Các nhà nghiên cứu của Nam Triều Tiên hy vọng sẽ đưa vào thương mại sáng kiến gọi là bến cảng di động. Các nhà nghiên cứu muốn cho thế giới vừa có thêm chọn lựa về vận chuyển hàng hải, vừa giảm bớt khí thải carbon. Các nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến của Nam Triều Tiên cho rằng bất kỳ thành phố nào cũng có thể trở thành một thành phố bến cảng.
Viện trưởng Suh Nam-pyo cho biết ông nảy ra sáng kiến này khi đến Singapore:
“Khi tôi đến gần càng Singapore, tôi thấy có nhiều chiếc tàu chờ đợi để bốc dỡ, và tôi bảo thầm: Tại sao các tàu phải vào cảng, tại sao cảng không chịu chạy ra đón hàng vào?”
Các nhà nghiên cứu miêu tả cảng di động là một mạng lưới gọn nhẹ để bốc dỡ các tàu chở container, kể cả trường hợp mực nước quá cạn, tàu không thể cặp vào.
Các xà lan chở hàng được thiết kế đặc biệt sẽ được kéo ra gặp tàu để bốc dỡ các container kềnh càng. Xà lan có lợi điểm là không cần nước sâu và có thể len lỏi trên sông.
Khi về đến bờ, các xà lan lại bốc container lên những bến bãi cũng được thiết kế đặc biệt.
Nghe có vẻ dễ, nhưng kỹ sư Gwak Byung-man thừa nhận có những khó khăn kỹ thuật:
“Ở ngoài biển rộng, nước luôn luôn lắc lư, và nhất là đối với các tàu nhỏ, rất khó để bốc dỡ container một cách ổn định. Do đó, chúng tôi có hai thách thức lớn: Làm thế nào ổn định các xà lan trước các con sóng? Và kế đến là làm thế nào bình ổn thiết bị bốc dỡ trên xà lan?”
Tại khu triển lãm của viện nghiên cứu này, người ta có thể thấy rõ vấn đề bình ổn, giữ thăng bằng đã ám ảnh dự án này như thế nào. Tại đây, khách có thể thấy những con ròng rọc, những cái trục, những ống nhún ghi lại các nỗ lực của các nhà nghiên cứu nhằm đối phó với các ngọn sóng.
Thế nhưng ông Ahn Choong Sung, Giám đốc công ty định tung bến cảng di động ra thị trường nói rằng sự thành công của nó không phải là chuyện xa vời.
Ông nói sẽ bán sản phẩm này cho những quốc gia đang phát triển nào không có cảng nước sâu, hoặc không có đủ ngân sách để xây cảng. Nếu có cảng di động, nhiều thành phố có thể giảm được chi phí chuyên chở hàng từ những cảng lớn.
Ông nói tiếp: “Nếu có cảng di động, chúng ta có thể trực tiếp mang hàng đến nhiều chỗ. Cảng di động sẽ giúp mở rộng thị trường vận chuyển container, đồng thời còn bảo vệ môi trường, bởi vì nếu chở hàng bằng xe tải, ta sẽ làm ô nhiễm không khí, và gây trở ngại giao thông.”
Các nhà thiết kế bến cảng di động còn cho rằng phương tiện này còn giúp nỗ lực chống khủng bố vì nó sẽ giữ cho những container có dấu những chất nguy hiểm ở xa khu vực có đông dân cư.
<!-- IMAGE -->