<!-- IMAGE -->
Hoa Kỳ, một trong số những quốc gia có di động tính cao nhất thế giới, và vì thế hệ thống giao thông của quốc gia này cũng không ngừng phát triển. Câu Chuyện Nước Mỹ hôm nay sẽ mang đến quý vị đôi nét về lịch sử hệ thống giao thông của Hoa Kỳ kể từ ngày lập quốc. Mời quý vị theo dõi Lan Phương trong câu chuyện của Jill Moss kể lại lịch sử của hệ thống giao thông đã giúp cho người dân nước Mỹ di chuyển dễ dàng.
Năm 1800, nhân dân Mỹ bầu ông Thomas Jefferson làm vị tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ. Tổng thống Jefferson luôn mang một ước mơ. Ông muốn khám phá ra một thủy lộ chạy từ Đại Tây Dương ở miền đông sang Thái Bình Dương ở miền tây. Ông muốn thành lập một hệ thống giao thương nối kết tất cả mọi người dân trên toàn quốc. Vào thời ấy nước Mỹ chưa trải rộng trên toàn lục địa như bây giờ.
Tổng thống Jefferson đề nghị một nhóm các nhà thám hiểm đi băng ngang qua lục địa Bắc Mỹ để dò tìm một thủy lộ như thế. Hai ông Meriwether Lewis và William Clark đã cầm đầu đoàn thám hiểm miền tây từ năm 1803 đến năm 1806. Họ khám phá rằng rặng Rocky Mountains đã ngăn cách lục địa Bắc Mỹ. Họ cũng không tìm ra được một thủy lộ nào chạy từ bờ biển Đại Tây Dương sang tận Thái Bình Dương.
Vì vậy Tổng thống Jefferson đã quyết định rằng một hệ thống giao thông khác sẽ nối kết thật hữu hiệu các cộng đồng dân cư Hoa Kỳ.
Vào khoảng giữa thế kỷ thứ 19, những con đường đất đã được đắp xong ở nhiều nơi trên toàn quốc. Việc sử dụng tàu chạy bằng hơi nước ngày càng phổ thông hơn. Tàu bè di chuyển trên hệ thống kênh đào giúp đẩy mạnh kinh tế tại các địa phương.
Hệ thống xe lửa của nước Mỹ cũng đã bắt đầu. Vào lúc đó, nhiều người Mỹ không tin là ngành xe lửa sẽ đem lại kết quả. Nhưng theo với thời gian, xe lửa đã trở thành phương tiện giao thông đường bộ được nhiều người sử dụng nhất tại Hoa Kỳ.
Xe lửa, vào thế kỷ thứ 19 ở nước Mỹ, không chỉ là một phương tiện giao thông, mà nó đã in sâu vào văn hóa cuả quốc gia. Những chuyến xe lửa, những tiếng còi tàu, đã len lỏi vào trong các tác phẩm của những văn hào như Ralph Waldo Emerson, Nathaniel Hawthorne và Walt Whitman, cũng giống như những chuyến xe lửa trong một số tác phẩm của các nhà văn Việt Nam thế kỷ thứ 20, đặc biệt như Thạch Lam chẳng hạn.
Năm 1876, nước Mỹ ăn mừng 100 năm lập quốc. Đến thời điểm này đã có nhiều phương tiện mới để cho dân chúng di chuyển dễ dàng hơn và nông sản, hàng hóa được chuyên chở từ nông trại đến các thị trấn và thành phố. Luồng thương mại, kinh doanh đã thay đổi. Đời sống người dân được cải thiện.
Trong 100 năm đầu tiên đó, hệ thống giao thông đã giúp hình thành nền kinh tế mới của quốc gia.
Các công nhân xây dựng hệ thống đường xe lửa đã hoàn tất công trình vào năm 1869. Các thị trấn và thành phố đã có thể phát triển ra xa các thủy lộ và vùng duyên hải. Nhưng để phát triển kinh tế, nhiều cộng đồng nhỏ phải đắp đường để nối với các tuyến xe lửa.
