Cơ quan Hoa Kỳ phụ trách an ninh vận tải gọi tắt là TSA đã đưa ra những qui luật mới đòi hỏi nhân viên an ninh phải xét hành lý và cơ thể tất cả những hành khách đi từ hoặc đi qua 14 quốc gia liên hệ. Mục tiêu của các qui luật mới này là để phòng tránh những sự cố tương tự như đã xảy ra vào hôm lễ Giáng sinh với người Nigeria định làm nổ máy bay chở khách từ Amsterdam tới Detroit. Trong chương trình của Câu Lạc Bộ Báo Chí kỳ này, thông tín viên VOA Judith Latham nói chuyện với các ký giả và phân tích gia từ Pakistan, thế giới Ả Rập, và Hoa Kỳ về phản ứng đối với những biện pháp an ninh hàng không mới.
Biện pháp tăng cường kiểm tra sẽ được áp dụng với hành khách từ 14 nước, gồm Afghanistan , Algeria, Cuba, Li Băng, Libya, Iran, Iraq, Nigeria, Pakistan, Saudi Arabia, Somalia, Sudan, Syria và Yemen. Ngoài Cuba, 13 trong số 14 nước vừa kể là những nước có đa số dân theo Hồi giáo. Thêm nữa, tất cả hành khách tới Mỹ đều sẽ bị đặt dưới sự kiểm tra bất chợt và áp dụng các kỹ thuật kiểm tra tăng cường.
Ông Akbar Ahmed, cựu ký giả và nhà ngoại giao Pakistan nói các tin tức mới đã không được hoan nghênh cho lắm tại các nước vừa kể, trong đó có nước ông.
Ông Ahmed nói: “Đó là điều dễ hiểu, bởi vì đa số dân chúng các nước này là những người bình thường tuân thủ luật pháp, và họ không hề tự coi mình như quân khủng bố hoặc dính dáng đến khủng bố, và nhiều người còn tự thấy mình là nạn nhân của khủng bố. Tuy nhiên tôi hiểu được là chính quyền cần rất thận trọng trong vấn đề an ninh. Nhưng tôi cũng có kinh nghiệm tronglãnh vực này và biết rằng rất nhiều điều trong những biện pháp này gây bực mình cho mọi người và chẳng làm cho chúng ta an toàn hơn. Những gì họ làm chỉ gây bực tức cho mọi người và tự rước lấy thất bại."
Ông Ahmed hiện phục vụ với tư cách chủ tịch khoa Hồi giáo thuộc trường American University tại Washington, nói rằng chính ông cũng gặp rắc rối với các biện pháp an ninh. Ông thuật lại là khi ông cùng một đồng nghiệp khác là giáo sư Judah Perle cùng bay đến dự một hội nghị nhằm cải thiện mối cảm thông giữa người Do thái và người Hồi giáo, thì chính cái tên Hồi giáo của ông đã làm rung chuông báo động.
Ông Ahmed nói tiếp: “Tên tôi là Ahmed hay Mohammed, và tất cả những cái tên đó đều liên hệ với nhau bởi vì trong thế giới Hồi giáo có thể 20 hoặc 30% số nam giới đều có những cái tên đại để như vậy, và điều đó có nghĩa là những tên đó liên hệ đến tên của Đấng Tiên tri trong Hồi giáo. Cho nên, nhìn thấy tên tôi là họ nghi ngờ.”
Ông Imad-ad-Dean Ahmad, người Mỹ gốc Palestine, giám đốc Viện Minaret of Freedom đang giảng dạy tại trường Đại học Maryland. Ông cũng nói từng là nạn nhân của ngành an ninh phi trường.
Ông Ahmad cho biết: “Chính phủ Mỹ định dùng một sách lược chung đối với khái niệm hiểm họa gia tăng từ các du khách xuất phát từ 14 nước, mà không chú trọng phân biệt rõ ràng người xấu người tốt.”
Thực thế, Tổng thống Barack Obama nhìn nhận rằng các cơ quan tình báo Hoa Kỳ có đủ chứng cớ để ngăn chặn âm mưu gây nổ máy bay ngày 25 tháng 12, nhưng họ đã không hiểu được ý nghĩa các chứng cớ đó. Tổng thống ra lệnh duyệt xét lại sự kiện vì sao nghi can Umar Farouk Abdulmutallab đã có thể mang chất nổ lên máy bay bay tới Hoa Kỳ, thậm chí sau khi cha của anh ta đã cảnh báo giới chức tại tòa đại sứ Mỹ tại Abuja về những quan điểm quá khích của con trai ông.
