Khí hậu biến đổi ảnh hưởng đến bản chất của loài cá

Những cuộc nghiên cứu mới tại Australia cho thấy loài cá sống ở khu vực san hô có thể trải qua những thay đổi về bản chất của chúng khi sống trong vùng nước ấm hơn. Kết quả nghiên cứu cho thấy sự biến đổi khí hậu có thể khiến cho một số chủng loại sống trong biển trở nên hung hăng hơn. Các cuộc thử nghiệm tiến hành với hai loại cá Damsel trong vùng đá ngầm Great Barrier của Australia cho thấy nhiệt độ của nước có thể làm thay đổi bản chất của loài cá. Từ Sydney, Thông tín viên đài VOA Phil Mercer gửi về bài tường trình sau đây.

Các nhà nghiên cứu thuộc trường đại học New South Wales ở Sydney nói rằng sự gia tăng nhiệt độ chỉ từ 1 đến 2 độ C có thể khiến cho loài cá trở nên linh hoạt và hung hăng hơn gấp 30 lần.

Các nhà khoa học tin rằng khi nước trở nên ấm hơn tiến trình trao đổi chất trong cơ thể tăng tốc. Cá là loài sinh vật có máu lạnh và nhiệt độ cơ thể của cá giống như nhiệt độ môi trường mà chúng sinh sống.

Nhiều người lo ngại rằng nước ở các đại dương trở nên ấm hơn do tác động của tình trạng biến đổi khí hậu thì loài cá sẽ táo bạo và linh hoạt hơn và có thể trở thành mục tiêu của các loài thú săn mồi sống.

Tiến sĩ Peter Biro thuộc khoa sinh vật học địa cầu và môi trường của đại học New South Wales giải thích về lý thuyết này.

Ông Biro nói: “Nếu bạn là một con cá bơi lội trong môi trường thì lúc nào bạn cũng năng động, bạn sẽ dễ bị nhận biết hơn và gặp phải những loài thú săn mồi sống nhiều hơn là những sinh vật thiếu năng động, có phải không? Vì thế, sự khác biệt trong mức độ năng động và táo bạo có liên hệ tới nhiệt độ đó sẽ có những tác động đối với nguy cơ bị tấn công. Và hậu quả của tình trạng nhiệt độ nước ấm dần là loài vật sẽ trở nên năng động hơn, táo bạo hơn khi gặp những loài thú săn mồi sống và có thể bị sát hại.”

Tiến sĩ Biro nói rằng khái niệm cho rằng loài cá có cá tính nghe có vẻ lạ nhưng kiến thức đó quan trọng trong việc giúp cho các nhà khoa học hiểu được loài vật phản ứng ra sao trước những thách thức về sinh thái.

Hiện chưa rõ ảnh hưởng về lâu về dài của sự biến đổi khí hậu tác động đối với loài cá mặc dù toán nghiên cứu của đại học NSW tin rằng một số chủng loại có thể thích nghi tốt với tình trạng nhiệt độ ấm hơn.

Tuy nhiên có những vấn đề có thể xảy ra nếu nước trong đại dương nóng dần dao động bất thường sẽ khiến cho các động vật dưới biển khó thích nghi với khí hậu.

Cuộc nghiên cứu được thực hiện với giống cá damsel, là một chủng loại nhỏ, có nhiều màu sắc rực rỡ sống tại vùng đá ngầm Great Barrier của Australia.

Các nhà khoa học nhấn mạnh rằng tương lai của khu vực san hô lớn nhất thế giới này bị đe dọa bởi sự ô nhiễm, bởi hiện tượng trái đất ấm dần và mức độ acide dưới đại dương.

Vùng san hô ngầm Great Barrier trải dài trên 2,000 kilomet dọc theo vùng duyên hải đông bắc Australia và là nơi sinh cư của các loại sinh vật biển: nghiêu sò, cá, rắn và chim chóc.

Khu vực được xếp hạng là di sản thế giới này thu hút trên 2 triệu du khách mỗi năm.