LHQ: Cuộc sống trẻ em đang cải thiện

Hai mươi năm kể từ khi Liên Hiệp Quốc có công ước bảo đảm quyền của trẻ em, cuộc sống của thành phần này đã thay đổi khá nhiều. Nhưng Liên Hiệp Quốc nói vẫn còn nhiều việc cần làm – chẳng hạn ngày nay vẫn còn hàng trăm triệu trẻ em thiếu cả nhu yếu phẩm cơ bản là thực phẩm; và vấn đề săn sóc y tế cũng như bạo hành trẻ em vẫn là một vấn nạn trên thế giới. Phái viên Selah Hennessy của VOA gửi về bài tường trình chi tiết từ London.

Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF, vừa công bố bản phúc trình đặc biệt nhằm đánh dấu kỷ niệm thứ 20 ngày có Công ước về quyền trẻ em.

Ông David Anthony, tác giả bản phúc trình, nói rằng một cách tổng quát đời sống trẻ em trên thế giới đã được cải thiện trong 20 năm qua.

Ông Anthony cho biết: “Trong thời kỳ này, chúng ta đã thấy những tiến bộ vượt bậc về tỉ lệ sống sót và sự phát triển của trẻ em. Chẳng hạn, ngày nay bình quân có ít hơn 10 ngàn trẻ em chết mỗi ngày so với năm 1990, có nghĩa là cả triệu sinh mạng trẻ em đã được cứu sống trong những năm qua.”

Phúc trình của UNICEF liệt kê hàng loạt những số liệu khả quan cho thấy những bước tiến lớn trong chất lượng đời sống trẻ em. Bản phúc trình nói 84% tổng số trẻ em trên thế giới ở tuổi học cấp 1 được đến trường và hố ngăn cách giới tính đang hẹp dần lại. Và nhiều bước quan trọng đã được áp dụng để bảo vệ trẻ em, khiến chúng khỏi bị đẩy ra trận hay bị bán vào con đường buôn bán tình dục.

Nhưng ông Anthony nói con đường phải đi vẫn còn dài: vẫn còn cả tỉ trẻ em hãy còn sống không có cả những nhu yếu phẩm cơ bản như nước sạch và đồ ăn. Ông cho biết còn cần thiết phải làm nhiều điều liên quan đến bảo vệ trẻ em và cho các em có thêm quyền bày tỏ ý kiến. Ông Anthony nói những vấn đề này có tính cách toàn cầu.

Ông nói: “Ta có thể thấy rằng, bạo hành trẻ em là một điều xã hội nào cũng có. Tôi nghĩ vấn đề bảo vệ trẻ em và cho chúng được tham gia ý kiến, là những điều cần thực hiện tại cả các quốc gia giàu cũng như nghèo. ”

Hơn 70 quốc gia đã áp dụng những nguyên tắc của công ước vào luật pháp của họ. Chỉ có 2 nước trên thế giới, Somali và Hoa Kỳ là không ký vào công ước. Lý do chậm trễ của Mỹ là người dân không thích chính phủ can thiệp vào đời sống gia đình.

Ông Anthony nói mặc dù công ước bảo vệ trẻ em có hậu thuẫn to lớn nhất so với bất kỳ công ước về nhân quyền nào khác, nhưng không phải mọi nước đều thực thi những nguyên tắc cơ bản của nó.

Ông cho biết: “Một trong những điểm chính mà phúc trình này muốn nhấn mạnh là vấn đề thực thi. Các nước ký vào những thỏa ước, thì phải có nhiệm vụ thực thi các thỏa ước đó nữa, và đảm bảo rằng toàn thể các quyền của con em của họ phải được đáp ứng.”

Sau cùng, bản phúc trình cho biết bất chấp những tiến bộ đạt được, mỗi ngày vẫn có 24 ngàn trẻ em dưới 5 tuổi chết đi vì những lý do rõ ràng có thể phòng tránh. Phúc trình nói thêm rằng trên thế giới hiện nay có khoảng 150 triệu trẻ em từ 5 tới 14 tuổi phải tham gia lao động.