Những vị khách 'không mời mà tới' của Tòa Bạch Ốc

Những vị khách 'không mời mà tới' của Tòa Bạch Ốc

<!-- IMAGE -->

Cách nay chừng 2 tuần, lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Obama nhậm chức, Tòa Bạch Ốc đã mở quốc yến thết đãi Thủ tướng Ấn Độ và phu nhân chính thức viếng thăm Hoa Kỳ. Câu Chuyện Nước Mỹ tuần này sẽ thuật lại cùng quý vị một diễn biến khá lạ lùng về hai người không được mời đã xuất hiện giữa những nhân vật quan trọng và quan khách tham dự buổi dạ tiệc đêm hôm 24 tháng 11. Sự kiện này đã khiến người ta đặt vấn đề về mạng lưới an ninh bảo vệ yếu nhân. Mời quý vị theo dõi các chi tiết sau đây với Lan Phương.

Câu chuyện bắt dầu với cặp vợ chồng cư dân Virginia, Tareg và Michaele Salahi khi hình ảnh trong trang Facebook của họ cho thấy họ có mặt trong buổi dạ yến, chụp hình, bắt tay, trò chuyện với những nhân vật quan trọng, những tai to mặt lớn trong chính phủ, từ Tổng thống Obama, Phó Tổng thống Joseph Biden đến Chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc Rahm Emanuel, Đô trưởng Thủ đô Washington Adrian Fenty v..v.

Vấn đề được đặt ra là hai người này không có tên trên danh sách khách mời của Tòa Bạch Ốc, vậy mà họ vẫn lọt được vào buổi dạ yến thết đãi Thủ tướng Ấn Độ và tên của họ được loan báo khi họ tới nơi.

Hiện Cơ Quan Bảo Vệ Yếu Nhân đang điều tra xem bằng cách nào mà cặp vợ chồng thèm khát được nổi tiếng trên truyền thông lại có thể giàn xếp để lọt qua những chốt kiểm soát an ninh nghiêm ngặt.

Trong lúc vấn đề bảo vệ an ninh cho Tổng thống không bao giờ là một vấn đề nhỏ, an ninh cho Tổng thống Obama lại càng ở một mức độ đặc biệt hơn, vì ông là Tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ.

Tưởng cũng nên nhắc lại rằng kể từ khi ông mới là một ứng cử viên tranh chức tổng thống, vấn đề bảo vệ an ninh cho ông đã được đặt nặng không kém gì cho một tổng thống đương nhiệm, bởi lẽ số người ủng hộ cho ông đông bao nhiêu thì con số những đe dọa an ninh đối với ông cũng không phải là ít. Nhân viên của Sở Bảo Vệ Yếu Nhân đã bắt đầu có những biện pháp bảo vệ cho ông từ 18 tháng trước khi diễn ra cuộc bầu cử vào tháng 11 năm 2008, sớm nhất chưa từng có đối với một ứng cử viên tổng thống Mỹ.

Dân biểu Peter King, một nhân vật cao cấp của đảng Cộng Hòa trong Ủy Ban An Ninh Quốc Nội tại Hạ viện Hoa Kỳ, đã đòi quốc hội mở cuộc điều tra, cho biết ông bàng hoàng trước tình trạng thiếu an ninh tại Tòa Bạch Ốc tối hôm dạ yến vào 24 tháng 11. Cũng phải nhớ rằng kể từ năm 2003, Cơ quan Bảo Vệ Yếu Nhân đã trở thành một phần của Bộ Nội An.

Dân biểu King đại diện bang New York, nói rằng: "Rõ ràng, nếu có chuyện gì xảy ra cho họ; điều tôi muốn nói ở đây là Tổng thống và Phó Tổng thống Hoa Kỳ và một lãnh tụ thế lực của thế giới, Thủ tướng Ấn nữa đấy."

Thủ tướng Manmohan Singh là khách danh dự cảu buổi dạ yến hôm đó.

Dân biểu King nói rằng tại những buổi dạ tiệc tượng tự trước đó ông đã từng chứng kiến có những người khách bị từ chối không được phép tham dự, như trường hợp một dân biểu đã đưa con gái đi dự dạ yến thay vì vợ ông, mới là người có tên trên danh sách khách mời, nên đã không được phép vào, đành phải quay về.

Ông King cũng nêu lên mối lo ngại về sự đoan quyết của Cơ Quan Bảo Vệ Yếu Nhân rằng Tổng thống Obama được an toàn vì tất cả khách mời đều phải qua máy dò vũ khí.

Ông nói: "Hai người này đi qua được máy dò kim khí là chuyện ngẫu nhiên, nhưng nếu có ý định ám muội, họ đã có thể mang vi trùng bệnh than vào, họ có thể quơ ngay một con dao trên bàn ăn chẳng hạn."

Theo ông thì lần tới mà một vụ như vậy tái diễn, hệ quả sẽ tai hại hơn gấp bội những show diễn trên truyền hình rất nhiều.

Giám đốc sở Bảo Vệ yếu Nhân Mark Sullivan cũng phải công nhận sơ hở này là điều không thể chấp nhận được:

Ông cho biết: "Mặc dù những cá nhân này đã lọt qua được máy dò kim khí và những phương tiện kiểm soát an ninh khác, việc họ lọt vào được Tòa Bạch Ốc là điều không thể chấp nhận và không thể bào chữa được."

Giám đốc Sở Bảo Vệ yếu Nhân Mark Sullivan không cho biết chi tiết về cuộc điều tra mà cơ quan của ông đang cho tiến hành, nhưng ông không loại bỏ việc truy tố cặp vợ chồng này.

Trong khi cơ quan Bảo Vệ Yếu Nhân nói cặp vợ chồng Salahi không có tên trên danh sách khách mời thì họ một mực nói rằng họ đã được mời.

Ông Salahi nói: "Chúng tôi là những người được mời chứ không phải là lẻn vào một cách trơ tráo như vậy. Chuyện này làm cho chúng tôi bị mang tai mang tiếng rất nhiều."

Theo một bài báo trên tờ Washington Post thì cặp vợ chồng này đã tìm cách vận động với một phụ tá của Ngũ Giác Đài, bà Michele Jones, trợ lý đặc biệt của Bộ trưởng Quốc phòng, là giới chức liên lạc với Tòa Bạch Ốc, để được giấy mời dự dạ yến, và cặp Salahi nghĩ rằng họ đã có tên trên danh sách khách mời.

Tuy nhiên bà Jones cho biết bà không hề nói hay ám chỉ là bà có vé cho họ dự bất cứ phần nào trong buổi dạ yến, và thực ra bà không hề có thẩm quyền để cung cấp giấy mời cho bất cứ ai tham dự dạ tiêc Tòa Bạch Ốc.

Và theo tin mới nhất, cặp vợ chồng này đang bị Ủy Ban về Nội an Hạ viện triệu tập để điều tra; ngày mà họ bị buộc phải trình diện là 20 tháng Giêng.