<!-- IMAGE -->
Ngoài kia tuyết rơi đầy
Sao em không đến thăm anh chiều nay
Ngoài kia tuyết rơi rơi
…
Nhạc phẩm ‘Tombe La Neige’ với giọng hát của Billy Shane và Duy Quang đã làm tôi nhớ lại cuối tuần vừa qua khi cả một vùng trời Washington DC tràn ngập một màu trắng xóa của tuyết. Và đầy tuyết.
Tuyết đã bắt đầu rơi rụng từ đêm tối thứ sáu và sang đến sáng thứ bảy, trưa thứ bảy, chiều thứ bảy tuyết vẫn trút đổ từng cơn như thể chưa bao giờ. Tuyết đã phủ lấp vạn vật. Đóng băng những đường rầy xe lửa. Làm tê liệt toàn bộ hệ thống giao thông. Phố xá im lìm. Phi trường đóng cửa làm cho chuyến bay dự định đến Denver của tôi cũng bị hủy bỏ.
Và hàng trăm ngàn người khác cũng cùng bị ảnh hưởng trong ngày nghỉ cuối cùng trước lễ Giáng Sinh.
Nhưng cũng nhờ thế mà bỗng nhiên tôi có một ngày ở không, chẳng phải làm gì. Phải thú thật là ít khi tôi có được diễm phúc này. Không hẳn vì tôi lúc nào cũng bận rộn bù đầu. Mà chính là vì bản tính cố hữu của tôi lúc nào cũng thích sắp xếp công việc trước để dễ lo liệu. Nếu như hôm nay tôi cần phải làm điều này thì hôm sau chắc chắn tôi sẽ có kế hoạch để hoàn tất một công việc khác. Kể cả việc đi chơi. Hay đi tập thể dục.
Tôi ít khi rảnh không có gì để làm là do thế. Hoặc phải là do ý trời như hôm thứ bảy cuối tuần vừa qua.
Để rồi cũng nhờ vậy mà tôi có thời gian để suy ngẫm mông lung về con người và cuộc sống. Về ý nghĩa của sự hiện hữu trong thế gian của tất cả chúng ta. Tại sao chúng ta được cho ra đời? Và chúng ta cần làm gì để lại cho đời trước lúc ra đi?
Hôm nọ tôi có dịp phỏng vấn Giáo Sư Trịnh Xuân Thuận là một trong những nhà thiên văn học nổi tiếng nhất thế giới hiện đang là Professor ở Đại Học Virginia cách Washington DC khoảng 3 giờ lái xe. Ông là chủ nhân của trên 10 quyển sách được viết về vũ trụ và thiên hà và những quyển sách này đã được dịch ra trên 20 thứ tiếng khác. Vừa qua ông đã được cơ quan Liên Hiệp Quốc UNESCO tặng giải thưởng cao quý Kalinga như là một lời cảm ơn đối với những đóng góp to lớn của ông trong ngành thiên văn học.
Khi chúng tôi nói chuyện về những khảo cứu của ông, trong hoàn cảnh nào mà mặt trời, trái đất và giải ngân hà trong vũ trụ của chúng ta ra đời thì ông đã bảo đấy cuối cùng chỉ có thể nói đó thật là một sự kỳ diệu. Nó đã được tạo dựng từ vô hình, từ những phần tử atom nhỏ bé nhất trong vũ trụ và sau hằng triệu triệu năm sau, đã có những biến đổi không ngừng để tạo dựng ra những gì mà chúng ta biết được hôm nay. Và những gì chúng ta vẫn chưa thấu hiểu.
Ông bảo điều mà chúng ta biết và cần ghi nhớ là trái đất và tất cả những gì đang hiện hữu trước mắt chúng ta sẽ chắc chắn không tồn tại mãi mãi. Nó sẽ biến đổi, có thể trở thành một vật thể khác. Và con người có thể cũng sẽ phải biến đổi để trở thành một thực thể khác. Ở trái đất hay ở một nơi nào khác để tồn tại.
Hoặc cũng có thể sẽ bị hủy diệt hoàn toàn trong tương lai.
Ít khi tôi có dịp để suy ngẫm về những điều gần như là thần thoại này. Nhưng cũng nhờ vào cơn bão tuyết vừa qua mà tôi đã có chút thời gian lắng đọng để suy ngẫm về ý nghĩa của cuộc sống và những gì chúng ta cần phải để lại cho đời trước khi trở về với cát bụi.
Tưởng là đời còn dài nhưng thật ra nó rất ngắn ngủi bạn ạ.