Các kinh tế gia tiên liệu một năm 2010 với tình hình tài chánh khởi sắc hơn so với năm cũ. Nhưng họ cũng cảnh báo rằng sự hồi phục kinh tế hãy còn bấp bênh, và sẽ không nằm trong sự lèo lái của các nước công nghiệp tiên tiến trên thế giới. Từ Washington,Thông tín viên Michael Bowman của VOA tường trình như sau:
Năm 2009 đã khởi sự với nền kinh tế toàn cầu bị tê liệt do tác động của tín dụng suy sụp trên khắp thế giới, cộng thêm tác hại của một loạt làm ăn thất bại từ phía các ngân hàng và các định chế tài chánh.
Ngoài ra thái độ hốt hoảng và bi quan về phía người tiêu dùng và những nhà đầu tư từ Wall Street tới Tokyo càng làm cho tình trạng suy thoái nghiêm trọng thêm.
Để đối phó, các ngân hàng trung ương và các chính phủ đã thực hiện những biện pháp tài trợ ào ạt, triển khai các chương trình cứu nguy tài chính và các chương trình kích thích kinh tế, nhưng thành công trong việc chế ngự cuộc khủng hoảng vẫn chưa được bảo đảm.
Nhiều ngày trước khi nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ, Ông Barack Obama đã cảnh báo về những hiểm họa đang chờ đợi phía trước.
Ông Obama nói: "Nói ngắn gọn, một tình hình xấu có thể trở nên tệ hại khủng khiếp."
Sản lượng kinh tế dự kiến sẽ hạ giảm 1,1% trong năm 2009, tiếp theo mức tăng trưởng 5% trong năm 2007 và 3% trong năm 2008.
Năm sắp trôi qua đã chứng kiến nạn thất nghiệp tăng vọt, với đỉnh cao 10,2% tại Hoa Kỳ, 9,8% tại châu Âu, 9% tại Brazil và 5,7% tại Nhật.
Nhưng theo Bộ trưởng Tài chánh Hoa Kỳ Timothy Geithner thì tình hình sắp xoay chiều.
Ông Geithner tuyên bố: "Nền kinh tế Hoa Kỳ cũng như kinh tế thế giới đang tăng trưởng trở lại. Các doanh nghiệp đã khởi sự tái đầu tư, giới tiêu dùng bắt đầu chi tiền, niềm tin của các doanh nghiệp và người tiêu dùng đã khá hơn, mậu dịch thế giới đang mở rộng với tiến độ đáng khích lệ."
Tuy nhiên, các phân tích gia cảnh báo rằng hiểm họa vẫn còn đó, và những công cuộc cải tổ cấp thiết tại Mỹ cũng như những nơi khác vẫn chưa được thực thi.
Ông Mark Zandi là kinh tế gia trưởng thuộc tổ chức Moody's Economy
Ông nói: "Như quí vị thấy, những người làm chính sách đã đưa ra nhiều biện pháp để ổn định hệ thống tài chánh, nhưng họ chưa thay đổi sậu rộng từ cơ bản. Và chừng nào chưa thực hiện được thay đổi này, hiểm họa về một cơn hoảng loạn tài chánh khác trong tương lai hãy còn rất cao."
Các nhà làm chính sách cũng phải quyết định lúc nào thì nên giảm dần tiến độ của các biện pháp kích khích kinh tế và hỗ trợ tài chính của các chính phủ; những biện pháp đã được tiến hành ở mức độ chưa từng thấy trong lịch sử.
Các biện pháp ấy được coi là cần thiết để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế, tuy nhiên chúng có thể là nguyên nhân đưa đến lạm phát nếu được duy trì trong thời gian quá dài.
Phó Thủ Tướng Nga Igor Shuvalov nhận định: "Tôi tin rằng năm nay, chúng ta sẽ tập trung nhiều hơn vào làm cách nào để sống sau cuộc khủng hoảng. Chúng ta sẽ làm gì với những chính sách nhằm chấm dứt hỗ trợ và liệu tất cả chúng ta có tiếp tục với các biện pháp khích lệ tài chính hay không, hoặc khi nào thì nên từ bỏ các biện pháp ấy, và dưới các điều kiện nào."
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick nói cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đặc biệt gây thiệt hại nặng cho các quốc gia tiên tiến đã công nghiệp hóa, và qua đó mở đường cho các cường quốc kinh tế đang nổi lên như Ấn Độ và Trung Quốc được đóng một vai trò sáng giá hơn trên sân khấu thế giới.
Ông Zoellick nói: "Ấn độ bây giờ là một cường quốc kinh tế đang lên, đã vững tay đối phó được với cuộc khủng hoảng kinh tế. Nước này đã đóng góp vào việc ổn định nền kinh tế thế giới và qua thời gian, có thể trở thành trọng tâm của tăng trưởng kinh tế toàn cầu."
Đối với nhiều quốc gia, sự chấm dứt khủng hoảng tài chính có nghĩa là giờ đây mọi sự chú ý phải chuyển sang các vấn đề lâu dài đã có trước khi xảy ra cuộc suy thoái toàn cầu.
Tại Hoa Kỳ, món nợ quốc gia khổng lồ vẫn tiếp tục tăng cao tại một thời điểm khi mà nhu cầu của một dân số ngày càng già nua đang ngày càng đè nặng lên các chương trình an sinh xã hội.
Theo lời Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới đặc trách Châu Phi, ông Obiageli Ezekwesili thì tại phần lớn thế giới đang phát triển như Kenya, những thách thức khác cần phải được giải quyết,
Ông Ezekwesili nói: "Hiểu theo nghĩa cạnh tranh trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, Kenya sẽ hoàn toàn không có chọn lựa nào khác ngoài việc giải quyết trở ngại lớn nhất cho sự phát triển của họ. Đó là tệ đoan tham nhũng."
Cũng theo ông Robert Zoellick, không giống như những cuộc hồi phục trong quá khứ, Hoa Kỳ hiện không ở trong tư thế thúc đẩy mức tăng trưởng toàn cầu.
Ông Zoellick tuyên bố: "Trong tất cả các cuộc khủng hoảng kinh tế đã xảy ra trong quá khứ, yếu tố luôn luôn hiện diện là giới tiêu thụ Mỹ. Sức mua của họ đã đẩy cho quả banh kinh tế tiếp tục lăn tròn. Sức tiêu thụ ấy đưa đến nhu cầu phát triển doanh nghiệp và đầu tư. Đa số các nhà kinh tế đều dự kiến là lần này chuyện đó không xảy ra."
Thay vì các quốc gia công nghiệp hóa tiên tiến dẫn đầu, giới phân tích nói rằng mức phát triển kinh tế toàn cầu có phần chắc sẽ được thúc đẩy từ các nước đang phát triển nhanh chóng như Trung Quốc và Ấn Độ, cùng với phần đóng góp của các quốc gia kém phát triển hơn.
<!-- IMAGE -->