Tử

Mặc dù tôi không phải là người thường nghĩ về cái chết vì thật ra tuổi cũng chưa đến đỗi gần đất xa trời cho lắm nhưng chẳng hiểu sao tôi lại thích thỉnh thoảng đi thăm…nghĩa địa.

Cách đây trên 10 năm về trước khi tôi được chuyển về Việt Nam lần đầu tiên để đi làm cho một công ty luật của Úc có văn phòng ở Hà Nội, tôi đã được người cậu ruột của tôi hỏi tôi có muốn đi thăm mộ của cố tổng thống Ngô Đình Diệm hay không? Câu trả lời của tôi lúc ấy dĩ nhiên là muốn. Rất muốn là đằng khác vì từ nhỏ tôi đã tự biết là mình thích sử hơn thích văn. Nhất là loại sử đầy những mẩu chuyện liên quan đến chiến tranh, tinh thần tự quốc, tự cường của dân tộc Việt Nam từ thuở khai thiên lập quốc mãi cho đến sau này.

Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ rất rõ cái cảm giác tự hào, nếu không muốn nói là tự kiêu của chính mình mỗi khi nghe được bài thơ này của Lý Thường Kiệt:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư


Mặc dù thú thật đối với một thằng bé đang học tiểu học như tôi lúc ấy thì ngay cả câu cuối ‘Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư’ tôi cũng chẳng hiểu nó là cái quái gì nói chi đến cảm nhận rõ được tại sao mình lại có cái cảm giác tự kiêu, tự hào như thế.

Cũng có thể vì trong thời gian ấy giữa Việt Nam và Trung Quốc đang sắp có chiến tranh ở biên giới nên từ trường học cho đến trên ti vi, lúc nào người dân từ già đến trẻ cũng nghe và được nhắc nhở là dân tộc Việt Nam rất hãnh diện là họ đã giữ được bờ cõi và luôn có thể đánh tan ‘bọn bành trướng Bắc Kinh’ cho dù ở bất kỳ thời đại nào.

Cái chết của những vị tướng tài đã xả thân vì nước vì thế luôn được nhắc đến một cách rất trang trọng và nó cũng được chuyển tải qua nhiều thể loại khác nhau, đặc biệt là qua các vở cải lương mà hầu hết mọi người dân đều chú ý theo dõi và say mê. Đối với những ai còn ở lại Việt Nam vào cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80, chắc quí vị vẫn còn nhớ những vở cải lương lừng danh một thời như Thái Hậu Dương Vân Nga hay Tiếng Trống Mê Linh do cố nghệ sĩ Thanh Nga thủ vai Trưng Trắc.

Hầu như tất cả những cái chết trong thời gian ấy đã được thần thánh hóa và sự sẵn sàng xả thân hy sinh cho đại nghiệp là một vinh dự không ai có thể chối cãi hoặc đặt vấn đề như câu nói để đời của tướng Trần Bình Trọng:

Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không làm vương đất Bắc. (Ninh vi Nam quỷ, bất vi Bắc vương)

Nhưng từ khi tôi cùng gia đình sang định cư tại Úc và có cơ hội học, đọc cũng như tìm hiểu thêm về sử sách Việt Nam qua nhiều lăng kính khác nhau thì tôi cũng đã nhận ra được rằng không phải cái chết nào cho đất nước cũng được tôn trọng.

Nếu như lần đầu tiên tôi đến Hà Nội và ngạc nhiên khi thấy Lăng của ông Chủ Tịch Hồ Chí Minh nó lớn đến dường nào thì ngược lại tôi cũng rất ngạc nhiên đến thẫn thờ khi chính mắt tôi thấy trong khu nghĩa địa hoang tàn nằm bên cạnh xa lộ Đại Hàn trên đường đi từ Sài Gòn đến Lái Thiêu, giữa những ngọn cỏ cao chắn cả lối đi lại có một ngôi mộ tưởng chừng như chỉ là một ngôi mộ tầm thường như hàng trăm, hàng ngàn ngôi mộ khác.

Có khác chăng là trên mộ bia của người chết lại không có tên tuổi của người đã qua đời. Mà nó chỉ vỏn vẹn khắc ghi ba hàng chữ:

Gioan Bautixita
HUYNH
Mất ngày 2.11.1963

Tuổi không có đã đành. Cả tên cha mẹ đặt cho cũng bằng không.

Nhưng thật ra người nằm bên cạnh ông cũng chẳng hơn gì. Mộ bia của ông cũng chỉ vỏn vẹn có ba hàng chữ:

Giacobe
ĐỆ
Mất ngày 2.11.1963

À.

Thì ra họ là hai anh em.

Cả hai đã chết cùng ngày.

Và sắp tới đây là kỷ niệm ngày giỗ lần thứ 46 của họ.

Thế là gần một nữa thế kỷ đã trôi qua. Vậy mà cho đến giờ này mộ bia của họ vẫn không được khắc ghi tên tuổi.

Ai bảo văn hóa của người Việt là từ tâm, độ lượng? Nghĩa tử là nghĩa tận?

Ai trả lời được dùm tôi xin rất cảm ơn.