Việt Nam đã truy tố Luật sư Lê Công Định và một số nhân vật bất đồng chính kiến khác với tội danh hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, đây là một cáo trạng nặng hơn so với cáo trạng hồi tháng Sáu và có thể dẫn đến bản án tử hình.
Theo bản tin hôm thứ Tư của hãng thông tấn AP, luật sư Định có phần chắc sẽ bị đưa ra xét xử trong vòng hai tuần tới cùng với anh Nguyễn Tiến Trung, ông Trần Huỳnh Duy Thức và ông Lê Thăng Long.
Theo báo Thanh Niên, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an trước đó đã khởi tố điều tra họ về tội "tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam", cáo trạng này có mức án tối đa là 20 năm tù giam. Tuy nhiên sau đó cơ quan này đã thay đổi quyết định, khởi tố họ về tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân".
Một bị cáo khác là ông Trần Anh Kim cũng sẽ bị xét xử riêng tại tòa án ở Thái Bình.
Cũng theo báo Thanh Niên thì bản cáo trạng kết luận, đây là vụ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia.
Báo này cũng trích dẫn bản cáo trạng nói rằng hoạt động phạm tội của các bị can có tổ chức chặt chẽ, phân công nhiệm vụ cụ thể, móc nối, câu kết với các tổ chức phản động người Việt lưu vong và các thế lực thù địch để tập hợp lực lượng, hình thành tổ chức chính trị phản động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân bằng phương thức "bất bạo động", thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình" chống cách mạng Việt Nam.
Luật sư Định cũng bị cáo buộc tham gia vào một khóa huấn luyện về đấu tranh bất bạo động của Tổ chức Việt Tân, là tổ chức mà Việt Nam coi là một tổ chức khủng bố trong khi Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội cho rằng không có bằng chứng để kết luận Việt Tân là một tổ chức khủng bố.
Luật sư Lê Công Định đã từng đi du học tại trường đại học Tulane ở Hoa Kỳ theo chương trình học bổng của Fullbright và đã từng là phó chủ tịch đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.
Vào năm 2007, với tư cách là luật sư biện hộ, luật sư Định đã mạnh mẽ lên tiếng bảo vệ quyền tự do ngôn luận trong phiên tòa xét xử hai luật sư nhân quyền khác là ông Nguyễn Văn Đài và bà Lê Thị Công Nhân về tội tuyên truyền chống phá nhà nước.
Hoa Kỳ và Liên hiệp Âu Châu đã kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho luật sư Định, trong khi các tổ chức nhân quyền khác cũng đã lên án vụ bắt giữ ông.
Nguồn: AP, Financial Times
<!-- IMAGE -->