Phật tử Việt Nam vẫn tiếp tục bị sách nhiễu  

Các phật tử theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho hay 2 tháng sau khi họ bị buộc phải rời khỏi một tu viện tại miền nam Việt Nam họ vẫn tiếp tục bị sách nhiễu.

Hãng thông tấn AP trích lời các phật tử này nói rằng giới hữu trách đang buộc họ phải rời khỏi ba ngôi chùa nơi họ đang tạm trú sau khi bị đuổi khỏi tu viện Bát Nhã hồi cuối tháng 9.

Các phật tử này cũng cho rằng họ bị sách nhiễu vì Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã kêu gọi chính phủ Việt Nam chấm dứt kiểm soát tôn giáo cũng như giải tán lực lượng công an tôn giáo.

Trả lời hãng thông tấn AP từ Làng Mai, Ni cô Chân Không, một người thân cận với Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, cho biết hôm chủ nhật công an đã hộ tống 20 phật tử khỏi Tu viện Từ Đức ở tỉnh Khánh Hòa và đưa họ về lại nơi cư trú.

Công an và các giới chức chính quyền từ chối bình luận về vụ việc này, tuy nhiên trước đây họ nói rằng vụ việc ở tu viện Bát Nhã là do tranh chấp nội bộ giữa các nhóm Phật giáo và họ chỉ làm theo nguyện vọng của Thượng toạ Thích Đức Nghi, là một thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, người đã đồng ý cho các phật tử theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh cư trú tại Bát Nhã hồi năm 2005 nhưng sau đó lại yêu cầu họ rời khỏi tu viện này vào năm 2008.

Sau khi bị buộc phải rời khỏi tu viện Bát Nhã, khoảng 350 phật tử đã tới tạm trú tại chùa Phước Huệ gần đó, nơi thượng tọa Thái Thuận cho biết ông sẵn sàng cho phép họ tạm trú trong vài năm.

Mặc dù vậy, theo các phật tử thì họ thường xuyên bị công an giám sát và gây áp lực để họ phải rời khỏi ngôi chùa này. Theo lời sư cô Đặng Nghiêm phát biểu từ một tu viện ở California, giới hữu trách thường tuyên bố trên hệ thống loa phát thanh rằng các phật tử này là những phần tử phản động chống đối chính quyền.

Trong khi đó, một nhóm phật tử khác tới tạm trú tại chùa Từ Hiếu ở Huế, nơi họ cũng cho biết công an thường xuyên đến ra lệnh cho họ phải rời khỏi chùa.

Hồi tuần trước, nghị viện Châu Âu đã thông qua nghị quyết chỉ trích thành tích nhân quyền của Việt Nam trong đó cũng đề cập tới vụ việc ở Bát Nhã. Tuy nhiên chính phủ Việt Nam đã lên tiếng phản đối nghị quyết này và nói rằng nghị quyết này chứa đựng những thông tin sai trái và thiên lệch về tình hình Việt Nam.

Nguồn: AP, Phusa