Các thương thuyết gia cấp cao tại một Hội nghị Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Barcelona cho biết một hiệp ước về môi trường có tính cách cưỡng chế về mặt pháp lý sẽ bị trì hoãn. Vào ngày sau cùng của hội nghị kéo dài một tuần lễ, các lãnh đạo trên thế giới nói rằng một hiệp ước về khí hậu toàn cầu có thể sẽ bị trì dời lại đến một năm. Từ Luân Đôn, thông tín viên Selah Hennessy của VOA gửi về bài tường trình chi tiết.
Các đại diện đến họp tại Barcelona nguyên một tuần lễ nhằm đưa ra một kế hoạch có thể lót đường cho 192 quốc gia ký kết một thỏa thuận khí hậu thế giới có tính cách cưỡng hành về mặt pháp lý, vào tháng tới.
Nhưng nay, ông Yvo de Boer, Bí thư chấp hành kế hoạch tạo Khung sườn cho Thỏa ước Biến đổi Khí hậu Liên Hiệp Quốc lại nói rằng bất kỳ quyết định nào được đưa ra vào tháng tới tại Copenhagen sẽ chỉ có tính cách "ràng buộc về đạo đức"; và rằng một thỏa thuận có tính cách ràng buộc về pháp lý có thể cần cả năm mới xong.
Lên tiếng tại Ấn Độ, Thủ tướng Thụy Điển Fredrik Reinfeldt nói với các ký giả rằng lý do cho sự trì hoãn này là vì một số nước chưa sẵn sàng về chính trị để ký vào thỏa ước.
Ông Reinfeldt cho biết: "Điều chúng tôi biết được là loại hiệp ước có tính cách ràng buộc pháp lý, chẳng hạn như loại hiệp ước mà chúng tôi đã có được ở bên trong Liên Hiệp Châu Âu, có thể không đạt được bởi vì một vài nước như Hoa Kỳ nói rằng họ không có hậu thuẫn tại quốc hội để phê chuẩn một hiệp ước quốc tế về vấn đề này."
Tuy nhiên tại Barcelona, ông Hugh Cole thuộc tổ chức từ thiện Oxfam nói rằng các vị lãnh đạo châu Âu cần chú tâm vào sự thiếu ý chí về chính trị của chính họ thì hơn.
Ông Cole nói: "Điều chúng tôi lo ngại là thật sự họ đang vin vào cớ Hoa Kỳ thiếu ý chí trong việc đạt tới một hiệp ước."
Ông Cole cho rằng không khí chung tại hội nghị Barcelona hôm nay là thất vọng. Theo ông, chính các quốc gia đang phát triển sẽ bị tác hại nặng nhất bởi sự đình đốn này.
Ông nói thêm: "Chúng tôi cũng thấy được sự va chạm giữa chính trị và những quyền lợi đặc biệt tại những nước giầu, chúng tương phản hẳn với những tác hại thực tế mà dân chúng tại thế giới đang phát triển phải gánh chịu. Chúng tôi đang nói tới các nông gia bị thất thoát mùa màng; chúng tôi nói tới những người đang phải tập sống chung với hạn hán và lụt lội thường xuyên hơn. Chúng tôi đang nói tới chuyện nhiều thiên tai xảy ra hơn, và mức độ bệnh hoạn gia tăng nhiều hơn. Đó là những tác hại đang được cảm nhận ở đây và bây giờ trong thế giới đang phát triển."
Vào trước đây trong tuần các đại diện Châu Phi đã tẩy chay một số các cuộc thảo luận bởi vì họ cho rằng các nước công nghiệp phát triển không đưa ra được những lời hứa cụ thể về việc cắt giảm khí thải nhà kính. Họ nói các nước giầu phải có những cam kết về tài chánh để giúp những nước đang phát triển đối phó với thay đổi do tình trạng biến đổi khí hậu gây nên.
Liên Hiệp Châu Âu đã nói các nước đang phát triển sẽ phải cần tới gần 150 tỉ đôla viện trợ mỗi năm từ nay đến năm 2020 để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu.
Theo ông Cole thì vẫn còn khả năng đạt được một thỏa thuận tốt đẹp về khí hậu tại Copenhagen vào tháng tới.
Ông Cole cho rằng: "Điều đang được thảo luận là chúng ta sẽ có một thời kỳ cam kết thứ nhì của nghị định thư Kyoto, là văn bản hiện nay không bao gồm Hoa Kỳ, và rồi chúng ta sẽ có một thỏa thuận riêng ràng buộc Hoa Kỳ vào chính những mục tiêu thiểu khí thải chưa được thực hiện của họ."
Được biết nghị định thư Kyoto là một văn kiện có tính cách ràng buộc pháp lý năm 1997 được 37 quốc gia đặt bút ký. Các mục tiêu hiện tại của nghị định thư này sẽ chấm dứt vào năm 2012.