Phúc trình mới nhất của Transparency International cho biết Miến Điện là một trong ba nước có nạn tham nhũng nhiều nhất.
Phúc trình này đặt Miến Điện ngang hàng với Somali và Afghanistan, những nước bị gọi là “bấp bênh và không ổn định”. Somali bị xếp là nước tham ô nhất, Afghanistan đứng hạng nhì.
Nhóm Minh Bạch Quốc Tế nói cuộc khủng hoảng Tài chánh và những thay đổi chính trị khắp châu Á vào năm 2008 đã gây ra những suy yếu làm gia tăng hạng bậc tham nhũng đối với nhiều nước.
Các nước Kampuchea, Lào, Đông Timor và Việt Nam đứng gần đáy bảng trong danh sách 180 nước.
Tuy nhiên nhóm này cũng ghi nhận được vài sự cải thiện. Theo họ Indonesia còn ở xa mục đích nhổ tận gốc tệ nạn, nhưng ủy ban tham nhũng của nước này đã kết tội được một số giới chức cao cấp.
Tổ chức trên ca ngợi những cố gắng của Trung Quốc khi truy tố các công nhân viên và các bộ trưởng tham nhũng, tuy vậy thành tích của nước này trên bảng phân hạng cũng còn kém.
Theo nhóm Minh Bạch Quốc Tế, khi không có những định chế cần thiết hoặc những định chế đó quá yếu kém, thì người ta không kiềm chế nổi tình trạng tham nhũng.
Chủ tịch nhóm là Huguette Labelle nói, muốn hạ giảm tệ nạn, các nước cần có sự giám sát của quốc hội, một ngành tư pháp hiệu quả, một ngành chấp pháp mạnh mẽ và một ngân sách công cộng minh bạch.
New Zealand được xem là quốc gia ít tham nhũng nhất.
Ông Patrick Berg là một người Điều hợp Chương trình cho tổ chức Minh bạch Quốc tế, một tổ chức nỗ lực phòng chống tham nhũng và nêu cao nhận thức của công luận về vấn đề này.
Ông Berg nói: "Một cách tổng quát, chúng tôi thấy không có thay đổi gì nhiều so với năm ngoái. Chúng tôi thấy có một số lượng lớn các quốc gia vẫn còn phải đi một bước khá xa mới có thể gia tăng lòng tin của công chúng đối với những định chế của họ.”
Ông Patrick Berg nói thêm là tham nhũng là trách nhiệm của mọi người, của các định chế dân sự, của các công ty và chính phủ. Tuy nhiên chính phủ cần có những sáng kiến rõ rệt để loại trừ tham nhũng.
Theo ông Berg: “Mối quan tâm của một chính phủ trong việc giảm bớt tham nhũng là cung cấp những dịch vụ tối hảo cho người dân, bảo đảm an ninh tốt hơn và gia tăng lòng tin của dân chúng và dĩ nhiên điều này sẽ có ảnh hưởng tích cực trong việc phát triển doanh thương và do đó làm lợi cho quốc gia.”
Khi ở trong tình trạng nghèo khó thì tham nhũng ảnh hưởng đến người dân nặng nề nhất. Tại một vài nước nước giàu nhất, tham nhũng có thể là một vấn đề chính. Tuy nhiên, người dân ở đó vẫn được chăm sóc sức khỏe và có nước sạch trong nhà.
Theo ông Robin Hodess, giám đốc về chính sách và nghiên cứu của Tổ chức Minh bạch Quốc tế thì sự ổn định rất quan trọng.
Ông Hodess nói: “Qua thời gian, chúng tôi thấy chắc chắn là tại nơi nào hệ thống ổn định, nhà nước có những chương trình đầu tư tốt, và có một hệ thống báo chí tự do, hoạt động và cởi mở thì ở những nơi đó có sự tăng tiến rõ rệt.”
Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho biết là điểm sáng trong năm 2009 là có những tiến bộ trong việc xây dựng một cơ chế duyệt xét để thi hành công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng.