Quyết định về Afghanistan có ý nghĩa sâu rộng

Quyết định của Tổng thống Barack Obama điều thêm 30,000 binh sĩ đến Afghanistan, cùng với lời yêu cầu các đối tác cũng gửi thêm quân, có những ý nghĩa chiến lược sâu rộng đối với nỗ lực toàn cầu nhằm đánh bại các phần tử cực đoan tàn bạo như Taliban và al-Qaida. Thông tín viên VOA Al Pessin tại Ngũ Giác Đài tường thuật về bước ngoặt quan trọng này trong cuộc chiến tranh ở Afghanistan và nhiệm kỳ của Tổng thống Obama.

Đêm qua, Tổng thống Obama đã nói thẳng trong bài diễn văn về chiến lược tại Afghanistan được chờ đợi lâu nay.

Ông Obama nói: “Vấn đề không phải chỉ là một thử thách về uy tín của NATO, vấn đề là an ninh của các đồng minh chúng ta, và an ninh chung của thế giới.”

Tổng thống Obama nói điều “trọng yếu” là gửi thêm binh sĩ, và đưa họ đến đó trước giữa năm tới, đây là một kế hoạch điều quân nhanh hơn dự kiến.

Bà Kagan nói: “Khi gửi thêm binh sĩ đến Afghanistan, tổng thống nhận lãnh trách nhiệm lãnh đạo cuộc chiến tranh ở Afghanistan.”

Đó là lời bà Kim Kagan, một nhà quân sử và chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến tranh. Bà cũng đã phục vụ trong nhóm tham vấn dân sự được triệu tập bởi Tướng Stanley McChrystal, tư lệnh tối cao Hoa Kỳ và NATO tại Afghanistan, người đã đề xuất việc tăng quân đưa đến quyết định bố trí binh sĩ của tổng thống.

Bà Kagan nói tiếp: “Sự thực của vấn đề là chúng ta hiện không có đủ lực lượng ở Afghanistan để tiến hành một chiến dịch chống nổi dậy nhắm vào Taliban.”

Chống nổi dậy bao gồm việc bảo đảm an toàn cho dân chúng, xây dựng chính quyền địa phương và lực lượng an ninh và chiến đấu với lực lượng chủ chiến, tất cả diễn ra cùng một lúc.

Ông Michael O’Hanlon thuộc Viện Brookings, người vừa trở về sau chuyến thăm mới nhất ở Afghanistan, ủng hộ quyết định gửi thêm binh sĩ Hoa Kỳ. Ông nói đường lối chống nổi dậy và đề nghị kế hoạch cụ thể của tướng McCrystal cống hiến điều ông gọi là “một cơ hội đúng đắn để đi đến thành công.”

Ông O’Hanlon nói: “Tôi nghĩ có lý do rất vững vàng để gửi thêm một số lớn binh sĩ. Bản phân tích quân sự chi tiết duy nhất đã được thực hiện là bản phân tích của tướng McChrystal.”

Trước đây trong năm, tướng McChrystal đã tuyên bố nếu không có thêm binh sĩ thì nỗ lực của Hoa Kỳ và đồng minh tại Afghanistan có thể thất bại. Nhưng không phải ai cũng tin rằng gửi thêm binh sĩ sẽ đem lại thành công. Trong số những người hoài nghi có đại tá hồi hưu Andrew Bacevich, hiện là giáo sư tại trường đại học Boston.

Ông Bacevich cho biết: “Các chiến dịch chống nổi dậy thường kéo dài, gây tốn kém và có khuynh hướng đem lại những kết quả mơ hồ.”

Giáo sư Bacevich không trông đợi kết quả tốt hơn cho nỗ lực của Hoa Kỳ và đồng minh tại Afghanistan, nhất là trong trường hợp mục tiêu là đánh bại al-Qaida và các tổ chức khủng bố có liên hệ, như Tổng thống Obama đã tái khẳng định hôm qua.

