Hoàng Ngọc Ẩn, người mang thơ đến với âm nhạc

Trong thơ vốn có nhạc, trong nhạc tràn ngập thơ, cho nên cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi thơ Hoàng Ngọc Ẩn đã được rất nhiều nhạc sĩ phổ thành ca khúc.

Chỉ riêng trong nhạc Việt Nam thôi, cho đến hôm nay có lẽ không ai trong chúng ta có thể nhớ hết có bao nhiêu bài thơ đã được phổ nhạc. Ngay cả giây phút này đây có thể đúng là lúc một bài thơ đang được chào đời, và cũng ngay giây phút này đây, có thể ở một nơi nào đó, một bài thơ khác đang được xếp vào cung bậc để trở thành ca khúc.

Và cũng có thể một bài thơ tự nó đã có thể trở thành một bài nhạc như trường hợp Hoàng Ngọc Ẩn, hay nói như nhạc sĩ Trường Kỳ: “Hoàng Ngọc Ẩn, người mang thơ đến với âm nhạc.”

Anh đi, rừng chưa thay lá
Em về, rừng lá thay chưa?
Phố cũ bây chừ xa lạ
Hắt hiu đợi gió giao mùa..

Xuân xưa mình chung đôi bóng
Xuân này, mình ngóng trông nhau
Hun hút phương trời vô vọng
Nhớ thương bạc trắng mái đầu

Em có về qua phố cũ?
Phố phường chừ đã đổi thay
Thương em, nửa đời hoang phế
Thương ta, chịu kiếp lưu đày

Xuân nay, mình em lẻ bóng
Có còn tiếc nhớ xuân xưa
Dài tay đếm từng nhung nhớ
Em ơi, đợi gió giao mùa…


Đó là bài thơ Rừng Lá Thay Chưa của Hoàng Ngọc Ẩn, ghi lại tâm sự của những người phải xa nhau một thời vì biến nạn lịch sử 75, được nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ nhạc. Bài hát được rất nhiều ca sĩ nổi danh tại hải ngoại trình bày. Trong chương trình này, Bích Huyền chọn giọng hát Thúy Vy, với thể điệu nhạc rộn ràng tươi trẻ…

Phổ nhạc một bài thơ là ghi lại lời thơ trong ý nhạc, bằng những giai điệu, bằng những cung bậc mà người nhạc sĩ cảm nhận được. Như chúng ta đã biết, trong thơ vốn có nhạc, trong nhạc tràn ngập thơ, cho nên cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi thơ Hoàng Ngọc Ẩn đã được rất nhiều nhạc sĩ phổ thành ca khúc, như Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Lê Uyên Phương, Việt Dzũng, Hoàng An, Hoàng Văn, Hoàng Cầm... và còn nhiều nhạc sĩ tài danh khác nữa.

Mỗi bài thơ của Hoàng Ngọc Ẩn lấp lánh rất nhiều màu sắc, nhất là những kỷ niệm ngọt ngào của một thời đã xa. Một thời biết yêu, một thời được yêu, và một thời xa cách… mà đời người dường như ai cũng trải qua.

Tôi tiễn em, rồi ai tiễn tôi?
Chiều thu hoa lá rụng tơi bời
Em đi biển động đau lòng sóng
Lũng thấp, trời cao cũng ngậm ngùi


Giọng hát Tuấn Ngọc vừa gửi đến quý vị và các bạn tình khúc Đêm Giã Từ Đà Lạt, Trần Quan Long phổ thơ Hoàng Ngọc Ẩn, Bích Huyền trích từ CD Bến Lỡ với 10 tình khúc Hoàng Ngọc Ẩn, phần hòa âm ghi tên nhiều nhạc sĩ như Hòang Tuấn, Tuấn Ngọc, Chí Tâm v…v… Điều đó chứng tỏ CD của Hoàng Ngọc Ẩn được rất nhiều người chăm sóc, thương yêu.

Nhạc sĩ, thi sĩ Hoàng Ngọc Ẩn hiện đang định cư tại Thành phố Houston, Texas. Ông là một trong những người Việt Nam đầu tiên tỵ nạn chính trị sau tháng tư năm 1975. Nói cho chính xác, nhờ làm việc trong Tòa Đại sứ Mỹ, ông và gia đình đã nhanh chóng được di tản và đặt chân lên lên Thành phố Houston vào ngày 16/6/1975, bỏ lại Sài Gòn sau lưng với muôn vàn kỷ niệm.

Chiều đang xuống trong hồn mây phiêu lãng
Gió không màu vì nhạc lạnh đêm tang
Hương ngàn hương điếng cả ngõ tơ đàn
Sao rụng xuống thi nhau tìm hoa ngọc

Ai tìm ai giữa hồn thơ đang khóc
Để một chiều kinh nguyện đắng im hơi
Mê hồn mê… tim loãng nỗi chơi vơi
Cung Nguyệt Lệ vào trời Xuân Nguyện Ước

Hồn bay lên theo cung nga diệu vợi
Hút thiên đường và ý lạc không gian
Lỗi nhịp tiền duyên
Tan giấc mộng vàng…
Hồn vỡ vụn tan ra thành từng mảnh
Rơi xuống…
Hồn thơ đang lạnh!


Bích Huyền xin phép trích đoạn lời dẫn nhập của Hồ Huấn Cao tức nhà thơ Du Tử Lê trong tập thơ Rừng Lá Thay Chưa, để kết thúc chương trình này:

Trong thơ Hoàng Ngọc Ẩn, thời gian, không gian làm nền lót cho những hình ảnh quen thuộc, cho những gợi khêu cảnh tượng muôn đời còn lấp lánh trong ký ức nhân gian.

Tiếng hát khơi dòng thương nhớ xưa
Mênh mang trời đất mới giao mùa
Ở đây ta vẫn sầu cô quạnh
Vẫn nhớ thương về năm tháng quà.

Mời quý vị bấm vào đường dẫn bên phải để nghe chương trình này.