Made in Canada

Made in Canada

Hồ Đình Nghiêm. Sinh năm 1957 tại Huế. Học xong Cao đẳng Mỹ thuật năm 1978. Làm thuyền nhân năm 1980. Viết truyện ngắn đầu tay ở trại tị nạn Kowloon, Hồng-kông. Định cư ở Montréal, Canada từ 1981. Đã xuất bản 4 tập truyện: Nguyệt Thực, Văn Nghệ, California 1988; Tờ Mộng Rách Rồi, Tân thư, Thời văn, California 1991; Vầng Trăng Nội Thành, Văn Mới, Cali. 1997; Mùi Hương Trên Đồi, Văn Mới, Cali.2005.

...Sau cùng, một ngày xấu trời trong tháng Tư hắn được leo lên máy bay, mang bồi hồi theo hành lý nhẹ tênh để sang tới vùng đất mà tiếng Quảng Ðông gọi là Ca-lã-tài.

Phi trường Kai Tak hôm ấy nhiều mây. Những cao ốc chôn vùi trong tấm màn xám buông che, nặng đục. Biển động và Hồng Kông tiễn đưa hắn bằng những giọt nước. Mưa sợi ngắn sợi dài. Chiếc máy bay của hãng hàng không KLM lấy bình phi. Hắn nhắm mắt lại, bềnh bồng trong đầu bài hát của Kansas: '... all my dreams, pass before my eyes a curiosity. Dust in the wind'

Người hắn không có giấy căn cước khai sanh. Tùy thân trong túi hai mẫu giấy mỏng: Màu hồng là giấy nợ tiền vé máy bay. Màu vàng là giấy chứng thực đệ tam quốc gia thu nhận cho định cư. Bản sao lem nhem, chữ nghĩa mù mờ. Tên họ, ngày tháng năm sinh. Vô gia đình. Vô tổ quốc. Và vô sản. Sạch sành sanh. Không luôn cả mộng mị. Thật là diễu cợt, một đứa như vậy mà đi cũng được nửa vòng trái đất. Sự độc ác và lòng nhân từ của con người đã đẩy hắn đi xa, không trông mong chẳng lựa chọn một đích tới. Đâu cũng được bởi hắn chẳng có quyền mặc cả.

Trong trại tị nạn, phái đoàn Canada có chiếu phim dài nửa giờ nhằm giới thiệu vài nét đặc thù về xứ sở mà bạn sẽ tới cư ngụ. Cánh đồng lúa vàng mênh mông, hút mắt. Ngũ đại hồ hút mắt, mênh mông. Mọi thứ đều phì nhiêu, đồ sộ. Mùa đông, tuyết đổ xuống; và chính nó, nới rộng cái lãnh thổ ấy thêm bằng sự trinh trắng khiếp đảm. Tĩnh lặng. Một màu tang tóc. Hắn mường tượng ra cảnh đoàn quân của Đức bị kềm giữ trước tuyến đầu, bên kia Mạc Tư Khoa bình chân như vại trong tuyết giá. Chỉ có gió hú, chỉ có bông tuyết bay tơi bời, và Đức xin giã từ vũ khí.

Canada, cái tên gọi chẳng đánh động vào đầu một hình ảnh nào. Hắn nhớ ở vào tuổi mười hai, hơn một lần hắn từng gọi thầm: Canada. Dạo đó gia đình đồng ý ký giấy cho phép hắn gia nhập môn phái Judo. Võ đường chẳng có gì ngoài một tấm thảm khá dày đặt vuông vức giữa căn phòng hình chữ nhật. Có một chị thắt đai nâu luôn giúp cậu bé vị thành niên tập té cho đúng phương pháp. Chị ấy khoảng mười sáu mười bảy tuổi. Không đẹp như Tiểu long nữ nhưng trong bộ võ phục thường hay xộc xệch chị vẫn để lộ nhiều cái đáng yêu, đáng mê mệt. Hắn rất ham muốn có ngày được bấu tay vào hai chéo áo của chị để thi triển đòn hy sinh. Bộ võ phục của chị thuộc loại rẻ tiền, lấy từ bao đựng bột mì mà cắt may vá viú và lúc nào dòm lén chị ấy, hắn cũng đọc ra được hàng chữ Made in Canada in mực xanh dưới nách ướt đẫm mồ hôi. Người chị luôn thơm tho, nếu có ai ngửi phải mùi chua thì xin hãy hiểu cho bao đựng bột mì nào cũng có mùi ấy cả. Chua nhưng quyến rũ, cố tìm cách dúi đầu vào cho đối tượng kẹp cổ khóa tay.

Bạn đồng môn chẳng có ai dễ thân cận, chúng nó ngó màu đai mà huênh hoang chia đẳng cấp. Hắn thắt đai trắng, màu trinh nguyên, rụt rè và thủ phận. May mà có sư tỉ độ lượng, đẹp cả nết lẫn người. Hắn ưa lân la gần gũi bên người. Và hắn hỏi:

- Canada là chốn nào hả chị?

