Thái Lan sẽ giam giữ phi hành đoàn của một máy bay chở hàng trong lúc điều tra vai trò của họ trong vụ buôn lậu vũ khí từ Bắc Triều Tiên. Theo tường thuật do thông tín viên Kurt Achin của đài VOA gởi về từ thủ đô Nam Triều Tiên, các chuyên gia vùng Đông Bắc Á cho rằng vụ bắt giữ này chứng tỏ sự kiên quyết của các biện pháp chế tài quốc tế đối với Bắc Triều Tiên.
Một tòa án Thái Lan hôm nay bác bỏ yêu cầu được đóng tiền thế chân để tại ngoại hầu tra của 5 thành viên phi hành đoàn của chiếc phi cơ chở vũ khí của Bắc Triều Tiên đáp xuống Bangkok hôm thứ Sáu.
Phát ngôn viên lực lượng chính trị quốc gia Thái Lan, ông Pongsapat Pongchareon cho biết những người này sẽ bị tạm giam trong khi chờ đợi kết quả điều tra.
Ông Pongsapat nói rằng yêu cầu đóng tiền thế chân bị từ khước vì số lượng vũ khí trên máy bay và vì những người trong phi hành đoàn là người nước ngoài. Ông cho rằng nếu được tại ngoại, những người đó có thể bỏ trốn và sự an toàn của họ cũng sẽ có vấn đề. Ông nói thêm rằng họ sẽ bị giam trong 12 ngày.
Cảnh sát Thái Lan cho hay phi hành đoàn, gồm 4 người Kazakhstan và 1 người Belarus, nói rằng họ không biết là trên máy bay của họ có 35 tấn vũ khí, bao gồm đạn của súng phóng lựu và súng phóng hỏa tiễn địa đối không.
Các giới chức Thái Lan nói rằng điểm đến của phi cơ này “vùng Trung Đông.” Họ cho biết những người trên máy bay nói rằng họ nghĩ là máy bay của họ chở theo các trang thiết bị khoan dầu trong lúc cất cánh từ Bình Nhưỡng.
Các giới chức Nam Triều Tiên nói rằng Bắc Triều Tiên có thể đã đi ngược với ý chí của cộng đồng quốc tế một lần nữa.
Phát ngôn viên Moon Tae Young của Bộ Ngoại giao Nam Triều Tiên nói rằng nếu số vũ khí đó được xác nhận là từ Bắc Triều Tiên thì chính phủ Nam Triều Tiên xem vụ việc này là một sự vi phạm đối với nghị quyết 1874 của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.
Nghị quyết vừa kể được áp đặt sau khi Bắc Triều Tiên tiến hành vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân lần thứ nhì hồi tháng 5. Nghị quyết của Liên hiệp quốc cấm chỉ những vụ mua bán vũ khí của Bắc Triều Tiên.
Vụ tịch thu khí giới này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Đặc sứ Stephen Bosworth của Hoa Kỳ thực hiện những cuộc họp mà ông gọi là “rất hữu ích” tại Bình Nhưỡng về việc chấm dứt chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Ông Beak Seung Joo, một nhà nghiên cứu của Viện Phân tích Quốc phòng Triều Tiên ở Seoul, nói rằng vụ tịch thu này sẽ không cản trở những hoạt động ngoại giao của Hoa Kỳ với Bình Nhưỡng.
Giáo sư Beak Soung Joo nói rằng vụ này cho thấy là ngay cả trong lúc Hoa Kỳ mưu tìm đối thoại, họ vẫn làm việc với các đối tác quốc tế để hỗ trợ cho những biện pháp chế tài Bắc Triều Tiên.
Các cơ quan truyền thông vùng Đông Bắc Á nói rằng vụ tịch thu được thực hiện sau khi chính phủ Thái Lan nhận được từ Washington các thông tin về chiếc phi cơ đó.
Ông Dan Pinkston, một chuyên gia về Đông Bắc Á của Nhóm khủng hoảng quốc tế ở Seoul, nói rằng Bắc Triều Tiên quan tâm tới những hậu quả tài chánh của vụ bắt giữ này hơn là những hậu quả về ngoại giao.
Ông Pinkston nhận xét: "Tôi không nghĩ là họ quan tâm tới sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế. Nhưng việc này sẽ tác động tới nguồn thu của họ."
Theo dự liệu, chính phủ Thái Lan sẽ nộp cho Hội đồng Bảo an một bản báo cáo đầy đủ về vụ chận bắt vũ khí này trong vòng 45 ngày.
<!-- IMAGE -->