Lây truyền qua đường tình dục – cụ thể là qua các sinh hoạt tính dục với người khác phái tính – đã trở thành kênh lây lan bệnh AIDS số 1 ở Trung Quốc. Liên Hiệp Quốc và Bộ Y tế Trung Quốc đã bắt đầu một chiến dịch chống lại thành kiến gắn liền với bệnh AIDS ở nước này, với hy vọng kéo chậm đà lây lan. Từ Bắc Kinh, thông tín viên VOA Stephanie Ho gửi về bài tường thuật như sau.
Thứ trưởng Y tế Trung Quốc Hoàng Khiết Phu nói rằng tính đến cuối năm ngoái, có 740 ngàn người được chẩn đoán mang virut HIV gây bệnh AIDS.
Ông Hoàng nói rằng sự tiếp xúc qua đường tình dục đã thay thế việc lây truyền qua việc sử dụng ma túy để trở thành phương tiện lây truyền chính ở Trung Quốc.
Hôm nay, ông Hoàng cho biết khoảng 44 phần trăm trong số tất cả những người mang HIV dương tính đều bị nhiễm bệnh vì bị lây truyền qua các sinh hoạt tính dục với người khác giới. Con số này so với khoảng 15 phần trăm lây truyền qua sinh hoạt tính dục đồng giới và 32 phần trăm do việc tiêm chích ma túy, mà chính phủ Trung Quốc vẫn thường tập trung coi như nguồn chính của sự lây nhiễm HIV.
Các nhận định của ông Hoàng được đưa ra tại một buổi sinh hoạt do UNAIDS bảo trợ để giới thiệu một chiến dịch mới chống lại thành kiến gắn liền với AIDS và sự phân biệt đối xử các bệnh nhân AIDS ở Trung Quốc.
UNAIDS và Bộ Y Tế Trung Quốc cũng hợp tác trong bản báo cáo đầu tiên về cái được gọi là Chỉ số Thành kiến Trung Quốc, thu thập được từ hơn 2 ngàn người Trung Quốc sống với virut HIV.
Giám đốc điều hành UNAIDS, ông Michel Sidibe ca ngợi chính phủ Trung Quốc về việc không những thảo luận chính thức vấn đề AIDS và cung cấp sự điều trị, mà còn giải quyết những vấn đề như thành kiến.
Ông Sidibe nói: “Tôi nhớ, chỉ mới cách đây 25 năm, không ai muốn đề cập đến bệnh AIDS ở Châu Phi. Họ sẽ nói rằng không có vấn đề ấy.”
Ông Sidibe nói rằng con số 740 ngàn người mang HIV dương tính ở Trung Quốc chưa phải là lớn so với dân số hơn 1 tỷ người của nước này. Nhưng ông cho rằng có một ý nghĩa khẩn cấp, dựa vào con số những người được coi là có nguy cơ nhiễm virut, nhất là vào lúc Trung Quốc trở nên một cường quốc kinh tế.
Ông Sidibe cho biết: “Trung Quốc thu hút rất nhiều người từ bên ngoài, những người từ toàn cầu, nhưng ngay trong nước, số người đi lại cũng rất cao. Chúng tôi muốn nói đến khoảng 200 triệu người di chuyển từ nơi này qua nơi khác trong nước. Chúng tôi ước tính có khoảng 50 triệu người có rủi ro nhiễm bệnh.”
Tại Trung Quốc, một kênh lây truyền AIDS khác là truyền máu, phần lớn là vào thập niên 1990.
Ông Chang, một nông dân ở tỉnh Hà Nam miền trung, đã nhiễm virut AIDS khi ông bán máu vào năm 1998. Ông nằm trong một nhóm khoảng 30 bệnh nhân AIDS ở tỉnh Hà Nam đến Bắc Kinh hồi đầu tuần này để biểu tình trước Bộ Y tế đòi được chăm sóc và bồi thường.
Người nông dân này nói rằng sau khi ông đến Bắc Kinh, một cảnh sát viên đã đề nghị ông thay vì biểu tình, thì nên nhẩy từ một cao ốc xuống mà tự tử.
Thứ trưởng Y tế Hoàng thừa nhận sự phản đối. Nhưng ông nói rằng chính phủ Trung Quốc đã tiến hành các biện pháp mạnh hơn để kiểm tra các sản phẩm plasma và kiểm soát rằng những vụ truyền máu không còn là điều ông mô tả là một “kênh chính” lây truyền bệnh AIDS.