Nghe hỏi, chị mơ màng. Lông mày rậm nhíu lại, như bờ đê ngăn chận những giọt mồ hôi từ trán trôi chảy xuống. Chị luôn xông xáo, chị luôn xuất hạn đầm đìa, người không khi mô chịu khô. Từ bản thân, chị mang một vẻ đẹp ướt át, gợi cảm.

- Là một nơi nằm trên trái đất.

Chị trả lời, vẻ quả quyết. Và với hắn, dường như đó là lời giải thích thơ mộng nhất, đáng yêu nhất. Có một thứ gì đó nẩy mầm giữa hai đứa ngoài sự liên hệ tình đồng môn. Chị thường nhờ hắn đứng án ngoài lối đi để sau tấm bình phong chị an tâm thay đổi áo xống. Nếu có kẻ nào đột nhập, nói theo ngôn ngữ kiếm hiệp, trước hết hãy bước qua xác của ta. Hắn sẵn lòng làm đồng minh, mà dường như chị ấy cũng tin rằng hắn có thể bảo vệ chị trong những tình huống gay cấn nọ. Ít nhất thì hắn cũng biết hét lên để báo động. Và chị, tuyệt đối chẳng hề muốn một ai trông thấy da thịt lụa là của mình.

Khi thắt đến đai màu cam, hắn bị gãy tay trong một lần thi đấu. Tai nạn kia là cái dấu chấm nằm cuối con đường võ thuật. Nó tựa một đoạn kết không có hậu dành cho mối tình đầu của hắn. Hắn đến tìm “người ấy” ở võ đường với cánh tay băng bột. Hắn đi theo “người ấy” một đoạn đường vắng. Hắn trao tặng bộ võ phục “Made in Japan” của mình và được đánh đổi bằng hàng chữ người ấy viết trên cánh tay bó bột trắng, cứng như một khúc củi: “If you are afraid of loneliness, don’t marry.”

Rồi đời sống bắt người ta tuân thủ một lề luật: Chia xa. Bao giờ cũng vậy, đời luôn bày biện những nẻo đường nghịch hướng. Hắn lên Đà Lạt trọ học sau đó và bấy giờ hắn mới biết tác giả câu mà chị viết kia là của Anton Chekov. Nếu vị sư tỉ võ công cái thế kia bị chấn thương, bị băng bột; có cơ hội hắn sẽ không ngần ngại ghi cảm tưởng: “Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng? Em ơi đừng tưởng thế là xong!” (Chẳng có chuyện “Trời ơi, người ấy có buồn không?”)

Năm, sáu, bảy, tám năm trôi đi. Hắn không có điều kiện về lại cố hương; hắn tuyệt chẳng nghe ra tin tức người ấy. Như một định luật tự nhiên, chị sẽ lấy chồng, chị sẽ sinh con. Và có thể, chị sẽ mang vào mình thêm một tấm căn cước, một dấu ấn: Thuyền nhân. Và cũng có thể, lỡ gặp nhau lại giữa xứ người, mối thiện cảm hắn dành cho chị ngày xưa vẫn không hề thuyên giảm theo bao dâu bể mà con người ưa bày trò để đày đọa nhau.

Người ở Canada sử dụng tiếng Anh, hắn được chính phủ mở rộng vòng tay nhân ái đón về tiểu bang Québec, vùng duy nhất nói tiếng Pháp. Họ cho tất cả những nhu yếu phẩm, thời gian đầu, cho tiền hàng tuần, dắt đi mua sắm đồ ngự hàn, dẫn tới trường học, a bê xê dắt dê đi ỉa (mà không có) a á ớ dẫn vợ đi chơi. Tới trường học Pháp văn: Mon pays c’est hiver…

Phải. Đất nước tôi là mùa Đông. Một số người tự dưng vẽ chuyện: Xứ lạnh tình nồng. Hắn hồ nghi, do đâu mà người ta lạc quan tới độ cải lương như vậy? Kẻ may mắn đến trước khi dễ kẻ qua sau. Kẻ qua sau xem thường lũ người vừa chân ướt chân ráo tới bến bờ hôm kia bữa nọ. Hắn chẳng quen biết ai, hắn luôn nhìn ra một định luật bất biến, có vẻ biện chứng nữa: Mùa đông thì dứt khoát phải lạnh. Nên mặc nhiều áo ngự hàn và chớ dây dưa với những kẻ sẵn lòng nói xấu sau lưng mình. If you are afraid of loneliness, don’t marry có cùng một nghĩa tương tự. Cô đơn do bởi mình tìm chưa ra một tấm lòng. Tìm chưa ra, trời ạ, lạnh tái tê!

