Tim Robertson là một SC (Senior Counsel) luật sư nổi tiếng ở Sydney chuyên về luật nhân quyền và quốc tế. Ông cũng là em của một trong những luật sư nổi tiếng nhất thế giới về luật quốc tế và nhân quyền, đó là Geoffrey Robertson QC (Queen’s Counsel) hiện đang hành nghề tại London với danh tước QC được dành riêng cho những trạng sư tài giỏi đã có nhiều đóng góp vào lãnh vực riêng của mình.
Nhân dịp tôi được gặp ông tại Cebu, nơi ông là một trong những diễn giả, tôi mới biết được là trong những năm gần đây các tòa án quốc tế cũng như địa phương đã bắt đầu ra dấu hiệu cho thấy là họ sẵn sàng dùng luật quốc tế (mà những nước sở tại đã ký giấy cam kết) hoặc dùng chính luật nhân quyền của quốc gia đó để bắt giữ và điều tra về những tội ác mà các nguyên thủ quốc gia bị cáo buộc đã từng gây ra.
Ông cho tôi thí dụ về trường hợp của nhà độc tài người Chile, Tướng Pinochet, vào lúc cuối đời nhân một chuyến ghé thăm Tây Ban Nha đã bị bắt và giam cầm để điều tra xem là ông thật đã có ra lệnh giết hàng ngàn người dân Chile hay không trong suốt thập niên 70 vì họ đã dám…chống ông.
Nghe nói đâu chính ông cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Henry Kissinger về sau này trước khi đi sang một nước nào đó, nhất là những nước thuộc liên hiệp Châu Âu đều phải tìm hiểu xem ông có thể bị bắt và đưa ra tòa hay không vì những quyết định của ông, bất kể ít hay nhiều, đã có liên quan đến những vụ thủ tiêu hoặc bức hại những nhân vật chống đối chính quyền ở nước ngoài mà trong lúc còn tại chức ông đã lên tiếng ủng hộ và giúp đỡ.
Ngay cả đối với nước Úc hiện tại, tôi đã được cho biết là nếu như có bằng chứng hẳn hoi về tội ác đã được gây ra, bất kể thời gian, quốc tịch hay quyền lực của người bị tố cáo, những tòa án địa phương như Magistrate Court vẫn có quyền ra lệnh bắt tạm giam người bị tố cáo để điều tra.
Không cần biết họ là thủ tướng hay tổng thống lúc tội ác xảy ra hay hiện họ đang được quyền đặc miễn ngoại giao vì đang du hành sang nước Úc trong tư cách của một nhà ngoại giao cao cấp.
Có lẽ tôi cần phải tìm hiểu thêm về vấn đề này. Nhưng thú thật khi tôi vừa nghe Tim nói đến đây thì trong đầu tôi liền hiện lên những câu hỏi như sau:
Nếu như ngày xưa có một anh công an nào đó đã nhẫn tâm đánh đập hoặc giết chết những cựu quân nhân bị cho vào trại cải tạo như ba tôi và bây giờ anh ta đã lên được chức ông này, bác nọ và nếu như anh ta có dịp sang Úc bây giờ thì anh ta có thể bị bắt và cho vào tù ở Úc hay không?
Nếu như hiện nay những nhân vật chóp bu ở Việt Nam đã và đang ra lệnh cho vào tù tất cả những ai dám nói khác họ thì liệu 10, 20 năm sau, việc làm của họ có sẽ bị các tòa án quốc tế đưa ra xét xử hay không, và kết quả sẽ như thế nào?
Thật cũng khó đoán phải không các bạn. Nhưng như tựa đề của quyển tiểu thuyết nổi tiếng Crimes & Punishment, Tội Ác sẽ luôn đi đôi với Hình Phạt. Những ai dám gây ra tội ác thì không chóng thì chày cũng sẽ có một ngày phải nhận lấy hình phạt thỏa đáng.