Hệ thống đường xe lửa đã giúp rất nhiều cho các ngành công nghiệp cũng như nông nghiệp. Các nông gia có một phương tiện mới đưa nông phẩm của họ như lúa mỳ và các loại mễ cốc khác đến các hải khẩu. Từ đó tàu bè sẽ chở sản phẩm của họ đi khắp nơi trên thế giới.
Xe lửa có những toa tàu đặc biệt chứa nước đá để giữ cho thịt, sữa và những mặt hàng khác được lạnh để có thể vượt qua những chặng đường dài trước khi tới được chợ búa để bán cho khách tiêu thụ.
Và đến lúc này thì người dân Mỹ đã có được rau cỏ và hoa quả tươi quanh năm suốt tháng. Những hoa màu, nông sản sản xuất ở địa phương có thể chở đi bán trên toàn quốc. Các nông gia thường thuê mướn những công nhân nhập cư từ Châu Á và Mexico để trồng trọt, gặt hái và đóng gói các thực phẩm sản xuất từ nông trại của họ.
Đến đầu thế kỷ thứ 20, các thành phố của Hoa Kỳ đã phát triển mạnh, và vì thế hệ thống giao thông công cộng cũng phát triển theo. Xe điện trở thành một phương tiện giao thông rất phổ thông cho dân chúng. Đây là những toa xe chạy trên đường sắt được xây chìm trên mặt đường trong các thành phố.
Tuy vậy, chẳng bao lâu người Mỹ đã bắt đầu lái xe hơi riêng của họ. Ông Nelson Jackson và người bạn, ông Sewall Crocker, được nhận vinh dự là những người đầu tiên đã lái xe hơi băng ngang nước Mỹ. Chuyến du hành bằng xe hơi được thực hiện năm 1903 và kéo dài trong 63 ngày. Đây là một cuộc hành trình đầy gian nan vì lúc đó chưa có mấy đường xá dành cho xe hơi.
Không những thế hai ông, cùng với con chó mang theo, còn gặp khó khăn với chiếc xe hơi và thời tiết nữa. Nhưng họ đã chứng tỏ được là lái xe băng ngang nước Mỹ hay trong những chặng đường dài là điều có thể thực hiện được. Chuyến đi cũng đã tiếp sức cho sự chú ý thích thú của công chúng vào ngành công nghệ chế tạo xe hơi.
Cho đến năm 1930, có hơn một nửa gia đình ở nước Mỹ sở hữu một chiếc xe hơi. Đối với nhiều người, chiếc xe hơi trở thành một nhu cầu chứ không chỉ là một thứ đồ chơi đắt giá nữa. Để đối phó với tình thế thay đổi, các nhà làm luật đã phải thông qua những luật lệ mới về giao thông và xây lại đường xá.
Có xe hơi thì cũng lại cần phải có những nơi tu sửa và tiếp nhiên liệu. Các cây xăng và những cửa hàng bán lốp xe, đồ phụ tùng và các nơi sửa xe bắt đầu xuất hiện.
Nhiều người lái xe để đi chơi, đi làm hay đi tìm việc. Hệ thống đường xa lộ thành hình, thể hiện tính độc lập và tự do của mọi người. Trong những năm của thập niên 1920 và 1930, con đường được sử dụng nhiều nhất là xa lộ 66. Xa lộ này chạy từ Chicago, bang Illinois đến thành phố Santa Monica, bang California bên bờ Thái Bình Dương. Xa lộ này được coi là "xa lộ nhân dân."
Văn hào John Steinbeck gọi xa lộ 66 là Con Đường Cái Quan trong cuốn "The Grapes of Wrath" (Chùm Nho Uất Hận). Hàng trăm ngàn người đã thực hiện các chuyến đi trên con đường này trong thời kỳ Đại Khủng Hoảng vào những năm của thập niên 1930. Họ xuất phát từ những nơi thuộc vùng trung tây của nước Mỹ, kéo về miền tây để tìm việc làm và để mưu cầu một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Năm 1946, danh ca Nat King Cole đã xuất hiện với ca khúc "Con Đường 66."