Trong chỗ hắn làm việc có duy một người đồng hương. Ông ấy khá lớn tuổi, da ngăm đen, tạng người gầy ốm và chưa bao giờ khuôn mặt khắc khổ kia nở ra một nụ cười. Giờ ăn trưa, ông thường ngồi ở một chỗ khuất lấp nhất, ít phát biểu ý kiến, gần như câm lặng. Tựu trung, khi ngắm nhìn ông, người ta sẽ đơm một ý nghĩ, hẳn ông là kẻ có nhiều tâm sự. Nhiều, nhưng muốn dìm xuống, cố quên đi. Tự dưng hắn có cảm tình với ông. Sự lạc lõng, nỗi cô thế của ai kia, luôn là thứ làm hắn mềm lòng. Và sau rốt hắn quen ông. Ông nói: Tôi ngỡ cậu người Tàu, nếu đã là người cùng xứ, chúng ta không nên để cho bọn Tây mọc lên cái ý tưởng người mình luôn chia rẽ.

Ông là một cựu tù cải tạo, người em bảo lãnh gia đình ông qua chưa được lâu. Có nghĩa là ông chưa thành Ca-na-điên như hắn. Hắn “điên” đã tám năm, qua chuyện vãn, ông bày cho hắn thấy cái hoạt cảnh tang thương kỳ lạ của một vùng đất luôn ấp ủ bóng tối của lạc hậu. Cái dân tộc tự khởi thủy đã mang vào người bản lý lịch hoang đường: Con rồng cháu tiên! Khi dựng chuyện hoang tưởng, người ta tha hồ vẽ rồng vẽ rắn; cớ sao “tác giả” nọ lại sớm dựng nên vở kịch của chia lìa? Bắt bố mẹ xa nhau, bắt kẻ dẫn con ngơ ngác lên rừng, bắt người mang đàn con thơ xuống biển. “Đừng để cho bọn Tây mọc lên cái ý tưởng người mình luôn chia rẽ!”. Lời ông nói với hắn có phải là thứ nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa của người Việt?

Ông có cho hắn số điện thoại. Ông dặn, chỉ gọi hồi nào cậu có chuyện xét thấy cần tâm sự thôi. Tôi không mấy thích điện thoại. Ông phụ chú thêm: Tôi còn tá túc ở nhà cậu em, mình tránh tối đa những gì gây phiền toái tới kẻ khác. Nhà cậu em. Hắn biết đó là du học sinh thời trước, cậu em thành hôn đã lâu, hai vợ chồng đều là kỹ sư và họ có với nhau một cô “công chúa” đang cố gắng về nguồn bằng cách học tiếng Việt mỗi cuối tuần do chùa mở lớp dạy, làm công quả thiện nguyện vô tư. Con gái họ hình như tuổi khoảng mười hai, bằng tuổi hắn ngày nào ôm võ phục đi luyện kung-fu.

Hôm ấy, hắn gọi điện thoại cho ông. Hắn gọi vì hắn muốn ông đóng vai bậc trưởng thượng, đại diện cho nhà trai… Tóm tắc, qua internet, do trời xui đất khiến, hắn bắt được liên lạc với “chị thắt đai nâu hơn hắn bốn tuổi” ngày êm đẹp cũ. “Người ấy” đã ly dị, chưa đẻ đái lần nào, hiện đang ở Mỹ; và cả hai quyết định đốt giai đoạn làm đám cưới cho-bỏ-những-ngày-cơ-cực. Khi đã nhân danh vợ chồng, “chị” sẽ bảo lãnh hắn qua Mỹ sống. Không phải sao? Xứ sở nọ luôn là nơi có hấp lực mạnh. Bác sĩ lương gấp đôi so với Canada. Kỹ sư, chuyên viên điện toán… mọi thứ khác cũng xêm xêm. Báo phát hành ở xứ lá phong đã lên tiếng báo động: Chúng ta đang lần hồi biến mất dần chất xám. Nhân tài của nhà nước đều xé rào sang Mỹ lao động hết trơn hết trọi vậy á!

Hắn gọi, và hắn tin người đồng hương duy nhất của hắn sẽ vui vẻ ưng thuận, thành tâm chúc mừng cho số phần nổi trôi của hắn. Chuông reo trong ống nghe. Chuông reo, chuông reo…

- A-lô?

- Xin cho được nói chuyện với ông Tám ạ.

Bên kia, một chỗ xa, đi metro mất hơn cả giờ, ậm ừ im lặng một khoảnh khắc.

- Bác Tám đi khỏi dồi.

- Ồ. Hắn ngần ngừ. Chắc là cô con gái mười hai tuổi đang cực chẳng đã đứng trả lời. Vậy thì có ba đó không?

- Ba đi khỏi… Muốn má không?

Hắn cám ơn. Và hắn gát điện thoại. Hắn rất yêu cô bé kia. Hắn tin rồi cô ta sẽ là một thi sĩ. Chữ cô bé dùng thật có sức quyến rũ! Cô bé hẳn sinh ra ở đây. Một thứ… made in Canada!

Happy Halloween
Hồ Đình Nghiêm