Lê Phổ: Những đoá hoa hái từ một giấc chiêm bao

Lê Phổ: Những đoá hoa hái từ một giấc chiêm bao

<!-- IMAGE -->

Sinh năm 1939 tại Thủ dầu Một, cựu học sinh Petrus Ký, Saigon. 1963 tốt nghiệp Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế. 1964 tốt nghiệp Sư Phạm Hội Họa Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định. Hội viên Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam 1966 -1974. Huy chương Bạc Hội Họa Mùa Xuân Saigon 1962, 1963. Nguyên giáo sư hội họa trường nữ trung hoc Đồng Khánh, nữ trung học Thành Nội 1963-1967. Nguyên giảng viên trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế 1967 -1978.

Những năm gần đây tranh Lê Phổ ngày càng cao giá tại Christie và Sotheby, hai nơi bán đấu giá tranh nổi tiếng tại Singapore và Hong Kong. Gần đây nhất, tháng 4/2008, bức Vierge a L’Enfant (Đức Mẹ với Hài đồng) lụa 55,1 x 46 cm bán HK$ 2,407,500 (US$ 309,192). Tuy giá tranh như vậy vẫn còn rất thấp so với các hoạ sĩ danh tiếng của Indonesia, Ấn Độ…nhưng tranh Lê Phổ được các nhà sưu tập ưu ái nhất.

<!-- IMAGE -->

Waldemar George, nhà nghiên cứu phê bình nghệ thuật người Pháp đã viết nhiều sách về Picasso, Chagall, Matisse, Modigliani …Năm 1970, trong tập sách mỏng Le-Pho với bài mở đầu: Le Pho “Le divin peintre” - Cây cọ thần diệu - đã phân tích khá kỹ các thời kỳ sáng tác cuả Lê Phổ, khởi đầu từ năm 1931 “một chú Ba lạc giữa kinh đô ánh sáng”, từ tranh lụa đến tranh sơn dầu những năm về sau. Được gọi là bậc thầy đi từ hội hoạ Ấn Tượng (impressionisme) qua Hậu Ấn Tượng (post impressionisme).

Năm 1995 nhân chuyến đi Pháp để nghiên cứu mỹ thuật hiện đại phương Tây sau gần một thế kỷ phát triển, họa sĩ Trịnh Cung đã có dịp gặp các họa sĩ Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Võ Lăng, Phạm Tăng, Thái Tuấn. Đã nhận xét về Lê Phổ “…Trong dòng thác nghệ thuật thời ấy luôn bùng lên những đợt sóng dữ dội, Lê Phổ đã không bị chìm lấp, mà trái lại các tác phẩm hội họa của ông vừa thể hiện một trình độ sử dụng sơn dầu hết sức điêu luyện, đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật ấn tượng - làm bừng thức một thiên nhiên lung linh hoa lá, vừa gợi cảm một thế giới xa vắng đầy yêu thương mà người họa sĩ đã đánh mất trong những ngày tháng rời xa quê nhà…” (Về những họa sĩ Việt Nam nổi tiếng ở hải ngọai. Sánh bước cùng Chagall, Van Dongen. Đăc san 30/4, Tuổi Trẻ. 1995)

Lê Phổ sinh ngày 2/8/1907 tại Hà Đông, cha ông là Lê Hoan, kinh sứ Bắc Kỳ thời vua Hàm Nghi trong thời gian ngắn 1884-1885. Mất ngày 12 tháng 12 năm 2001 tại Paris.

Ông theo học khóa đầu tiên (1925-1930) trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, gồm Lê Văn Đệ, Mai Trung Thứ (sau này ký tên Mai Thứ), Nguyễn Phan Chánh, George Khánh, Công Văn Trung, Nguyễn Tường Tam và Lê Ang Phan. Nguyễn Tường Tam (nhà văn Nhất Linh) và Lê Ang Phan sau bỏ không học tiếp. Bảy người cùng khóa, nay chỉ họa sĩ Công Văn Trung còn sống ở Hà nội. Nhắc đến trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương là nhắc đến công sáng lập của Victor Tardieu (1) đã theo học tại xưởng vẽ Gustave Moreau - trường Mỹ thuật Paris -1889 đến 1891, cùng lớp Matisse, Rouault…

