Cải tổ y tế 

Chăm sóc sức khỏe

<!-- IMAGE -->

Thật tình mà nói tôi không có ý định viết về vấn đề này. Nhưng mấy hôm nay ngày nào bật ti vi lên ở nhà hoặc lên mạng đọc báo tôi cũng ‘bị’ nghe về nó nên cuối cùng, lực bất tòng tâm, nó đã len lỏi vào người mình lúc nào không hay. Và cuối cùng không muốn quan tâm nó cũng đã nghiễm nhiên trở thành một vấn đề mình phải quan tâm. Rõ là đẹp trai không bằng chai mặt như mẹ tôi thường nói.

Thoạt đầu tôi không cảm thấy quan tâm về vấn đề này vì tôi thật sự không hiểu tại sao một vấn đề quá đơn giản như vậy lại cần phải đem ra bàn cãi. Lớn lên ở Úc nơi mọi người được chính phủ bảo hiểm y tế qua chương trình Medicare được áp dụng ở tất cả mọi nơi, từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ tôi phải trả tiền để đi bác sĩ hoặc trả tiền bảo hiểm y tế mỗi tháng, nên tôi cho việc chính phủ đài thọ cho việc chăm sóc y tế là lẽ đương nhiên. Không có chi để bàn cãi. Những ai đi làm thì phải đóng một số tiền thuế nhỏ cho chương trình công lập này. Để xã hội được công bằng hơn. Ai bệnh hoạn cũng được lo liệu, cứu chữa. Còn gì tốt bằng?

Nhưng không. Tôi đã lầm. Lại một lần nữa tôi đã lầm từ khi quyết định sang định cư ở Mỹ. Nếu như có những vấn đề tôi cho là cần được bàn cãi, cần được mọi người để tâm hơn – như việc vẫn còn có án tử hình ở Mỹ chẳng hạn – thì hình như lại không có nhiều người hưởng ứng. Đối với họ việc nhân danh xã hội và trật tự để cướp đi mạng sống của một người khác là chuyện OK, hết sức bình thường theo thông lệ mắt trả mắt, răng trả răng.

Ngay cả khi điều ấy chẳng bao giờ làm cho tội ác xảy ra ít hơn!

Và ngược lại có những vấn đề tôi thấy quá dễ hiểu, quá bình thường thì đa số dân Mỹ lại cho là có vấn đề. Như dự luật cải tổ hệ thống chăm sóc y tế hiện đang được Thượng Viện Mỹ cân nhắc. Không có ít các ngài Thượng Nghị Sĩ tuyên bố là nếu như dự luật này bao gồm điều khoản cho phép thành lập một chương trình bảo hiểm riêng của chính phủ thì họ sẽ chắc chắn bỏ phiếu chống.

Thế là thế nào? Tại sao không cho mọi người dân có thêm một sự lựa chọn? Ai không thích chọn bảo hiểm công thì có thể chọn bảo hiểm tư. Và ngược lại. Một vấn đề quá đơn giản, phải không?

Rất tiếc câu trả lời ở Mỹ lại là không. Nó không đơn giản như tôi nghĩ. Vì ngoài những sự khác biệt về tư tưởng và văn hóa giữa xã hội Úc và Mỹ, nó còn có những sự khác biệt lớn lao khác. Từ con số dân số lớn hơn những 15 lần cho đến hệ thống chính trị và đặc biệt là kỹ nghệ vận động hành lang của những tập đoàn bảo hiểm lớn nhất.

Tôi đã không nhận thức được những điều này mãi cho đến khi tôi có dịp sang Mỹ để vận động cho nhóm thuyền nhân Việt Nam ở Phi Luật Tân. Nếu như ở Úc kỹ nghệ vận động hành lang chỉ là những hoạt động rời rạc không có một hệ thống hẳn hoi thì ngược lại ở Mỹ đây lại một trong những nghề được trọng dụng nhất trên ngọn đồi Capitol.

Và đối với những cơ quan tôn giáo, xã hội lớn ở Mỹ thì họ có luôn văn phòng được đặt ngay bên cạnh Quốc Hội. Còn nhớ vào những năm 2002, 2003 khi tôi sang Mỹ lần đầu tiên để vận động tôi đã xin được vào xài ké một văn phòng của tổ chức tôn giáo Church World Service nằm ngay sau lưng tòa nhà Quốc Hội. Bước ra khỏi cửa quẹo phải là sẽ vào Thượng Viện. Và quẹo trái là sẽ vào Hạ Viện.

Tôi cho đấy là một kỹ nghệ âu cũng không phải là quá lời.

Cũng bởi những lý do trên, vì sự giằng co giữa nhiều thế lực khác nhau, và tiếng nói của mọi người luôn được lắng nghe nên những vấn đề đơn giản đã trở nên không đơn giản. Nó là một điểm yếu trong xã hội Mỹ. Nhưng cùng một lúc cũng chính nhờ vào thực trạng này mà nước Mỹ luôn được thay đổi, luôn được tự mình làm mới mình và nhờ vậy xã hội ngày càng được công bằng, văn minh, tự do hơn.

Có thể họ sẽ không bao giờ đạt được sự hoàn hảo trong mọi mặt. Nhưng tôi tin rằng dân tộc và đất nước Mỹ sẽ luôn hướng đến những gì hoàn hảo nhất. Chính nhờ vào truyền thống thật sự rất dân chủ này của họ.