<!-- IMAGE -->
Một trong những chủ đề kinh tế nóng được quan tâm nhiều vào dịp cuối năm 2009 là việc liệu nhà nước (NN) có thực hiện kết hối đối với các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) và doanh nghiệp nước ngoài (DNNN) hay không.
Kết hối được hiểu là việc NN buộc các doanh nghiệp phải bán lại ngoại tệ mà họ có cho các tổ chức tín dụng được phép họat động ngoại hối. Mục đích của chính sách này là nhằm tăng nguồn cung ứng ngoại tệ cho thị trường ngoại tệ ở Việt Nam.
Quan tâm này xuất phát từ chỗ cách đây không lâu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có văn bản số 2578/TTg-KTTH yêu cầu 7 tập đoàn, tổng công ty nhà nước bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng (TCTD). Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng vừa ký thông tư quy định các tập đoàn, các tổng công ty nhà nước, bao gồm cả các doanh nghiệp thành viên có vốn đầu tư nước ngoài dưới 50% phải bán lại các khoản ngoại tệ mà họ có trong tài khoản ngân hàng tại thời điểm ngày 31 tháng 12, 2009 và các nguồn thu ngoại tệ có được từ ngày 1 tháng 1 năm 2010.
Thông cáo báo chí của NHNN không nêu rõ các doanh nghiệp này phải bán lại toàn bộ số ngoại tệ mà họ có cho các TCTD hay chỉ phải bán một phần. Thông tư này cũng quy định các TCTD buộc phải bán ngoại tệ lại cho các DNNN này khi họ có nhu cầu hợp lý. Thế nhưng thông cáo báo chí của NHNN không nói rõ khi phải mua lại ngoại tệ, các DNNN có được mua với giá bằng với giá họ đã từng bán hay không.
Quyết định trên của Thủ tướng chính phủ và thông tư của NHNN chỉ nhắm vào các DNNN. Thế nhưng nó làm cho người ta nhớ lại chính sách kết hối mà VN đã áp dụng hồi năm 1998. Khi đó, không chỉ các DNNN mà mọi doanh nghiệp hoạt động ở VN đều phải thực hiện.
Việc nhà nước phải sử dụng chính sách kết hối phản ánh một thực tế là doanh nghiệp không muốn bán ngoại tệ mà họ có. Điều này chỉ có thể vì hai nguyên nhân: (1) tình trạng khan hiếm ngoại hối trên thị trường khiến các doanh nghiệp đang có ngoại hối không muốn bán vì lo ngại rằng (nếu bán đi rồi) thì khi họ cần lại không mua được, và (2) các doanh nghiệp tin rằng giá ngoại hối sẽ tăng lên, khiến cho việc bán ngoại hối tại thời điểm này là không khôn ngoan. Cả hai nguyên nhân đó đều phát sinh trên cơ sở mất cân đối trên thị trường (cầu vượt quá cung). Mất cân đối này đến từ chế độ quản lý tỷ giá mà NHNN đang áp dụng.
Thế nhưng có vẻ như NHNN cũng như Chính phủ (CP) tin rằng mất cân đối trên thị trường ngoại hối là do đầu cơ của các cá nhân và doanh nghiệp khiến tình trạng khan hiếm “ảo” ngoại tệ xuất hiện. Bằng cách ép những người đang giữ ngoại tệ phải bán ra và chặn đứng việc mua ngoại tệ với mục đích đầu cơ, NN có thể khai thông sự ách tắc trên thị trường và lập lại cân bằng cung – cầu.
Chính sách kết hối có thực sự hữu ích hay không? Có vẻ như trên thực tế thì nó giúp giải tỏa bớt sức ép trên thị trường ngoại tệ, nhưng mặt trái của nó là kết hối làm tăng thêm rủi ro cho các doanh nghiệp, thậm chí ở một mức độ nào đó nó gây thiệt hại về tài chính cho các doanh nghiệp này. Thí dụ, khi bị ép buộc bán ngoại tệ, các doanh nghiệp phải bán với giá thấp hơn, sau đó khi giá ngoại tệ tăng lên và họ có nhu cầu chính đáng phải dùng ngoại tệ thì lại không có quyền mua lại với giá họ đã từng bán ban đầu.
Nhìn lại khoảng hơn một thập kỷ trước thì có thể nói rằng chính sách kết hối và tấn công vào thị trường chợ đen đã đóng góp vào sự ổn định vĩ mô của Việt Nam hồi những năm 1998-1999 khi cả khu vực Đông và Đông Nam Á rơi vào khủng hoảng.
Thế nhưng trong thời gian đó, kinh tế Việt Nam lâm vào tình trạng hết sức hiểm nghèo khiến cho các giải pháp hành chính quyết liệt được dư luận thông cảm. Còn nhớ khi đó dự trữ ngoại hối của Việt Nam chưa tới 800 triệu USD trong khi đầu cơ ngoại tệ là kẻ thù số một trực tiếp châm ngòi cho sự sụp đổ kinh tế của các nước láng giềng.
Còn hiện nay, mặc dù thị trường ngoại hối đang có những căng thẳng nhất định, nhưng các yếu tố kinh tế nền tảng vẫn còn tương đối vững vàng. Vì thế, nếu buộc tất cả các doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài, thực hiện kết hối thì sẽ là một giải pháp hành chính “quá tay”, không cần thiết, và chắc chắn không được thị trường ủng hộ.