Năm 1920 ông được giải thưởng Đông Dương (Prix de l’Indochine ) và học bổng sang Đông Dương nghiên cứu trong vòng một năm. Ông đã gặp họa sĩ Nam Sơn Nguyễn Văn họ (1890-1973) sớm nhất ở Hà Nội. Cơ duyên này giúp ông rất nhiều trong việc vận động thành lập trường Mỹ thuật Đông Dương và kết quả, nghị định thành lập trường đã được Thống đốc Toàn quyền Martial-Henri Merlin ký ngày 27 tháng 10 năm 1924, hiệu trưởng là Victor Tardieu. Giáo sư ảnh hưởng nhiều đến phong cách sáng tác tranh sơn dầu là Joseph Inguimberty (1896-1971), ông dạy từ năm khởi đầu 1925 cho đến khi trường giải thể 1945 cùng hơn mười giáo sư giảng dạy người Pháp, có Alix Aymé rất giỏi về sơn mài…

Lê Phổ may mắn hơn nhiều bạn cùng khoá, một năm sau khi ra trường đã được làm phụ tá cho Tardieu qua Pháp dự hội chợ đấu xảo thuộc địa và năm sau đó, 1932, được học bổng qua Pháp học tiếp tại trường Mỹ thuật Paris. Một tầm nhìn mới được mở ra cùng ông, bức sơn dầu rất “trường phái Paris” vẽ phong cảnh Fiesole năm 1932 và sau đó biến chuyển qua nhiều giai đoạn …Ông đã đi một vòng Châu Âu, tiếp xúc với hội họa Phục Hưng ở Ý, thấy được những nét trùng hợp giữa hội họa cổ điển Tây Phương và hội họa cổ Trung Quốc.

Năm 1933 ông trở về làm giáo sư trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, năm 1934 sang Bắc Kinh tìm hiểu hội họa đời Tống đời Minh. Tranh ông là một kết liên giữa hai nền hội họa Đông - Tây mà ông đã dày công tìm hiểu. Giai đoạn sau cùng ông chịu ảnh hưởng không khí tranh Bonnard (2). Lê Phổ đã từng đến thăm Matisse tại Villa des Rêves, đã được Matisse mời xem tranh và giải thích cách vẽ. Đã là bạn của Foujita (3 ), họa sĩ gốc Nhật Bản nổi tiếng nhất những năm 1930, thời Paris Montparnasse với những tên tuổi lẫy lừng: Picasso, Chagall, Modigliani, Soutine, Matisse …

Ông đã triển lãm chung với Foujita nhiều lần tại Lyon, Avignon, Nice và Bordeaux những năm 1957,1958. “Tay ấy phi thường (c’est un tipe formidable). Đó là một họa sĩ Nhật Bản duy nhất mà tôi gặp và thích. Foujita có những nét kỳ diệu để viền dessin và portrait. Từ lúc tôi đến Âu Châu, chưa thấy người nào vẽ hay hơn Foujita …’’ (Thuỵ Khuê - nói chuyện với họa sĩ Lê Phổ - Hợp Lưu số 10, tháng 4và 5 .1993)

Ông thực sự ở hẳn Paris kể từ năm 1936. Mười năm sau, gặp và thành hôn với Paulette Vaux, ký giả báo Time và Life, có hai con trai: Lê Kim, nhiếp ảnh, và Lê Tân, họa sĩ chuyên về thiết kế, trang trí.

Triển lãm cá nhân đầu tiên năm 1939, được các gallery chú ý, đặc biệt gallery Romanet, năm 1941 đã tổ chức triển lãm tranh Lê Phổ và Mai Thứ tại Alger, phòng tranh bán hết. Từ năm 1964 cộng tác thường xuyên với gallery Findlay ở Hoa Kỳ, triển lãm tại New York, Florida và Chicago. Ông đã có dịp viếng gia đình Barnes, bộ sưu tâp tranh nổi tiếng, thường tặng lại hoặc cho các viện bảo tàng mượn bày các tranh hiếm quý.

