The Museum of Innocence (Bảo Tàng Viện của sự Hồn Nhiên) - Orhan Pamuk

Thưa quý vị và các bạn, trong chương trình hôm nay chúng tôi xin giới thiệu quyển tiểu thuyết The Museum of Innocence/Bảo Tàng Viện của Sự Hồn Nhiên của Orhan Pamuk. Bảo Tàng Viện của Sự Hồn Nhiên tuy là một truyện tình tuyệt vọng nhưng tác giả đã dùng truyện tình này để nói lên nhu cầu của con người luôn tìm cho tình yêu một ý nghĩa.

Khi nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Orhan Pamuk giải Nobel Văn Chương 2006 được mời diễn thuyết ở đại học Harvard vào mùa thu năm ngoái, một trong ba bài thuyết trình của ông có tựa đề “Tiểu Thuyết Gia Hồn Nhiên và Duy Tình Cảm,” trong đó ông đã tự định nghĩa ông là người viết tiểu thuyết giữ sự cân bằng giữa hai cực Tình Cảm và Suy Tưởng.

Đối với độc giả Việt Nam Orhan Pamuk không phải là một tên tuổi xa lạ vì những tiểu thuyết xuất sắc nhất của ông đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt như các quyển “Tên Tôi Là Đỏ” và “Tuyết.” Hiện nay sách của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng, có số độc giả lớn, và tác phẩm mới của Orhan Pamuk được những người hâm mộ chờ đón.

Cũng như Gabriel Garcia-Marquez trong ba thập niên cuối thế kỷ trước, tiểu thuyết của Orhan Pamuk hấp dẫn và dễ đọc. Tháng 10 vừa qua, tác phẩm mới Bảo Tàng Viện của Sự Hồn Nhiên bản tiếng Anh do Maureen Freely dịch từ tiếng Thổ Nhĩ Kỳ mới ra mắt ở Mỹ và được những người viết điểm sách ở đây đánh giá là một quyển truyện hay, đáng đọc.

Đề tài của quyển truyện này không mới lạ - tình yêu ám ảnh hoài hủy đời người và việc tìm cho tình yêu một ý nghĩa - đã được nhiều nhà văn nổi tiếng xưa nay khai thác, chẳng hạn F. Scott Fitzgerald trong tiểu thuyết “The Great Gatsby” hay Garcia-Marquez trong “Tình Yêu trong Thời Dịch Tả.” Nhưng người đọc yêu thích Bảo Tàng Viện của Sự Hồn Nhiên trước hết vì nghệ thuật dẫn dụ người đọc tài tình của Orhan Pamuk qua cấu trúc quyển truyện bằng những chương sách ngắn xếp thành từng lớp để chuyển cốt truyện, và cách chương sách được nối lại với nhau khá tự nhiên, tạo được sự bất ngờ nên rất hấp dẫn, thúc đẩy người đọc tiếp tục tuy phải kiên nhẫn theo dõi những lớp lang.

Bằng cách viết truyện như thế hẳn tác giả muốn gợi ý chúng ta: trong tình yêu cũng như trong văn chương phải kiên trì. Tuy đây là một quyển tiểu thuyết khá dày (trên 500 trang) gồm 83 chương nhưng khi đã bắt đầu đọc người ta khó dừng lại.

Nhân vật kể chuyện là Kemal Basmaci, một anh chàng độc thân 30 tuổi, kể lại cuộc tình ám ảnh vừa cho anh những giây phút tuyệt vời vừa tàn phá đời anh, và cuối cùng Kemal đã “ủy quyển, chấp thuận” cho người bạn anh là nhà văn Orhan Pamuk viết thành truyện.

Quyển truyện mở đầu bằng những lời tâm sự của Kemal: “Đó là giây phút hạnh phúc nhất của đời tôi, dù rằng trước đây tôi không biết thế. Phải chi tôi biết được như vậy thì tôi đã ấp ủ cái tặng phẩm đó, như vậy thì mọi sự đã kết thúc khác hẳn. Vâng, nếu tôi nhận ra được cái khoảnh khắc hạnh phúc toàn hảo đó thì tôi đã chộp ngay lấy và chẳng bao giờ để vuột khỏi tay.