Ông Imad-ad-Dean Ahmad nói thêm:“Trong trường hợp này, tôi nghĩ rằng phải có sự giả định là nguồn tin đáng tin cậy, bởi vì người cha của Abdulmutallab đã cất công đến tận tòa đại sứ Mỹ để trình báo. Nhưng mặt khác, chúng ta lại thấy có quá nhiều người bị đưa vào danh sách canh chừng, có vẻ như họ bị coi là nghi can khủng bố có tên trên những trang mạng bài Hồi giáo. Chính tôi cũng có vấn đề, không thể lấy vé lên máy bay trên mạng hoặc ngay tại những trạm tại phi trường, mà mỗi lần đều phải gặp một nhân viên.”
Bà Nadia Bilbassy, thông tín viên trưởng của Trung tâm Phát thanh Trung Đông, nói rằng mọi người trong thế giới Ả Rập đều coi những qui luật an ninh hàng không mới của Mỹ là đi ngược với thông điệp mà Tổng thống Obama gửi tới thế giới Hồi giáo tại Cairo, với những đề nghị cởi mở hơn, bắc thêm nhiều chiếc cầu hơn, và dành nhiều sự tôn trọng hơn cho thế giới Hồi giáo. Theo bà, đó là điều đáng buồn.
Bà Bilbassy cho biết: “An ninh là điều tối quan trọng đối với tất cả mọi người, người Mỹ, người không phải Mỹ, người Hồi giáo, người không phải Hồi giáo. Ai cũng muốn lên máy bay và biết chắc sẽ không có ai làm nổ chiếc máy bay đó. Vấn đề là bạn cần có một sự cân bằng tế nhị giữa cố gắng phát giác các phần tử cực đoan mà không làm tổn hại hay cách ly thêm nhiều người khác. Khó khăn ở chỗ là những cố gắng đó cần phải hợp lý đồng thời cần quan tâm đến rất nhiều vấn đề trong đó có quyền tự do dân sự và những mối nhạy cảm tôn giáo...”
Ông Imad Ahmad đồng ý là cần có sự cân bằng tế nhị giữa an ninh hàng không và bảo vệ các quyền dân sự của hành khách.
Ông Ahmad nói: “Chúng ta đều hiểu rằng khi người ta đi tới đất Mỹ, họ sẽ bị rà soát nghiêm trọng hơn là trên những chuyến bay nội địa. Tuy nhiên, tôi giữ vững lập trường rằng những sự rà soát đó cần phải chọn lựa cho đúng đối tượng, ít ra căn cứ trên một nghi vấn hợp lý, một lý do có thể. Và người ta phải có lý do khi đem một người vào danh sách bị canh chừng. Vấn đề chính là, mức độ khả tín của những lý do đưa người ta vào danh sách đó như thế nào? Khó mà tìm được đáp án cho câu hỏi đó. Khi bạn nhìn vào những vụ việc thực tế, khi mà người ta mưu toan cướp máy bay, chúng ta không thể nói rằng, quyết định rà soát kỹ lưỡng chỉ dựa trên quốc gia xuất xứ là một biện pháp hữu hiệu.”
Theo giáo sư Akbar Ahmed thuộc American University, những qui luật an ninh phi trường mới có thể có một số hậu quả tiêu cực đối với chính sách đối ngoại.
Ông Ahmed cho hay: “Tôi không biết chắc tất cả những chuyện này sẽ kết thúc ra sao. Tôi chỉ biết một điều tại Pakistan đã có dư luận là người Mỹ sẽ phải bị áp dụng những bước rà soát đó một khi họ tới Pakistan. Và báo chí cũng loan tin rằng có những người Mỹ bị từ khước chiếu khán nhập cảnh. Tất cả những điều này khiến tôi rất khó chịu, vì Pakistan và Hoa Kỳ tưởng đâu vẫn là những đồng minh thân thiết. Đầu tiên, đó là một vấn đề hiệu quả của trí tuệ con người, và tôi cho rằng chuyện đó cần được củng cố hơn nữa.”
Tổng thống Obama đã yêu cầu được nhận những khuyến cáo đặc biệt liên quan đến việc điều chỉnh những thất bại về tình báo. Ông cũng hứa sẽ thay đổi các nghi thức an ninh và rà soát, ông nói những vùng cấm bay trong nước cũng như danh sách canh chừng khủng bố đang được cập nhật.