Kinh tế thế giới đã thoát khỏi đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ sau Great Depression. Đó là nhận định của hầu hết các kinh tế gia cũng như giới tài phiệt. Ngay cả những người được cho là “gấu béo” (biggest bears) – tức là những người trước nay có quan điểm rất bi quan như Nouriel Roubini hay Paul Krugman - cũng đã thay đổi dự đoán của họ. Cách đây vài hôm, Paul Krugman còn viết trên blog của mình rằng tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong Quý 3 năm nay có thể ở mức 4% hoặc hơn.
Trái với giới phân tích và tài phiệt, phần lớn công chúng Mỹ không cho rằng kinh tế đang phục hồi. Hồi đầu tháng 10 vừa rồi, Dick Polman trích dẫn nguồn của Hart Research Associates cho biết khoảng 85% dân Mỹ vẫn cho rằng chúng ta đang ở trong khủng hoảng.
Lý do vì đâu mà lại có sự khác biệt lớn trong cách nhìn giữa giới phân tích/tài phiệt và công chúng nói chung? Một phần của câu trả lời này được Dick Polman viết rất hay như sau: “[Đối với công chúng mà nói] phục hồi không gợi cảm giác có thật cho tới khi các tiệm bán hàng ở góc phố trước vắng tanh nay đã có chủ mới và các tấm bảng hiệu “cần thuê người” được treo lên cửa sổ; cho tới khi người bạn đời đang thất nghiệp của mình bắt đầu đi làm trở lại vào mỗi buổi sáng; cho tới khi tìm chỗ đậu xe ở các khu shopping malls trở nên khó khăn; cho tới khi việc sửa sang lại căn nhà có vẻ như khả thi hơn và những người thợ sửa này cũng bận bịu túi bụi với các hợp đồng sửa chữa tương tự.”
Đúng là trong con mắt của công chúng mà nói, các số liệu thống kê vĩ mô khả quan chẳng có ý nghĩa gì. Họ chỉ thực sự tin vào phục hồi khi họ tận mắt nhìn thấy các bằng chứng cụ thể. Và mặc dù giới phân tích kinh tế, các nhà tài phiệt hay các chính trị gia có hô hào rằng giai đoạn tồi tệ nhất đã qua và nền kinh tế đang phục hồi nhanh thì sẽ còn khá lâu để các bằng chứng thực tế có thể đến được với người dân thường.
Thất nghiệp – tiêu chí nặng ký nhất đối với công chúng – vẫn còn đang tiếp tục gia tăng. Số việc bị mất giảm bớt trong tháng 7 và 8 nhưng lại đột ngột tăng trong tháng 9.
Tính đến nay, đã 21 tháng nước Mỹ liên tục ở trong tình trạng số việc làm gia tăng với tốc độ âm. Tỉ lệ thất nghiệp toàn quốc hiện nay đang ở mức 9.8% và được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên mức trên 10%.
Đối với những người vẫn còn giữ được việc làm thì tình hình cũng không tốt hơn là bao. Đa số các công ty tư nhân đã liên tục tìm cách cắt giảm chi phí bằng cách hạ thấp lương, hạn chế thưởng, và giảm bớt các lợi ích khác như bảo hiểm y tế. Ngay cả những người làm việc cho chính quyền liên bang cũng bị ảnh hưởng bởi kế hoạch thắt lưng buộc bụng của Obama.
Theo kế hoạch này, lương của những công nhân viên chức không thuộc ngạch an ninh/quân đội sẽ không tăng quá 2% trong năm 2010 nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách. Xu hướng thắt lưng buộc bụng này sẽ còn kéo dài và vì thế những người làm công ăn lương sẽ còn phải chờ đợi lâu để thấy hầu bao của họ được cải thiện.
Chính quyền Obama và đảng Dân chủ hiểu rõ nếu không sớm cải thiện được tình hình thị trường lao động thì họ sẽ gặp bất lợi lớn ở cuộc bầu cử năm 2010 tới ở Hạ viện.
Có lẽ vì thế mà có đồn đoán rằng họ đang tính đến một gói kích cầu mới và muốn giữ lãi suất ở mức rất thấp như hiện nay trong một thời gian dài nữa mặc cho nhiều quan ngại về lạm phát phi mã và khả năng tạo ra một bong bóng tài chính mới một khi chính sách lãi suất thấp được giữ quá lâu như hồi đầu năm 2000.