Có lẽ chỉ mất vài giây đồng hồ để cái trạng thái lóng lánh đó mở toang con người tôi, tôi bị tràn ngập trong một niềm an bình sâu thẳm, nhưng hình như cái khoảnh khắc đó đã bền vững trong nhiều tiếng đồng hồ, có thể là nhiều năm là khác. Trong cái khoảnh khắc đó, vào buổi trưa ngày thứ hai 26 tháng 5 năm 1975, quãng 3 giờ thiếu 15, trong lúc chúng tôi cảm thấy đã vượt qua tội lỗi và sự phạm tội, giống như trái đất đã được tháo bỏ khỏi trọng lực và thời gian.”

Cái giây phút tuyệt vời đó là hồi ức của Kemal về biến cố anh lần đầu làm tình với Fusun trong căn hộ không có người ở của mẹ anh. Kemal anh chàng độc thân vui tính ba mươi này vốn con nhà giàu, đã từng du học ở Mỹ, hiện cư trú trong khu phố Nisantasi sang trọng ở thủ đô Istanbul. Anh thừa hưởng gia tài kếch sù của cha, nối nghiệp cha làm thương mại. Và Fusun 18 tuổi là em họ anh.

Đối với phong tục Thổ Nhĩ Kỳ hành động “tiền dâm” dù cho có “hậu thú” là không thể chấp nhận được. Huống hồ chưa chắc gì giữa Kemal và Fusun đã có “hậu thú.” Vì hiện nay Kemal đang có hôn thê là Sibel, con nhà gia giáo môn đăng hộ đối, ngày cưới cận kề. Sibel là một phụ nữ trí thức, đã từng du học ở Pháp, không những đẹp mà còn rất tinh tế. Nhưng cô ta cũng đã hiến thân cho Kemal, và nếu như anh không cưới cô thì không người đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ nào sẽ lấy cô làm vợ.

Chuyện oái oăm tình cờ xảy ra như sau: Trong khi chuẩn bị hôn lễ Kemal muốn mua cho Sibel một cái túi sách tay hiệu Jenny Colon là thứ túi sách đắt tiền, và anh đã vào một tiệm bán trang phục phụ nữ để rồi tình cờ gặp cô bán hàng Fusun trẻ đẹp em họ của anh. Fusun tuy là em họ Kemal nhưng gia đình nghèo khó, nhà ở trong khu bình dân ở Istanbul.

Sau lần gặp mặt này Kemal bị ám ảnh về mặt tình dục nặng nề nên tìm cách chiếm đoạt cô gái trẻ đẹp đang có tham vọng trở thành một ngôi sao điện ảnh này. Nhưng vì Kemal chỉ muốn giữ Fusun như một thứ “bồ nhí” cho nên Fusun không bằng lòng và sau này làm đám cưới với một tay có mộng làm biên đạo điện ảnh nhưng không thành công.

Orhan Pamuk lấy Istanbul thủ đô yêu dấu của ông làm nơi cuộc tình của Kemal và Fusun diễn tiến. Qua những mô tả Istanbul người đọc biết được những nét độc đáo của cái thủ đô này, nào là kỹ nghệ quảng cáo tiếp thị, kỹ nghệ điện ảnh, và cả những chốn ăn chơi trụy lạc, trong cái xã hội đó người dân Thổ kẻ thì lao đầu làm giàu kẻ thì say sưa hưởng thụ.

Tác giả muốn ghi hằn trong những trang sách sự đối nghịch bất khả dung chứa giữa truyền thống và hiện đại. Sự giàu sang xa hoa của Istanbul được Orhan Pamuk cực tả trong bữa tiệc đính hôn của Kemal với Sibel ở khách sạn Istanbul Hilton sang trọng quy tụ đông đảo những kẻ giàu có ở thủ đô với rượu quý chợ đen, y phục phụ nữ thuộc loại đắt tiền nhập cảng, trang trí lộng lẫy theo kiểu Tây phương…

Kemal tổ chức bữa tiệc này cốt để làm cha mẹ hài lòng, anh làm ra vẻ hạnh phúc bên Sibel nhưng thực ra trong lòng đang rối bời vì sợ mất Fusun. Tác giả cũng còn làm người đọc bất ngờ khi cho cả Fusun lẫn ông bạn nhà văn Orhan Pamuk của Kemal dự bữa tiệc này và khiêu vũ với nhau.

Thực ra Kemal là một kẻ sống khá dửng dưng với thực tại chính trị xã hội của đất nước, hầu như không để ý tới những hỗn loạn chính trị, sự cuồng nộ của người dân bị áp chế. Thế nhưng, anh lại là một kẻ thích sưu tập những thứ có liên hệ tới kỷ niệm quá khứ.

