<!-- IMAGE -->
Khả năng Chính phủ Việt Nam (CPVN) áp đặt quản lý giá cả trên một danh mục lớn các mặt hàng bất kể nguồn sản xuất là doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tư nhân (DNTN) hay doanh nghiệp có vốn nước ngoài (DNVNN) đang khiến nhiều người lo ngại. Thí dụ, Phòng thương mại Âu châu ở Việt Nam (EuroCham) đã 2 lần gửi thư lên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ sự lo ngại đặc biệt đối với dự thảo mới về quản lý giá cả mà bộ Thương mại đang xây dựng.
Tờ Wall Street Journal hồi cuối tháng 12 vừa rồi đã đăng bài của James Hookway, lập luận rằng tăng cường quản lý giá cả là bước đi có tính toán của CPVN nhằm kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, James Hookway cho rằng đây là một bước thụt lùi nghiêm trọng, đánh dấu sự nổi lên của các thế lực bảo thủ trong bộ máy Đảng - Nhà nước trước sự mờ nhạt dần đi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – người được James Hookway mô tả là có đầu óc cải cách. Theo James, cùng với việc thiết chặt quản lý xã hội như khống chế blogs, bỏ tù bất đồng chính kiến, và cấm phản biện, việc tăng cường quản lý giá cho thấy quá trình cải cách ở VN đang bị đẩy lùi.
Vậy quản lý giá cả là gì? Và ảnh hưởng của nó như thế nào đối với nền kinh tế?
Quản lý giá cả (price control) thường được hiểu là việc nhà nước đặt ra một số ràng buộc đối với doanh nghiệp trong việc xác định mức giá bán hàng hóa. Ở mức cực đoan nhất, nhà nước ấn định mức giá thay cho doanh nghiệp (thí dụ như giá cả hàng hóa thời bao cấp). Ở mức độ linh hoạt hơn, nhà nước có thể xác định mức giá trần (thí dụ giá trần của vé máy bay ở VN do Bộ Tài chính xác định) hoặc ấn định mức lợi tức cao nhất mà doanh nghiệp được phép có (margin control). Ở hình thức thứ 3 này, nhà nước dựa vào báo cáo của doanh nghiệp về chi phí sản xuất để xác định mức “giá thành”. Từ đó, nhà nước đặt điều kiện cho doanh nghiệp không được tính giá cao hơn mức giá thành cộng với một tỉ lệ lợi tức hợp pháp.
Nhìn chung, quản lý giá cả làm cho các quy luật kinh tế bị biến dạng. Doanh nghiệp có ít động cơ để cung ứng, vì thế có thể gây khan hiếm trên thị trường. Mặt khác, nó cũng làm méo mó việc phân bổ nguồn lực kinh tế nói chung. Thời bao cấp ở Việt Nam đã cho thấy sức tàn phá nghiêm trọng của biện pháp kiểm soát giá cả ngặt nghèo.
Từ khi mở cửa tới nay, kinh tế Việt Nam đã từng bước được cải cách theo hướng tự do hóa. Một trong những thành phần quan trọng nhất của định hướng thị trường là bãi bỏ kiểm soát giá cả - theo đó nhà nước để mặc các doanh nghiệp tự hạch toán kinh doanh.
Có lẽ vì thế mà Wall Street Journal – một tờ báo thi thoảng vẫn bị chế giễu là ngả theo trường phái kinh tế thị trường tự do một cách quá đáng tới mức ngốc ngếch - đã dựa vào việc đẩy mạnh kiểm soát giá như là một bằng chứng cho rằng các thế lực bảo thủ ở VN đang đảo ngược quá trình cải cách.
Thế nhưng đúng như tờ Wall Street Journal bình luận, kiểm soát giá cả ở VN nên được hiểu trong bối cảnh sức ép lạm phát quá lớn từ vài năm trở lại đây. Đứng trước nguy cơ bất ổn nghiêm trọng về xã hội do lạm phát gây ra, CPVN đã tìm mọi cách để ghìm cương con ngựa này. Đầu tiên là siết chặt quản lý kinh doanh tín dụng của ngân hàng (thí dụ như nâng mức dự trữ bắt buộc, đặt ra hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm) và nâng lãi suất cơ bản. Bước tiếp theo mà CPVN đã thực hiện là trợ cấp cho một số mặt hàng như xăng dầu để giữ giá trong nước ổn định (trong khi giá xăng dầu quốc tế tăng đột biến).
