Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã chính thức nhận Giải Nobel Hòa Bình tại một buổi lễ tổ chức ở thành phố Oslo của Na-Uy. Đặc phái viên đài VOA tại Tòa Bạch Ốc Paula Wolfson tường trình rằng nhà lãnh đạo Mỹ đã dành nhiều thì giờ để nói đến các điều kiện đã đẩy các quốc gia đến chiến tranh, và dẫn họ đến chỗ mưu tìm hòa bình.
Tại một buổi lễ mang nhiều dấu ấn của truyền thống, Tổng thống Barack Obama đã gia nhập hàng ngũ các khôi nguyên Giải Nobel.
Phát biểu trước một cử tọa gồm nhiều thân hào nhân sỹ tề tựu tại Tòa thị chính thành phố Oslo, nhà lãnh đạo Mỹ nói ông nhận thức rất rõ về cuộc tranh luận xoay quanh sự chọn lựa của Ủy ban Nobel.
Tổng Thống Obama nói: “Tôi nghĩ một phần là do tôi chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu, chứ không phải ở giai đoạn kết thúc của những công việc của mình trên sân khấu thế giới.”
Nhà lãnh đạo Mỹ nói vấn đề sâu xa nhất liên quan tới những ý kiến về sự chọn lựa giải Nobel hòa bình năm nay là sự kiện ông là lãnh đạo của một quốc gia đang tiến hành hai cuộc chiến tranh.
Tổng thống Obama: “Tôi đến đây với nhận thức bén nhạy về cái giá phải trả cho cuộc tranh chấp vũ trang, và mang trong tâm tư những nghi vấn phức tạp về sự liên quan giữa chiến tranh và hòa bình, và về nỗ lực của chúng ta để thay thế chiến tranh bằng hòa bình.”
Bài diễn văn của ông Obama tại Oslo dài gấp đôi bài diễn nhậm chức Tổng thống của ông, và mang sắc thái uyên bác.
Ông nhắc đến Khôi nguyên Giải Nobel Hòa Bình năm 1964, mục sư người Mỹ Martin Luther King Jr, một nhân vật cổ vũ cho bất bạo động. Tổng thống Obama nói ông tin vào bất bạo động, nhưng không phải lúc nào ý niệm này cũng có thể hữu hiệu.
Tổng thống Obama: “Một phong trào bất bạo động không thể chặn được bước tiến của các lực lượng quân sự của Hitler. Các cuộc thương thuyết không thể thuyết phục các thủ lãnh al-Qaida buông vũ khí. Khi nói rằng đôi khi vũ lực là điều cần thiết không phải để người ta cay đắng, mà là để thừa nhận lịch sử, thừa nhận những bất toàn của con người và những hữu hạn của lý trí.”
Chỉ cách đây mới vài ngày, Tổng thống Obama đã hạ lệnh đưa thêm 30.000 binh sĩ Mỹ sang Afghanistan. Nhận thức rõ sự trùng hợp trớ trêu ấy, nhà lãnh đạo Mỹ tập trung vào những ý niệm về “chiến tranh hợp lý”, và “hòa bình vững bền.”
Tổng thống Obama nói: “Chúng ta phải khởi sự bằng cách thừa nhận thực tế khó khăn rằng chúng ta sẽ không loại trừ được các cuộc tranh chấp bạo động trong thời đại của chúng ta. Sẽ có những lúc các quốc gia, hoặc bằng hành động đơn phương hoặc sát cánh với các nước khác, sẽ thấy rằng sử dụng bạo lực không những là điều cần thiết mà còn có thể được biện minh về mặt đạo đức.”
Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nói hòa bình phải là một điều gì còn hơn là tình trạng không có tranh chấp quân sự, nó phải đưa đến việc hậu thuẫn cho các định chế vững mạnh, cho nhân quyền và quyền không bị thiếu thốn các nhu cầu cơ bản. Tổng thống Obama còn nhắc đến một điều quan trọng khác nữa.
Ông cho biết: “Tôi không tin rằng chúng ta sẽ có đủ ý chí, quyết tâm hoặc sức bền bỉ để có thể hoàn tất công tác này nếu không có một điều kiện khác, đó là sự mở rộng của suy tưởng của chúng ta về phương diện đạo đức, một xác quyết rằng đạo đức là một điều gì đó không thể giảm thiểu, điều mà tất cả chúng ta đều cùng chia xẻ.”
Khi loan báo sự chọn lựa của mình cho Giải Nobel Hòa Bình năm 2009, Ủy ban Nobel đã vinh danh các nỗ lực của Tổng thống Hoa Kỳ trong cố gắng củng cố nền ngoại giao và quan hệ hợp tác quốc tế. Ủy ban Nobel nói Tổng thống Obama đã thu hút trí tưởng tượng của thế giới với thông điệp hy vọng của ông.
Các cuộc thăm dò công luận tại Hoa Kỳ cho thấy là nhiều người Mỹ tin rằng vinh dự mà Ủy ban Nobel dành cho ông Barack Obama đã đến quá sớm.
Bên ngoài Viện Nobel, một nhóm người Na-Uy dường như cũng có cùng chung ý kiến. Họ giơ cao một biểu ngữ màu vàng trên đó có ghi hàng chữ: “Obama, ông đã đoạt Giải Nobel Hòa Bình, bây giờ ông hãy chứng tỏ là xứng đáng với giải này!”
<!-- IMAGE -->