Thế chiến thứ Hai kết thúc năm 1945. Những người lính chiến trở về và xây dựng mái ấm gia đình. Những cơ sở buôn bán bắt đầu dọn ra ngoài rìa những thành phố nơi mà các khu ngoại ô được mở rộng. Hầu hết những gia đình sống trong những cộng đồng đó đều có xe hơi, xe đạp hay xe gắn máy để di chuyển. Rồi hệ thống xe buýt cũng trở thành phổ thông.
Sự kiện các cơ sở kinh doanh và cư dân dọn ra khỏi các trung tâm thành phố đã khiến cho việc kinh doanh, buôn bán ở nhiều khu vực turng tâm thành phố bị lao đao khốn đốn. Những người lãnh đạo thành phố đã đối phó bằng cách đề ra các dự án để trợ giúp cho việc phát triển trở lại.
Hệ thống xe điện ngầm cũng đã trở thành thông dụng trong thập niên 1950. Một số người lại có đủ khả năng tài chính để sử dụng hình thức giao thông mới nhất: đó là máy bay.
Nhưng đối với hầu hết những người lái xe, quãng đường dài vẫn còn là một điều gì đó khá khó khăn. Không có hệ thống xa lộ nối liền bang này với bang kia. Năm 1966, Quốc hội đã thông qua đạo luật có tên là Federal–Aid Highway Act (Đạo luật về hệ thống xa lộ được liên bang trợ giúp). Các kỹ sư công chính thiết kế một hệ thống đường xá dài 65 ngàn kilomét. Hệ thống xa lộ được thiết kế để người lái xe đến được mọi thành phố với dân số trên 100 ngàn người.
Những công trình chính yếu của hệ thống xa lộ liên bang đã được hoàn tất vào khoảng năm 1990, chi phí lên tới hơn 100 tỉ đô la. Hệ thống xa lộ này còn hữu dụng hơn là chỉ giúp cho người dân di chuyển dễ dàng từ bang này sang bang khác. Những xa lộ chằng chịt này đã giúp ngành chuyên chở bằng xe tải vươn lên.
Hệ thống giao thông, chuyên chở của Hoa Kỳ đã bắt đầu bằng ngựa và thuyền. Giờ đây thì nó bao gồm tất cả mọi phương tiện từ xe tải container đến máy bay, xe hơi và xe gắn máy. Thế nhưng hiểu theo nghĩa nào đó, hệ thống này đã trở thành nạn nhân của chính sự thành công của nó.
Nhiều khu vực thị tứ đã phải khốn khổ vì nạn kẹt xe do càng ngày càng có nhiều xe hơi chen chúc trên đường phố. Và nhiều người không chỉ lái xe hơi thường mà họ sử dụng những xe cộ cồng kềnh như loại xe thể thao cỡ lớn vượt mọi địa hình, xe tải nhỏ dùng cho cá nhân và loại xe minivan.
Đối với một số người khác thì xe hơi lai tạo là một giải đáp. Đây là loại xe chạy bằng cả xăng lẫn điện. Loại xe này tiết kiệm được năng lượng và lại giảm ô nhiễm. Nhưng ô nhiễm không phải là mối lo ngại duy nhất đối với mội trường. Giao thông dễ dàng có nghĩa là các khu dân cư ngày càng được mở rộng thêm, lấn chiếm những khu rừng núi thiên nhiên khiến cảnh quan thiên nhiên ngày càng mất dần đi.
Thế nhưng mỗi ngày người dân Mỹ vẫn phải trông cậy vào hệ thống giao thông để di chuyển và giữ cho nền kinh tế lớn nhất thế giới của họ tiếp tục luân lưu, chuyển vận, xoay vần.