Trong gần ba thập kỷ, Bức tường Berlin là biểu tượng của Chiến Tranh Lạnh. Bức tường chia cắt thành phố Berlin và có tác động tới toàn nước Đức. Và rồi vào ngày 9 tháng 11 năm 1989, Bức tường Berlin sụp đổ cùng với Đông Đức cộng sản và Chiến Tranh Lạnh. Tường thuật từ Berlin, thông tín viên đài VOA Sonja Pace nhìn lại các sự kiện dẫn tới sự sụp đổ của Bức tường của Berlin 20 năm trước và ý nghĩa của nó đối với ngày nay.
Cây cầu Glienicke nằm ở ngoại ô thủ đô Berlin, bắc ngang qua dòng sông Havel. Cây cầu nối Berlin với thành phố lân cận Potsdam.
Ẩn sau khung cảnh điền viên đó là một lịch sử đen tối. Vào cao điểm của thời ký Chiến Tranh Lạnh, Glienicke được biết tới với tên Cây cầu Tình báo – nơi các giới chức cộng sản và phương Tây trao đổi các nhân viên mật vụ bị phát hiện và bắt giữ trước đó.
Giờ đi trên cây cầu, Haio Koelling, một công dân Potsdam, nhớ lại những câu chuyện về việc trao đổi tù binh: 'Đúng, tôi nghĩ các vụ trao đổi diễn ra ở ngay đây. Mật vụ được đưa từ một chốt kiểm soát quân sự này tới một chốt khác dưới sự chứng kiến của cả hai bên. Nhưng đối với các dân thường như chúng tôi, cây cầu không còn tồn tại kể từ năm 1961. Chúng tôi không thể tới gần. Có thể nhìn thấy cây cầu từ phía kia, nhưng bị chắn bởi Bức tường'.
Bức tường chạy dọc theo bờ sông. Chính phủ cộng sản Đông Đức bắt đầu cho xây dựng bức tường ngăn chạy xuyên qua trung tâm thủ đô Berlin từ tháng Tám năm 1961. Nhưng rồi dần dần, Bức tường bao quanh toàn bộ phía Tây thành phố Berlin, và cắt đứt với phía Đông Berlin và phần Đông Đức còn lại.
Một đường ranh giới dài hơn phân chia toàn bộ đất nước thành phần phía Đông và phía Tây. Nó là biểu tượng của Bức màn Thép – đường ranh chia cắt giữa phương Tây và Đông Âu, hay còn được biết tới là Khối Xô Viết.
Đó là nguyên nhân gây căng thẳng và quan ngại rằng Chiến tranh Lạnh có thể biến thành một cuộc xung đột toàn diện.
Nhưng theo đánh giá của nhà phân tích chính trị Jochen Staadt thuộc Đại học Tự do ở Berlin, rạn nứt bắt đầu hình thành trong hệ thống cộng sản: 'Một số người biết rằng Đông Đức lâm vào tình cảnh tồi tệ trong khi nền kinh tế thì đi xuống. Tới giờ chúng ta thấy rằng lực lượng tình báo của chúng đã biết nhiều về chuyện đó'.
Một dấu hiệu thay đổi trở nên rõ ràng hơn vào giữa những năm 80 khi ông Mikhail Gorbachev lên nắm quyền ở Moscow. Theo đánh giá của ông Staadt, đó là một yếu tố mấu chốt: 'Khi ông Gorbachev lên nắm quyền ở Liên bang Xô Viết, đã có nhiều dấu hiệu thay đổi, và một trong những dấu hiệu quan trọng nhất là người dân Liên Xô bắt đầu trao đổi công khai về sự thống nhất nước Đức'.
Theo ông Staadt, có sự khác biệt quan điểm giữa Moscow và Đông Berlin, và sự hậu thuẫn của Kremlin đối với đội ngũ lãnh đạo cộng sản ở Đông Đức ngày càng suy giảm. Và các nhà lãnh đạo phương Tây, như ông Ronald Reagan, nắm ngay lấy cơ hội này: 'Ông Gorbachev, hãy phá sập Bức tường này'.
Sự thay đổi diễn ra khi Tổng thống Reagan đưa ra lời thách thức đó vào năm 1987 và giờ đây nó đã trở thành câu nói bất hủ. Những phong trào cải cách đã bắt đầu bám rễ trong khối Xô Viết. Và tới mùa hè năm 1989, người dân Đông Đức tìm đường sang Tây Đức qua ngả Hungary, và các cuộc biểu tình ôn hòa lan rộng khắp Đông Đức.
Theo đánh giá của nhà phân tích chính trị Michael Cox từ Trường Kinh tế London, trong khi áp lực của phương Tây đóng một vai trò trong các diễn biến xảy ra, yếu tố mấu chốt là ông Mikhail Gorbachev: 'Tôi nghĩ rằng một khi Liên bang Xô Viết, ông Gorbachev và Bộ Chính trị quyết định không sử dụng vũ lực thì mọi chuyện chuẩn đị sụp đổ'.
Và sự sụp đổ diễn ra nhanh hơn sự chờ đợi của mọi người vào ngày 9/11/1989. Bức tường Berlin sụp đổ cùng với chế độ cộng sản Đông Đức.
Nhưng theo nhận định của ông Cox,người ta không thể đoán được những gì sẽ xảy ra sau đó. Các cuộc đàm phán quan trọng về cơ cấu châu Âu mới, cũng như làm sao để hòa nhập nước Đức, đã diễn ra tiếp theo sau biến cố bức tường Berlin sụp đổ.
Ông Cox nói: 'Chúng ta không nên quên rằng vào năm 89 và 90 khi nước Đức thống nhất, nhiều người châu Âu cảm thấy lo lắng và vì thế điều cực kỳ quan trọng là cần phải có một đường lối ngoại giao thực đa dạng và tế nhị để đưa nước Đức hòa nhập với châu Âu và đóng vai trò ở khu vực Đại Tây Dương. Cũng không nên quên là ông Gorbachev cuối cùng đã nói đồng ý. Chính ông Gorbachev là người cuối cùng đã nói sẽ không sử dụng vũ lực. Xét về một khía cạnh nào đó, một nhân vật chủ chốt trong toàn bộ tiến trình đó chính là ông Mikhail Gorbachev'.
Nước Đức tái thống nhất năm 1990, và Liên bang Xô Viết tan rã năm 1991, và trước đó Chiến Tranh Lạnh đã gần đến hồi kết thúc.
Trở lại cây cầu Glienicke, Haio Koelling nói về những thay đổi trong cuộc đời của ông. Dưới chính quyền cộng sản, ông là kiến trúc sư và là người quy hoạch cho thành phố Potsdam. Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, ông bắt đầu lập văn phòng kiến trúc riêng.
Giờ ông đã nghỉ hưu và vẫn sống ở nơi từng là Đông Đức. Nhưng giờ đây ông có thể băng qua cầu Glienicke bất kể lúc nào ông muốn. Hiện không còn hàng rào ngăn, không còn chốt kiểm soát, không còn bất kỳ bức tường nào nữa.