Từ cuối năm 2008, Bộ Tài chính (BTC) đã đi xa hơn nữa bằng cách xây dựng một danh mục 15 mặt hàng thuộc diện phải quản lý giá. Theo thông tư số 104 của BTC, danh mục 15 mặt hàng này bao gồm xăng dầu, xi măng và thép xây dựng, khí hóa lỏng, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, muối, sữa, đường ăn, thóc lúa, gạo tẻ thường, thuốc y tế cho người, cước vận chuyển, thức ăn chăn nuôi gia súc, và các mặt hàng do UBND cấp tỉnh quy định. Các doanh nghiệp thuộc diện bị quản lý giá là các DNNN và DN có vốn đầu tư nước ngoài trong đó nhà nước nắm đa số cổ phiếu (trên 50%).
Không có ai phàn nàn gì về việc nhà nước bù lỗ để giữ giá xăng dầu, hoặc áp đặt quản lý giá đối với các DNNN. Việc áp đặt các quy định hành chính đối với hoạt động của DNNN vốn được coi là bình thường.
Thế nhưng rõ ràng là hiệu quả của thông tư vừa kể không đi đến đâu. Với các thị trường mà khu vực tư nhân và nước ngoài thống trị như trường hợp thị trường sữa nhập khẩu thì việc quản lý giá của các DNNN tham gia các thị trường này rõ ràng không có tác dụng gì tới mức giá cả trên thị trường. Chính vì thế BTC mới có tham vọng sửa đổi thông tư này để đưa các DNTN và DNVNN vào diện bị quản lý. Việc này đương nhiên làm khối DNTN và DNVNN không vui. Phản ứng của EuroCham là một thí dụ.
Khi đưa ra đề xuất mới này, có vẻ như cơ sở mà BTC dựa vào là (1) các thị trường thiết yếu này không thực sự cạnh tranh (competitive), và (2) có dấu hiệu cho thấy trong nhiều trường hợp các doanh nghiệp đã thao túng giá. Thí dụ khi chi phí nhập khẩu thành phẩm không tăng, nhưng các doanh nghiệp vẫn đồng loạt tăng giá sữa bột bán ở VN.
Trái lại, những tổ chức như EuroCham thì lại lập luận rằng các thị trường (mà VN muốn áp đặt quản lý giá) thực ra là các thị trường hết sức cạnh tranh. Trên một thị trường có sức ép cạnh tranh lớn, doanh nghiệp không thể tùy tiện nâng giá bán. Nói cách khác, chuyện thao túng giá là không khả thi. Trong một môi trường như vậy, không nên kiểm soát giá.
Điều mà EuroCham không nói đến là ngay cả khi thị trường không thực sự cạnh tranh (not competitive), hoặc khi có dấu hiệu cho thấy trong nhiều trường hợp các doanh nghiệp đã thao túng giá thì NN cũng không thể “chữa” bằng cách quản lý giá. Thay vào đó, NN cần phải ráo riết áp dụng Luật Cạnh tranh, thường xuyên điều tra các họat động cấu kết giữa các doanh nghiệp nói riêng, và cạnh tranh không lành mạnh nói chung để bảo đảm mức giá cả phản ánh thực chất sức ép cạnh tranh trên thị trường.
Áp dụng quản lý giá ồ ạt trên hàng lọat thị trường sẽ làm bộ máy hành chính của BTC phải phình to để có đủ khả năng quản lý giá cả trên diện rộng, và các doanh nghiệp phải làm thêm công việc thường xuyên báo cáo cấu trúc chi phí và giá cả. Điều này gây tổn phí nguồn lực cho cả hai bên. Thêm vào đó, quản lý giá bằng giá trần sẽ quá hà khắc và có thể gây ra tình trạng khan hiếm giả tạo, trong khi quản lý giá bằng giá thành thì lại thường không có tác dụng hạ thấp giá bán. Trong trường hợp quản lý thông qua giá thành, các doanh nghiệp luôn “thông minh” hơn NN trong việc làm phình to giá thành, và qua đó, đẩy giá bán lên cao.
Tóm lại, có thể hiểu được là trong điều kiện phải chống lạm phát bằng mọi giá, CPVN đã phải cầu cứu tới các biện pháp hành chính “nặng tay” như quản lý giá. Điều này có vẻ như là một dấu hiệu của sự bế tắc hay tuyệt vọng về chính sách hơn là một nỗ lực với chủ đích là nhằm đẩy lùi cải cách. James Hookway của Wall Street Journal có vẻ như đã phiến diện khi coi đây là một tín hiệu của phe bảo thủ đang thắng thế.
Về chuyện quản lý giá nên hay không, câu trả lời là không. Tuy nhiên, NN cũng không nên tin tưởng vào các tổ chức lobbyists như EuroCham khi họ tuyên bố rằng các thị trường ở VN đã rất cạnh tranh và NN không cần phải can thiệp. Theo tôi, nhà nước rất cần và thường xuyên phải can thiệp, nhưng không phải bằng cách quản lý giá, mà bằng cách sử dụng Luật về cạnh tranh để chống lại các hành vi cấu kết và thao túng giá cả trên thị trường.