Nạn săn trộm tê giác tại Châu Phi, Châu Á gia tăng

Nạn săn trộm tê giác tại Châu Phi, Châu Á gia tăng

<!-- IMAGE -->

Một phúc trình mới cho biết việc săn bắt tê giác bất hợp pháp để lấy sừng đem bán trên thị trường ngày càng gia tăng tại Châu Á và Châu Phi. Những tay săn trộm tê giác mỗi tuần giết mất khoảng từ hai đến ba con tê giác, một loại sinh vật hiếm quý.

Theo các chuyên gia cho biết thì nhu cầu tại Châu Á, nhất là tại Việt Nam và Trung Quốc, hiện đang đẩy ngành buôn bán sừng tê giác ra khỏi khu vực nam Châu Phi. Sừng tê giác thường được dùng để chế các loại thuốc đông y cổ truyền hoặc dùng để làm cán dao găm.

Phúc trình được Liên Hiệp Quốc Tế Bảo Tồn Thiên Nhiên và một tổ chức có tên là Traffic soạn thảo.

Hầu hết những vụ săn trộm tê giác tại Châu Phi xảy ra tại Zimbabwe và Nam Phi. Các chuyên gia phát hiện ra rằng có tới 210 con tê giác đã bị giết trộm tại Nam Phi trong 3 năm qua.

Còn tại Zimbabwe, con số này được ước tính là 235 con. Tình hình này đe dọa đến những thành quả về sự gia tăng của số tê giác trong những năm 1990. Trong hai năm qua, chỉ có 6 trong số 41 người bị bắt vì tội danh săn trộm bị tòa xét là có tội.

Đến năm 2001, 68% sừng tê giác Châu Phi được buôn bán bất hợp pháp trên thị trường chợ đen đã bị phát hiện và thu hồi. Cho đến năm nay, cứ 10 sừng tê giác trên đường tới các thị trường ở Châu Á thì 9 cái được chở đi trót lọt không bị cản trở.

Phúc trình cho hay nạn săn trộm và buôn bán sừng tê bất hợp pháp đã gia tăng tại Nam Phi, bất chấp những biện pháp mới để bài trừ tệ nạn này.

Càng làm cho vấn đề rắc rối thêm, những tay săn trộm ngày nay càng quỉ quyệt hơn trong việc giết hại tê giác, và họ sát hại chủng loại này không chỉ bằng súng ống. Họ sử dụng đến những phương pháp thầm lặng hơn, như thuốc dùng trong thú y, thuốc độc và cung tên.

Một hiệp định quốc tế về bảo vệ các sinh vật gặp nguy cơ tuyệt chủng cho phép săn bắn như một hình thức thể thao loài tê giác trắng tại Châu Phi. Thế nhưng sừng của loại tê giác được săn bắn theo kiểu này lại thấy đem ra bán ở thị trường chợ đen.

Tuy nhiên không phải chỉ có những tin đáng buồn như vậy. Bản phúc trình nêu lên rằng ở một vài nơi, số tê giác, cả giống tê giác trắng lẫn tê giác đen, đang tăng lên, như ở các cánh rừng hoang dã của Châu Phi. Trước đây hai năm, Châu Phi ước tính có chừng 17 ngàn tê giác trắng và 4 ngàn tê giác đen. Con số ước tính hiện tại của Châu Á vào khoảng 3 ngàn con. Nhưng ngay cả với nạn săn trộm, đã có tin là số tê giác đang gia tăng tại một số khu vực của Ấn Độ và Nepal.

Các nhà tranh đấu bảo tồn đời sống hoang dã đang hối thúc các chính phủ phải làm nhiều hơn nữa để chống lại nạn săn trộm tê giác.

Phúc trình này được đưa ra trước hội nghị của Liên Hiệp Quốc Tế Bảo Vệ Thiên Nhiên. Đây là tổ chức hình thành bản Công Ước Quốc Tế về việc buôn bán các loài sinh vật gặp nguy cơ tuyệt chủng gọi tắt là CITES. Hội nghị lần tới của các quốc gia thành viên của tổ chức sẽ diễn ra vào tháng Ba năm tới tại Doha, Qatar.