Trong khi sống với Sibel tâm tưởng anh vẫn vương vấn bóng dáng mùi hương thân thể Fusun nên không những không hạnh phúc mà còn mất Sibel vì vợ anh đã rơi vào vòng tay một người bạn giàu có của anh. Dù cho Fusun đã lập gia đình Kemal vẫn miệt mài theo đuổi, anh thường trực là khách thăm viếng của vợ chồng Fusun, vì anh muốn có cơ hội thường trực gần gũi Fusun.

Đi xa thêm một bước nữa, Kemal sưu tập tất cả những đồ đạc ghi dấu kỷ niệm những ngày yêu nhau với Fusun, những gì có dấu tích thân xác Fusun, từ lọn tóc nàng để lại trên gối, đôi dép đi trong nhà, quần áo lót, ly tách uống nước, những món nữ trang kể cả hàng ngàn mẩu thuốc lá và hàng tá cái gạt tàn thuốc của Fusun… Trong số này có những thứ Kemal đã lén lấy trộm khi đến chơi nhà vợ chồng Fusun. Anh sưu tập bất kỳ vật gì Fusun đã chạm tay tới. Và chất hết những thứ đó thành một “bảo tàng viện” trong căn nhà của mẹ anh trước đây hai người đã hò hẹn làm tình. Đó là cái Bảo Tàng Viện của sự Hồn Nhiên.

Hành vi quái đản này của anh đã khiến bạn bè thân quen riễu cợt cười chê nhưng anh vẫn tỉnh lờ. Buổi đầu Kemal nghĩ rằng mình có thể có được tất cả, cả vợ đẹp hôn nhân hạnh phúc lẫn người tình trẻ trung hấp dẫn tuyệt vời. Nhưng cái kết thúc thảm họa ai cũng có thể đoán trước trừ Kemal. Trong những năm sau đó cuộc sống của Kemal càng ngày càng suy xụp.

Cái kết cục của quyển truyện khá khôi hài, riễu nhại kiểu hậu hiện đại xảy ra như sau: Kemal gặp ông bạn nhà văn nổi tiếng Orhan Pamuk, say mê kể lại công trình thiết lập Bảo Tàng Viện của Sự Hồn Nhiên của mình rồi nhìn thẳng vào mắt Orhan Pamuk tuyên bố: “Cũng tương tự như Flaubert khi đang viết quyển tiểu thuyết “Bà Bovary” khởi hứng từ Louise Collet yêu dấu của ông ta, người phụ nữ ông ấy đã làm tình trên xe ngựa và trong những khách sạn tỉnh nhỏ, đúng như trong truyện kể lại, ông ta vẫn giữ trong ngăn kéo bàn một lọn tóc của cô ta, cùng với một tấm khăn tay và một đôi dép của cô ấy để hồi tưởng bước chân cô ấy đi – như anh chắc đã biết rõ khi đọc những bức thư của ông ấy.”

Sau đó Kemal giao trọn quyền cho Orhan Pamuk lấy truyện tình của mình để viết thành một quyển tiểu thuyết. Kemal cũng cho ông bạn nhà văn những chi tiết khá thú vị. Chẳng hạn khi Fusun đã lấy chồng, Kemal đã ghi vào sổ tay “trong thời gian 409 tuần lễ, tôi đã đến nhà hai vợ chồng này 1593 lần.”

Như chúng ta đã thấy nhân vật tiểu thuyết trong quyển Bảo Tàng Viện cũng như trong các tác phẩm trước đây của Orhan Pamuk không phải là những nhân vật tiểu thuyết ghi đậm nét trong trí người đọc, tên nhân vật gắn liền với tên nhà văn đã sáng tạo ra nhân vật đó. Nhưng tại sao người đọc vẫn thấy thích thú khi đọc quyển truyện này?

Như trong những bài thuyết trình ở đại học Harvard chúng tôi có nói đến ở trên, Orhan Pamuk là nhà tiểu thuyết sữ dụng nhân vật để triển khai cốt truyện nhằm dẫn dắt người đọc đồng cảm, tham gia vào thế giới tiểu thuyết của ông. Một mục tiêu khác của Orhan Pamuk là viết truyện tình để chỉ ra rằng: trên hết thảy, chúng ta dù tuyệt vọng, vẫn ở trên lộ trình tìm cho tình yêu một ý nghĩa dù cho tình yêu, như triết gia Nietzsche đã từng cho rằng “Trong bất cứ tình yêu nào cũng có một giọt nhỏ điên cuồng nhưng cũng có một giọt lý trí trong sự điên cuồng đó.”

Mời quý vị bấm vào đường dẫn bên phải để nghe chương trình này.