người nào đó cho rằng đòi nhà nước sửa đổi luật lệ thì điều này không phải là một sớm một chiều, nhưng nếu có sự nhượng bộ từ phía giáo hội công giáo thì chắc là đã không xảy ra những vụ đáng tiếc đó. Các bạn nghĩ sao?

Trung: Chính quyền có quyền lực trong tay và họ muốn đàn áp tôn giáo nào thì họ đàn áp thôi. Ví dụ như vụ ở Tu viện Bát Nhã ở Bảo Lộc, Lâm Đồng.

Trà Mi: Sau những gì diễn ra và trước những diễn tiến mới nhất này, hy vọng về việc Việt Nam bang giao với Tòa thánh có bị ảnh hưởng gì chăng?

Tạo: Năm 2009 Chủ tịch Nguyễn Minh Triết sang thăm và làm việc với Tòa thánh Vatican. Sau đó ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, theo em là đầu sỏ trong vụ này, đàn áp giáo dân như thế thì chẳng khác nào là ngang nhiên dội một gáo nước lạnh. Một ông thì ra sức quan hệ, làm việc. Một ông thì đi cản phá, làm bức tường ngăn cản giữa nhà nước với giáo hội công giáo. Em chỉ mong làm sao họ quan tâm hơn đến mọi tôn giáo ở Việt Nam, có nhìn nhận đúng đắn về tôn giáo hơn, quyền tự do tôn giáo được mở rộng hơn.

Thúy: Em mong là cái quyền tự do tôn giáo ấy cần phải để cho người ta sử dụng. Nếu không có sự bất công thì giáo hội cũng không đòi làm gì cả.

Trung: Theo em, tự do tôn giáo là quyền chứ không phải là ân huệ xin-cho như lời Đức tổng giám mục Ngô Quang Kiệt đã nói. Nhà nước Việt Nam là nhà nước của dân, do dân, và vì dân phải hành xử theo đúng pháp luật và làm cho quyền tự do dân chủ, tự do tôn giáo, nhân quyền của người dân trong nước được tốt hơn chứ không phải là đàn áp người dân trong nước rất nhiều mà lại cuối đầu trước giặc ngoại xâm, điển hình là để cho Hoàng Sa-Trường Sa bị Trung Quốc lấn chiếm.

Trà Mi: Xin cảm ơn tất cả các bạn đã dành thời gian tham gia chương trình này.

Trà Mi cũng rất mong nhận được thư và được quý thính giả góp tiếng trong chương trình này tại địa chỉ email Vietnamese@VOANews.com. Các bạn nhớ để lại số phone để Trà Mi liên lạc mời tham gia nhé.

Tạp chí Thanh Niên sẽ mang đến quý vị và các bạn một câu chuyện khác vào tối thứ ba tuần sau. Trà Mi kính chào tạm biệt quý vị.