Được xây dựng dọc theo con sông Chao Praya tại khúc sông gần ra tới biển, từ lâu Bangkok vẫn dễ bị lụt. Quy hoạch đô thị yếu kém và bành trướng cẩu thả làm cho vấn đề trở nên tệ hại hơn. Và hiện tại, như phái viên của VOA Ron Corben tường trình từ thủ đô Thái Lan, tình hình biến đổi khí hậu lại còn dễ gây ngập lụt cho nơi này nhiều hơn.
Trận bão gần đây nhất đổ mưa ào ạt xuống Bangkok làm xe cộ phải bò từng bước và mau chóng gây lụt cho những vùng thấp.
Tình trạng ngập nước là nét đặc trưng tại thành phố 10 triệu dân này. Thường thì nước rút đi trong vài giờ. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia về khí hậu và các nhà quy hoạch đô thị, những vụ lụt trong tương lai có thể tác hại lâu dài do mực nước biển dâng cao.
Nhiều phúc trình cảnh báo hiểm họa nước dâng cao tại thành phố này cùng những khu vực khác ở thế đất thấp. Nhóm bảo vệ môi trường WWF đặt Bangkok cùng với Dhaka, Manila, Calcutta, Phnom Penh, thành phố Hồ Chí Minh và Thượng Hải, là những nơi dễ bị nạn lụt lớn nhất.
Nhóm Nghiên cứu về Biến đổi Khí hậu liên chính phủ thuộc Liên Hiệp Quốc đưa Bangkok vào danh mục 20 thành phố lớn đang bị đe dọa vì mực nước biển dâng cao.
Samith Dharmasaroja là cựu Bộ trưởng Bộ Khí Tượng Thủy Văn của Thái. Ông được tiếng là đã sớm đưa ra cảnh báo vùng duyên hải Thái Lan có thể dễ bị hiểm họa sóng thần. Nhưng mọi người đã làm ngơ trước lời cảnh báo của ông cho đến khi xảy ra trận Sóng Thần khủng khiếp tại Ấn Độ Dương hồi tháng 12 năm 2004.
Đến nay ông Samith lại cảnh báo rằng nước biển có thể sẽ tràn ngập Bangkok trong vòng 2 thập niên. Ông nói lần này người ta cũng ít để ý đến điều ông nói, và nếu không làm gì cả, Bangkok có thể sẽ bị ngập lụt mãi mãi.
Ông Samith nói: “Phải, thành phố này sẽ bị xóa sạch. Một số người còn ráng nói, không đâu, mình sẽ di chuyển thủ đô tới một nơi khác. Nhưng không dễ như vậy. Chuyển cả một thủ đô với 10 triệu dân tới một nơi khác! Và nào phải chỉ có khối người cần chuyển đi, còn các trường đại học, nhiều văn phòng chính phủ, cao ốc văn phòng, bệnh viện, v.v…. Có thể di chuyển mọi thứ không, hay là rồi tất cả sẽ chìm dưới nước?”
Theo ông Samith, chính phủ nên xem xét việc xây dựng một hệ thống đê điều dài 80 kilomet tại cửa sông Chao Phraya để ngăn triều cường. Ông ước tính tổn phí có thể lên đến trên 3 tỉ đôla.
Tình trạng trái đất nóng lên cũng khiến mực nước biển dâng cao, vì việc tan băng tại các vùng cực và nhiệt độ tăng cao làm gia tăng thể tích nước. Vấn đề sẽ được đưa lên nghị trình tại các hội nghị về khí hậu toàn cầu ở Copenhagen vào tháng tới. Tuy nhiên, chưa có dự định nào tại hội nghị Copenhagen liên quan tới việc giúp đỡ các quốc gia đang phát triển chống lại hiện tượng nước biển dâng cao.
Bangkok từng được coi như Venice của phương Đông vì hệ thống kinh rạch của nó. Để phòng tránh lụt, thành phố có một hệ thống tường thành ngăn nước, trạm bơm, hồ chứa nước và nơi tạm chứa nước tràn ở hướng bắc.
Nhưng ông Samith cũng như nhiều chuyên gia khác nói những biện pháp đó có thể chưa đủ. Lý do là thành phố này đã bành trướng quá lớn trong 30 năm qua, và lan ra những khu vực trũng.
Ông Danai Thaitakoo, giảng viên khoa kiến trúc thuộc đại học Chulalongkorn, Bangkok, nói rằng do quy hoạch yếu kém và nhu cầu phát triển đô thị, nhiều con kinh đã được lấp đất để làm đường đi và những công trình khác. Ông nói những con kinh đã không còn được hiểu là dùng để tháo nước trong trường hợp bị lụt. Bangkok không có những cấu trúc để tháo nước lụt, cho dù chỉ là tạm thời.
Ông Danai nói rằng những người hoạch định cần nghĩ tới việc khôi phục hệ thống kinh rạch. Ông nói Bangkok cũng đối mặt với hiểm họa bờ biển bị xói mòn vì mực nước biển dâng cao và bão tố. Các khoa học gia khác cảnh báo tình trạng lún đất dưới thành phố cũng làm tăng thêm các vấn đề lụt lội.
Ông Bhijit Rattakul, cựu đô trưởng Bangkok từng phải đối phó với vấn đề lụt lội lúc còn tại vị năm 1990, nói rằng nước từ biển dâng cao và nước thoát từ khu vực phía bắc đều đổ về thành phố.
Ông nói thêm: “Những sự việc như vậy sẽ tạo nên một toàn cảnh là một trận lụt không phải loại bình thường lâu 5 hay 6 tiếng đồng hồ mà là một trận lụt kéo dài nhiều ngày liền.”
Tuy nhiên, các kỹ sư tại cơ quan Quản Lý Bangkok và vùng Phụ Cận vẫn tin tưởng rằng những phương pháp kiểm tra lụt hiện thời sẽ bảo vệ được Bangkok vào những năm tới đây.
Vào những năm 1983 và năm 1995 Bangkok từng bị lụt nghiêm trọng. Kể từ đó, chính phủ đã xây dựng 77 kilomet bức thành chống lụt dọc bờ sông. Các kỹ sư không được phép tiết lộ danh tính, nói với VOA rằng các bức thành đó cao 1 mét, và theo nhiều cuộc nghiên cứu thì mực nước trong nhiều thập niên sắp tới sẽ chỉ tăng lên khoảng 33 centimet.
Các kỹ sư cho biết họ sẽ tiếp tục tìm hiểu vấn đề, nhưng họ cần có bằng chứng rõ rệt rằng thành phố bây giờ thật sự cần những công trình sửa đổi, để lấy đó làm lý do yêu cầu chính phủ cấp thêm ngân khoản chống lụt.