Riêng Lê Phổ cũng có ý định tặng cho Viện Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội nhiều tranh “Bác có dự định cho Bảo tàng viện Hà Nội tranh của bác không? Có, Tôi đã dặn kỹ nhà tôi: nếu tôi mất đi, nhà tôi sẽ gửi cho Viện Bảo tàng Hà Nội khoảng 20 -30 bức. Bác dặn bác gái gửi khoảng 20-30 tranh cho Hà Nội? Gửi như thế nào? -Tức là biếu, là tặng Bảo tàng Hà Nội với điều kiện là phải làm việc đứng đắn.” (Thuỵ Khuê - nói chuyện với họa sĩ Lê Phổ - Hợp Lưu, số 10 tháng 4 &5.1993). Cho đến nay chuyện ấy vẫn chưa thành. Viện Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội gần đây vẫn chưa giải toả nhiều thắc mắc của công chúng yêu nghệ thuật về chuyện bản chính hay bản sao của nhiều bức hiện đang trưng bày. Thậm chí tác phẩm sơn dầu nổi tiếng “Thiếu nữ bên hoa huệ” của Tô NgọcVân, vẫn chưa biết đích xác bản chính đang ở đâu.

Tranh Lê Phổ được trưng bày tại Musée d’Art Moderne, Paris. Musée d’Oklaoma (USA) và trong rất nhiều bộ sưu tập tư nhân trên thế giới. Rất nhiều người yêu chuộng tranh ông, vì ở đó là một bản màu đa sắc đầy lạc thú, là khúc hợp tấu giao hưởng những sắc vàng - ông thích nhất màu vàng chanh (jaune citron). Là sự tươi mát của thị giác. Đề tài chính của ông ít thay đổi: Một con thuyền trôi giữa đám sen, những thiếu nữ chập chờn trẩy hái trong khu vườn thượng giới rực rỡ. Cử chỉ khoan thai, trang nhã, dịu dàng, như đang bày yến tiệc trong không khí tươi mươi của muà Xuân. Những đoá hoa ông vẽ biến đổi một cách kỳ diệu, huy hoàng, đôi khi là những đoá hoa hái từ một giấc chiêm bao …

Và sau cùng là quan niệm của ông về hội họa: “Tôi vẽ làm sao cho người ta thích và treo lên tường. Với tôi, vẽ là hành hương vào nội tâm. Vẽ là giú một trái chín. Con đường dài lắm…”

ĐINH CƯỜNG
Virginia, 12.2009

(1) Victor Tardieu, sinh ngày 30.4 .1870 tại Lyon, mất tại Hà Nội ngày 12.6.1937, có con trai duy nhất là Jean Tardieu (1903-1995) nhà thơ nổi tiếng, đã từng có: “buổi sáng Chủ Nhật cùng hoạ sĩ Lê Phổ ngồi chuyện trò nghệ thuật trong sân một ngôi chùa cổ ở đồng quê”. Tác giả Thư Hà Nội do Hoàng Ngọc Biên và Nguyễn Thu Hồng chuyển ngữ (Jean Tardieu: những ngày Việt Nam.website Tiền Vệ)

(2) Bonnard, họa sĩ Pháp (1867-1947)

(3) Foujita (1886-1968) đã về tham dự Triển lãm Hội hoạ hiện đại Nhật Bản tại Hà Nội, 1941

Các ảnh và tranh được trích từ:
- Lepho, Waldemar George, xb Fequet et Baudier, Paris 1970
- Arts of Asia, volume 39 number 5, September-October.2009
- Ảnh gia đình do người cháu ruột Lê Phổ tại Virginia tặng. Trong khi viết bài này, nhớ đến người bạn họa sĩ tài hoa cùng lứa là Lê Chánh, đã mất ngày 14.12.2003 - Sài Gòn
gọi Lê Phổ là chú ruột, hiện nay còn Lê Thanh cũng một họa sĩ tài hoa, cháu Lê Phổ,
đang sống và vẽ ở Sài Gòn.