Dân biểu Cao Quang Ánh: Tôi hãnh diện là người Việt

Dân biểu Cao Quang Ánh: Tôi hãnh diện là người Việt

Ông Joseph Cao (tức Cao Quang Ánh), dân biểu gốc Việt đầu tiên tại Hạ viện Hoa Kỳ, đã trở về Việt Nam vào thượng tuần tháng này, trong một chuyến đi báo chí địa phương nói là nhằm ‘thúc đẩy sự hiểu biết giữa cộng đồng người gốc Việt ở Hoa Kỳ với người dân ở quê nhà’. Tuy nhiên, trả lời báo chí hôm 13/1 ở thủ đô Washington, dân biểu Ánh cho biết rằng Hà Nội lúc đầu không muốn cấp visa cho ông, nhưng đã thay đổi sau khi ông chấp nhận một số điều kiện, như không gặp các nhà tranh đấu dân chủ Việt Nam. Trong chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ tuần này, mời quý vị theo dõi tường thuật của Nguyễn Trung về chuyến đi của dân biểu Cao Quang Ánh.

Chuyến đi đánh dấu lần đầu tiên ông Cao Quang Ánh trở lại Việt Nam với danh nghĩa một dân biểu Hoa Kỳ. Về chuyến công du này, ông Ánh cho biết ông cảm thấy ‘thoải mái’, dù phải chấp nhận một số điều kiện do Việt Nam đưa ra.

<!-- IMAGE -->

Ông Ánh nói: 'Lúc tôi tới Việt Nam thì nói chung tâm trạng của tôi rất vui vẻ vì tôi được về tới nước Việt của bố, mẹ, và là nơi tôi đã sinh sống trong tám năm đầu tiên. Tôi hãnh diện vì tôi là một người Việt. Và nói chung, lúc tôi ngồi xuống nói chuyện với những người trong chính quyền Việt Nam với tư cách là một dân biểu của chính phủ Mỹ, đó là một điều đặc biệt, và là một lợi thế tôi đã sử dụng để nói lên các vấn đề như tự do tôn giáo, và nhân quyền'.

Truyền thông Việt Nam cho hay, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn đã đón tiếp ông Ánh cùng hai dân biểu khác hôm 5/1, với nhận định rằng ‘chuyến thăm sẽ giúp thắt chặt mối quan hệ hai nước’.

Báo điện tử VietNamNet trích lời ông Sơn nói rằng ông ‘sẵn sàng trao đổi thẳng thắn về các vấn đề cùng quan tâm và còn bất đồng’ với dân biểu Hoa Kỳ gốc Việt.

Tại Washington, ông Ánh cho báo giới hải ngoại biết rằng mục đích chính của ông là ‘tìm hiểu về sự phát triển kinh tế cũng như là tự do tôn giáo, tự do nhân quyền ở trong nước’ để ‘biết đường hướng rõ ràng nhằm mang tới một sự thay đổi tốt cho người dân và xã hội Việt Nam’.

Nghị sĩ này cho hay: 'Tôi đã trao đổi các vấn đề từ Tam Tòa, Bát Nhã, Cha Nguyễn Văn Lý tới ông Lê Công Định trong các buổi họp nói chung mà không có báo chí tham dự. Trong tất cả các buổi họp, vấn đề tự do tôn giáo, tự do nhân quyền, tôi đều nêu ra với chính quyền Việt Nam để cho họ phải đáp lời trong những vấn đề đó. Trong những buổi họp này, họ không hứa hẹn gì. Nhưng nói chung, qua việc trao đổi, họ cũng cởi mở. Tôi không biết sự cởi mở này có thật tình hay là không. Nhưng đối với tôi, họ cũng có một sự cởi mở và muốn thay đổi. Vấn đề họ thay đổi nhanh chóng hay không, thì tôi không biết'.

Báo điện tử VietNamNet dẫn lời ông Ánh nói ở Hà Nội: ‘Có nhiều nguyện vọng của tôi nhiều lúc không đi song song với đường hướng của chính phủ Việt Nam nhưng tôi hy vọng chúng ta có thể tiếp tục làm việc với nhau’.

Cùng với các dân biểu quan tâm tới Việt Nam trong nhóm Vietnam Caucus, hơn một năm trên cương vị dân biểu, ông Ánh đã nhiều lần lên tiếng thúc giục Hà Nội tôn trọng nhân quyền, tự do Internet và ngôn luận. Dân biểu đảng Cộng hòa của tiểu bang Louisiana này từng kêu gọi đưa Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo.

Tuy nhiên, sau chuyến đi về Việt Nam, ông Ánh cho biết có một vấn đề khác cần phải được vận động mạnh hơn trong mối quan hệ bang giao giữa Hà Nội và Washington, đó là giáo dục: 'Đó là một vấn đề Việt Nam đã mời gọi chính phủ của Mỹ giúp họ. Tôi thấy rằng nếu chúng ta muốn mang tới một sự thay đổi mau lẹ ở trong xã hội, thì hệ thống giáo dục cần phải tốt hơn. Tôi thấy đó là một vấn đề mà chúng ta, nhất là tôi ở trong Quốc hội, có thể làm được. Ngoài ra, tôi cũng có nói chuyện với ông Đại sứ ở Việt Nam, Michael Michalak, làm sao làm giảm bớt các hạn chế để cho học sinh ở trong nước qua Mỹ học, và cần phải thay đổi các thủ tục cấp visa'.

Đại biểu Quốc hội Hoa Kỳ này nói thêm: 'Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta đưa nhiều các em học sinh ở trong nước ra hải ngoại học, các em lúc về nước có thể mang tới những suy nghĩ và kiến thức mới để làm sao giúp cho dân, giúp cho nước. Đó là vấn đề ai cũng muốn làm. Mặc dù chúng ta không thích chính quyền cộng sản, nhưng mọi người chúng ta ai cũng yêu nước, ai cũng yêu dân. Và trong lúc chúng ta tranh đấu cho dân chủ, tranh đấu cho nhân quyền cho Việt Nam, chúng ta cũng phải làm những vấn đề khác để làm sao giúp cho dân, giúp cho nước, chứ không phải chúng ta làm những hành động đẩy đất nước chúng ta vào tình trạng chậm tiến. Cho nên, nếu chúng ta mang những hệ thống giáo dục mới, mang những chương trình mới vào trong nước, cùng lúc chúng ta đòi hỏi về vấn đề tự do nhân quyền, dân chủ, đó là điều tốt'.

Được biết, thúc đẩy hợp tác giáo dục giữa Hoa Kỳ và Việt Nam cũng là một trong các ưu tiên hàng đầu mà Đại sứ Michael Michalak nêu ra trong nhiệm kỳ của ông.

Ngoài Việt Nam, ông Ánh cùng đoàn dân biểu Hoa Kỳ còn tới Nhật Bản, Lào và Campuchia. Dân biểu gốc Việt này cho biết ông đã tới thăm những người Hmong Lào mới hồi hương từ Thái Lan cũng như thảo luận về vấn đề căn cứ Hoa Kỳ trên đảo Okinawa của Nhật.

Hồi cuối năm 2008, ông Ánh trở thành đại biểu quốc hội gốc Việt đầu tiên tại Hạ viện Mỹ sau khi đánh bại một ứng viên phe Dân chủ.

Theo tiểu sử chính thức trên trang web của ông Cao Quang Ánh, dân biểu này là con trai của một sĩ quan thuộc Quân đội Việt Nam Cộng hòa, và ông di cư sang Hoa Kỳ lúc tám tuổi.