Nhằm thay đổi thành kiến của người tiêu dùng khi nhìn thấy hàng chữ “Made In China” (Làm tại Trung Quốc), bộ Thương mại Trung Quốc đang hợp tác với các công ty trong nước mở một chiến dịch quảng cáo để tìm cách thay đổi tư duy của khách hàng.
Chiến dịch mang tên “Made In China, Made with the World” (Làm tại Trung Quốc, Làm cùng Thế giới), nhằm cho thế giới thấy sản phẩm làm tại Trung Quốc đồng nghĩa với sản phẩm có chất lượng.
Trước đây đã xảy ra những vụ tai tiếng về sữa bột có chất độc, đồ chơi trẻ em có nhiều chất chì, và thức ăn cho chó mèo cũng có chất độc. Khi nói đến hàng Trung Quốc, người ta thường nghĩ trong đầu hàng rẻ, sản xuất không tốn kém, và chất lượng không bảo đảm.
Quảng cáo truyền hình dài 30 giây định thay đổi thành kiến đó. Quảng cáo cho thấy hàng Trung Quốc được làm chung với nhiều đối tác trên khắp thế giới.
Ông Tapio Christiansen, Tư vấn truyền thông quốc tế, đã làm việc với nhiều công ty Trung Quốc.
Ông nói: “Quảng cáo này là cần thiết sau khi sữa có chất melamine sản xuất tại Trung Quốc khiến ít nhất 6 trẻ em thiệt mạng và hàng trăm em khác nhiễm bệnh. Tôi cho rằng quảng cào này khá tốt để có thể đánh tan các nhận thức của một số người phương Tây về hàng hóa của Trung Quốc”.
Nhưng ông Johny Johansson, Giáo sư môn thương mại lại nghĩ khác.
Giáo sư Johansson nói: “Quảng cáo này có tính cách biện minh. Ý họ muốn nói nếu hàng chúng tôi có dở thì đừng đổ tội chúng tôi bởi vì chúng tôi hợp tác với nhiều tên tuổi quốc tế khác. Khi họ nói ‘Làm tại Trung Quốc, Làm cùng Thế giới’ họ muốn nói nếu các bạn chê chúng tôi thì coi như các bạn cũng chê những người khác”.
Trong những năm vừa qua, các công ty Trung Quốc đã mua lại các thương hiệu danh tiếng của Mỹ, trong đó có mảng chế tạo máy tính cá nhân của của IBM, hiệu xe Hummer của General Motors.
Ông Johansson so sánh sự phát triển của Trung Quốc với sự phát triển của Nhật Bản trong thập niên 1950.
Ông nhận xét: “Các hiệu ôtô của Nhật lúc đầu rất kém. Nhưng người Nhật rất kiên nhẫn. Họ cải tiến từ từ vì biết chuyện này không thể làm nhanh được, còn Trung Quốc muốn làm bước nhảy vọt”.
Nhưng ông Christiansen nói rằng các công nghệ mới cho phép Trung Quốc làm những gì mà các nước khác trước đây không làm được.
Ông nói: “Ta có thể làm bước nhảy vọt vì khung cảnh hiện nay khác xa so với thập niên 1950. Chúng ta có thể nhận thông tin một cách nhanh chóng, chúng ta có thể tạo ra cái mới trong thời gian ngắn. Hàng hóa của Trung Quốc quả có tiến về mặt chất lượng, nhiều công ty lớn tin tưởng khi giao thương hiệu của họ cho các nhà sản xuất Trung Quốc”.
Vẫn theo ông Christiansen, Trung Quốc cần chuyển biến từ một địa điểm sản xuất thành phẩm sang một địa điểm phát minh, sáng chế.