Ông Bacevich nói: “Tôi không thấy được bằng chứng là ngay cả nếu như chúng ta thành công ở Afghanistan, và đó là điều mà tôi nghi ngờ chúng ta có thể làm được, ngay cả nếu chúng ta thành công ở Afghanistan, chúng ta cũng sẽ không đâm thủng được trái tim của chủ nghĩa thánh chiến Jihad. Một lần nữa, có nhiều phần chắc là có thể chúng ta sẽ chỉ làm cho vấn đề trở nên trầm trọng hơn.”

Giáo sư Bacevich nói rằng sự hiện diện dài hạn của binh sĩ Tây phương ở các nước Hồi giáo tạo ra thêm các phần tử khủng bố hơn là tiêu diệt hay tước vũ khí của bọn chúng.

Bà Kim Kagan thuộc Viện Nghiên cứu Chiến tranh thừa nhận rằng ngay cả nếu có thêm binh sĩ, và huấn luyện quân sự được mở rộng, một nỗ lực lớn hơn nhằm củng cố chính phủ Afghanistan và các cuộc hành quân ồ ạt nhắm vào các cứ địa của phe nổi dậy, thì cũng không bảo đảm là thành công.

Bà Kagan nói: “Chúng ta phải nhớ rằng chiến tranh là một công việc đầy rủi ro và không có gì bảo đảm là một mức độ lực lượng cụ thể nào sẽ bảo đảm đi đến thành công.”

Bà Kagan cho rằng thành công sẽ phụ thuộc vào việc liệu các vị tư lệnh có sử dụng binh sĩ một cách có hiệu quả hay không, và cách đáp ứng của kẻ thù ra sao, cũng như các nhà lãnh đạo Afghanistan có thiện chí và khả năng như thế nào để chống tham nhũng và xây dựng một chính phủ hữu hiệu hơn và được lòng dân hơn.

Và Afghanistan có một thời gian rất hạn hẹp để thực hiện việc đó. Tổng thống Obama cho biết ông muốn bắt đầu chuyển giao trách nhiệm về an ninh cho chính phủ và quân đội Afghanistan trước tháng 7 năm 2011. Và mặc dầu tổng thống và các giới chức khác không cho biết tiến trình đó sẽ phải mất bao lâu sau đó, thì vẫn có một khung thời gian mà nhiều chuyên gia đề cập đến. Trong số các chuyên gia này có ông Michael O’Hanlon.

Ông O’Hanlon. nhận xét: “Khoảng thời gian đó ước chừng là 3 năm với mức quân số cao hơn, bởi vì đó là thời gian sẽ cần đến để đào tạo, trang bị, bố trí và cố vấn cho các lực lượng an ninh mới này của Afghanistan.”

Nhưng ông O’Hanlon nói rằng các dấu hiệu ban đầu của thành công hay thất bại sẽ xuất hiện sớm hơn nhiều, có thể là trong vòng 1 năm. Thực vậy, ông nói đường lối chống nổi dậy đã cho thấy các dấu hiệu thành công trong những lãnh vực mà có thêm binh sĩ Hoa Kỳ được gửi đến trong năm nay.

Tuy nhiên, ông Andrew Bacevich nghĩ rằng bất cứ sự trông đợi nào về một sự triệt thoái đáng kể của đồng minh trong vòng 3 năm đều là quá lạc quan.

Ông Bacevich cho biết: “Tôi rất hoài nghi rằng chúng ta có thể đạt được thành công như thế trong 3 năm. Tôi cho rằng điều có phần chắc hơn là 3 năm nữa, chúng ta sẽ có một tình hình rất mơ hồ, và tổng thống sẽ đối diện với một quyết định còn khó khăn hơn nữa so với quyết định mà ông đang đứng trước vào lúc này.”

Các chuyên gia phân tích nói chắc chắn là sẽ phải hết nhiệm kỳ này của Tổng thống Obama – và có lẽ nguyên cả nhiệm kỳ thứ nhì nếu ông tái đắc cử – để có được cơ hội “hoàn thành công tác ở Afghanistan” một cách đầy đủ, như lời ông đã cam kết.